Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 1/6/2013 22:29'(GMT+7)

"Chính sách của Việt Nam được cả thế giới ủng hộ"



Thượng tướng trả lời về bối cảnh, ý nghĩa của Đối thoại Shangri-La cũng như quan điểm của Việt Nam về đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và thế giới. 

- Xin Thứ trưởng cho biết bối cảnh diễn ra Đối thoại Shangri-La lần thứ 12? 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đối thoại Shangri-La (SLD) là diễn đàn đối thoại an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ra đời cách đây hơn 10 năm, dần dần trở thành diễn đàn rất có uy tín không chỉ khu vực mà cả trên thế giới về an ninh. 

Cho đến năm nay, SLD đã tổ chức được năm thứ 12. SLD năm nay diễn ra trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương trở thành tâm điểm của thế giới, trở thành trọng điểm của các nước lớn, cũng là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. 

Trong bối cảnh chung như vậy, trong tương lai phát triển tốt đẹp của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng nảy sinh thách thức do cọ xát lợi ích chiến lược của nhiều quốc gia, bối cảnh đặt ra vấn đề nếu giữ được hòa bình, ổn định thì đây sẽ là khu vực phát triển, nhưng ngược lại, nếu khu vực này mất ổn định, hay để cho các thách thức, vấn đề của khu vực phát triển trở thành một nguy cơ không chỉ đe dọa các quốc gia trong khu vực, châu Á, mà còn cả các quốc gia khác trên thế giới, kể cả châu Mỹ và châu Âu. 

An ninh phi truyền thống, hạt nhân, an ninh biển là những vấn đề đang diễn ra trong thực tế. Bên cạnh sự hợp tác phát triển tương lai tốt đẹp thì vẫn tiềm ẩn những thách thức, nguy cơ đe dọa sự ổn định. 

Chính vì vậy, các chính khách, học giả, nhà quân sự, an ninh trên thế giới tập trung về đây với sự kỳ vọng lớn, quan tâm vào hai vấn đề lớn, đó là xác định những thách thức khu vực đang đối mặt và họ muốn được biết liệu có những giải pháp gì mang tính chiến lược, khu vực, thậm chí là toàn cầu để cùng nhau bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển, đồng thời đẩy lùi các nguy cơ mà chúng ta đã thấy. 

Đây cũng là lý do quan chức các nước và giới học giả chờ đợi bài phát biểu của Thủ tướng nước ta Nguyễn Tấn Dũng. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam phát biểu tại Đối thoại Shangri-La và cũng là lần đầu tiên giới quân sự quốc phòng toàn thế giới được nghe Thủ tướng nước ta nói về vấn đề an ninh quốc phòng. 

- Xin Thứ trưởng đánh giá ý nghĩa của SLD với khu vực và thế giới? 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Khi trong khu vực xuất hiện nguy cơ đe dọa an ninh, điều quan trọng đầu tiên là cần phải đối thoại, trong đó các bên đánh giá về tình hình an ninh khu vực, những thuận lợi, khó khăn, nguy cơ thách thức, tương lai phát triển. 

Đối thoại SLD qua 12 năm tổ chức đến nay đã đề cập trúng vấn đề khu vực của chúng ta, đó là mặt trái của sự phát triển là gì, mặt trái của thế giới hội nhập là gì, sự can dự của các nước lớn là gì, chỉ ra được để ngăn ngừa. Tất cả các thách thức về an ninh đều được đề cập tại diễn đàn minh bạch, thẳng thắn, nhưng với một tinh thần xây dựng. 

- Xin Thứ trưởng cho biết trọng tâm, điểm nhấn của bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại khai mạc Đối thoại SLD? 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Kỳ vọng ở số đông của cả khu vực, thế giới là muốn nghe đánh giá chính xác, đúng mực về tình hình an ninh khu vực, cái gì thuận lợi, khó khăn. Quan trọng hơn là phương án, vấn đề, giải pháp mang tính chiến lược khu vực, toàn cầu, khả thi để cùng nhau đẩy lùi các nguy cơ, thách thức, vun đắp cho hòa bình phát triển. 

Với cách nhìn của nhà nghiên cứu quốc phòng, tôi thấy bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đáp ứng 2 yêu cầu lớn đó, trước hết nêu được nét chính của tình hình khu vực một cách khách quan, chân thành, thẳng thắn và có tính xây dựng. 

Phân tích bài phát biểu của Thủ tướng, tôi thấy bài phát biểu đó đã làm hài lòng các nhà chiến lược trên thế giới, nó chính xác, đúng mực, không bỏ sót vấn đề nào, không phóng đại vấn đề nào. 

Nhưng quan trọng hơn là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt đất nước ta đưa ra một thông điệp, lời kêu gọi chung tay xây dựng lòng tin chiến lược. Nếu có lòng tin chúng ta sẽ vượt qua tất cả, đấy là điểm nổi lên mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn nhấn mạnh, từ đó Thủ tướng đưa ra giải pháp cụ thể, hãy đi đến hợp tác quốc tế, trên cơ sở cơ bản là luật pháp quốc tế, đó là giá trị của thời đại, chứ không chỉ là vấn đề mang tính pháp lý.

Đó là cách đối xử bình đẳng giữa các quốc gia với nhau. Tôn trọng lợi ích của nhau, tôn trọng độc lập tự chủ của nhau. Tôi cảm nhận 2 ý kiến quan trọng đó của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các đại biểu lắng nghe chăm chú. Chúng ta chờ đợi bình luận của các học giả, các nước trên thế giới, nhưng qua tiếp xúc sơ bộ, tôi cảm nhận được người ta cảm thấy rõ ràng là Thủ tướng đã nêu trúng vấn đề. 

Bên cạnh đánh giá chung về tình hình khu vực, đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp chiến lược đầy tính xây dựng đối với tình hình an ninh khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày rõ ràng, ngắn gọn về chính sách quốc phòng của Việt Nam, qua đó một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta chúng ta là độc lập tự chủ, là bạn, đối tác tin cậy với các quốc gia, tôn trọng lợi ích của các quốc gia, đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực. 

Đây là chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong bối cảnh cụ thể, đưa ra những giải pháp rất cụ thể để thấy rằng chúng ta không chỉ nói mà sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực; đồng thời khẳng định làm hết sức mình để bảo vệ độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ đất nước ta. 

- Xin Thứ trưởng cho biết thêm về quyết định của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc? 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tại SLD-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Việt Nam quyết định tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng như công binh, quân y, quan sát viên quân sự. Việc này khẳng định, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. 

Việt Nam mặc dù còn nhiều khó khăn, bằng khả năng của mình sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đây là bước tiến mới trong quá trình hội nhập của đất nước chúng ta, thể hiện Việt Nam chủ động, tích cực tham gia vào các vấn đề quốc tế. 

Việt Nam đương nhiên lựa chọn khả năng, lực lượng tham gia phù hợp. Với kinh nghiệm của ta trong nhiều năm chiến tranh, cũng như xây dựng đất nước, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Tuy nhiên, cần nói thêm rằng, việc này ta tham gia trên cơ sở luật pháp quốc tế, dưới ngọn cờ của Liên hợp quốc, nhưng việc tham gia ở đâu, lúc nào, lĩnh vực nào, bao nhiêu người tham gia, như thế nào là do ta quyết định. Đây là bước phát triển về hội nhập quốc tế của đất nước ta, trong đó có hội nhập quốc phòng an ninh. 

- Tại Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tái khẳng định chính sách quốc phòng Việt Nam vì hòa bình, tự vệ, không liên minh quân sự với nước nào, xin Thứ trưởng phân tích điểm này? 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chính sách này của Việt Nam được cả thế giới quan tâm, đồng tình ủng hộ. Khẳng định Việt Nam trước sau như một chỉ mong muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đóng góp cho hoà bình, ổn định khu vực, thế giới, điều này phù hợp xu thế thời đại. 

Thời đại hiện nay tổ chức các liên minh quân sự, hoặc xây dựng căn cứ quân sự của nước này tại một nước khác không còn là xu thế phát triển. Chính sách của ta phù hợp xu thế hiện nay. 

Định hướng về quốc phòng an ninh của Việt Nam là bài học đúng rút từ nhiều năm bảo vệ Tổ quốc, lấy độc lập tự chủ để bảo vệ Tổ quốc, lấy sức mạnh của mình để bảo vệ mình. Đồng thời chúng ta mong muốn có sự ủng hộ của thế giới, sức mạnh của thời đại để bảo vệ Tổ quốc nhưng chúng ta khẳng định bảo vệ bằng tự lực là chính. 

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! 

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất