(TG) - Sáng ngày 25/9/2017, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị "Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng" nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10).
Tham dự và phát biểu tại hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, mang lại tiềm năng như tăng cường chất lượng lao động và kiến thức, lợi ích kinh tế. Nhưng tuổi thọ càng cao, gánh nặng bệnh tật cũng cao hơn. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh, chủ yếu là bệnh không lây nhiễm và mạn tính, mà hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng nhu cầu ngày một tăng.
Cũng vì thế, hội nghị tập trung vào các vấn đề như tăng cường sự sẵn có của dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tập trung quản lý các bệnh mãn tính và chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng, nâng cao vai trò của bác sĩ gia đình, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ thay đổi lối sống, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh và năng động.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận sáng kiến của Bộ Y tế, Bệnh viện Lão khoa và các tổ chức đã tổ chức hội nghị ý nghĩa này. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Trong suốt những năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã có nhiều chính sách chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. Tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng lên nhưng tuổi thọ khỏe mạnh vẫn thấp.
Năm 2016, Việt Nam có 10,1 triệu người cao tuổi chiếm 11% tổng dân số, trong đó có trên 2 triệu người trên 80 tuổi. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước điển hình sẽ có tốc độ già hóa rất nhanh. Chính vì vậy, chính sách để người cao tuổi sống khỏe và sống tốt đang là vấn đề cần được quan tâm.
Cũng vì thế, quan trọng bây giờ là nỗ lực nâng cao nhận thức, đưa vấn đề về già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào chính sách phát triển quốc gia và chương trình an sinh xã hội, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi để không chỉ là kéo dài tuổi thọ đơn thuần mà còn phát huy vai trò của người cao tuổi.
Tại hội nghị, các đại biểu cần phân tích đầy đủ những khó khăn, thách thức và thời cơ trong công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; đồng thời, đưa ra những khuyến nghị để các nhà lãnh đạo hoàn thiện chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Hội nghị gồm ba phiên toàn thể với các chủ đề: Chính sách về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, quản lý các bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi tại cộng đồng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Các báo cáo khoa học tại hội nghị tập trung vào vấn đề chính sách và các kinh nghiệm trong triển khai chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng như: Tăng cường sự sẵn sàng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tập trung vào quản lý bệnh mãn tính của người cao tuổi, nâng cao vai trò của bác sỹ gia đình; hướng dẫn, hỗ trợ thay đổi lối sống và phòng bệnh, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh và năng động; khuyến khích sự tham gia của lĩnh vực tư nhân, các tổ chức và cộng đồng xã hội phối hợp đầu tư trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) nêu rõ, tại Việt Nam, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp (64 tuổi). Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho người cao tuổi.
Qua đó, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình khuyến nghị thời gian tới, ngành Y tế cần tăng cường đầu tư, cải thiện chăm sóc sức khỏe ban đầu; lồng ghép chăm sóc y tế với chăm sóc xã hội cho người cao tuổi; chú trọng sức khỏe, dinh dưỡng cho người cao tuổi; xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi; phát huy vai trò chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng./.
Duy Phong