Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 2/2/2018 14:35'(GMT+7)

Chính phủ Syria hoan nghênh kết quả Đại hội Đối thoại dân tộc ở Sochi

Toàn cảnh Đại hội đối thoại dân tộc Syria ở Sochi ngày 30/1. (Nguồn: THX/TTXVN)

Toàn cảnh Đại hội đối thoại dân tộc Syria ở Sochi ngày 30/1. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này khẳng định các cuộc đối thoại và tuyên bố chung của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria cho thấy tiến trình chính trị của Syria không thể bắt đầu nếu các nhà lãnh đạo Syria chịu sự can thiệp từ bên ngoài, đồng thời nhấn mạnh kết quả của Đại hội Đối thoại dân tộc tạo "cơ sở cụ thể" để tiến hành bất kỳ cuộc đối thoại hoặc đàm phán nào.

Theo bộ trên, Damascus ủng hộ bất kỳ giải pháp chính trị nào đưa Syria thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, cũng như hạn chế tình trạng đổ máu miễn là giải pháp này không xâm phạm chủ quyền của Syria.

Hôm 30/1, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria đã diễn ra tại Sochi, với sự tham dự của gần 1.400 đại biểu, hơn 50 quan sát viên. Đại hội kéo dài hơn 9 giờ trong bầu không khí xây dựng và đã thông qua 3 văn kiện quan trọng, gồm tuyên bố kết thúc đại hội, thư kêu gọi của các đại biểu tham dự đại hội và danh sách ứng cử viên tham gia Ủy ban Hiến pháp.

Ủy ban này, bao gồm 150 người bao gồm đại diện của cả Chính phủ Syria cũng như phe đối lập, có nhiệm vụ thảo luận việc sửa đối Hiến pháp hiện nay. Danh sách này sẽ được chuyển cho Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistur trong thời gian sớm nhất. Ông Mistura đã xác nhận tuyên bố này.

Nga tuyên bố Đại hội Đối thoại dân tộc Syria là bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc hòa giải dân tộc ở quốc gia Trung Đông, và nhìn chung đã thành công.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Jordan đã đưa ra kế hoạch đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria, theo đó, quốc gia này cho rằng cần phải có một nguồn tài chính khoảng 7,3 tỷ USD từ nay cho đến năm 2020, để tiếp nhận những người tị nạn Syria trong giai đoạn từ năm 2018-2020.

Theo Thủ tướng Jordan Hani Mulki, cuộc khủng hoảng Syria, cùng với vấn đề di cư của người tị nạn là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Vấn đề này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và an ninh toàn cầu, trong khi hy vọng để người tị nạn có thể trở về nhà vẫn bị cản trở bởi việc thiếu một giải pháp hòa bình, làm tăng áp lực và nguồn tài nguyên hạn chế của Jordan.

Hiện Jordan đang tiếp nhận 1,3 triệu người tị nạn Syria và nước này khó có thể tiếp nhận thêm người tị nạn./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất