1. Đảng và Nhà nước ta sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề dân số đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; đồng thời xác định việc kiểm soát quy mô dân số, giảm tốc độ gia tăng quy mô dân số là vấn đề trọng tâm. Quyết định số 216-CP ngày 26-12-1961 của Chính phủ về việc sinh đẻ có hướng dẫn, đánh dấu sự khởi đầu cho chương trình dân số Việt Nam, hướng đến mục tiêu giảm mức sinh đẻ để kiểm soát tốc độ tăng dân số ở miền Bắc.
Sau khi đất nước thống nhất, công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được triển khai trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, do trong bối cảnh kinh tế-xã hội hết sức khó khăn lại bị bao vây, cấm vận, chưa xác định được cách làm phù hợp, thiếu một tổ chức chuyên trách chăm lo cho công tác này cộng với cơ chế quản lý kém hiệu quả… nên kết quả đạt được còn hạn chế. Liên tục qua 3 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), lần thứ V (1981) và lần thứ VI (1986), công tác DS- KHHGĐ tuy đã đạt được một số kết quả, song mục tiêu giảm tỷ lệ phát triển dân số hàng năm xuống mức 1,7% đều không đạt được.
Theo kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 1989, dân số Việt Nam ở thời điểm này là 64,4 triệu người, tăng gấp 2,2 lần so với năm 1960. Tỷ lệ phát triển dân số vẫn còn ở mức 2,3%, số con trung bình của mỗi cặp vợ chống là gần 4 con, số dân tăng lên hàng năm khoảng 1,5 triệu người, tương đương dân số của một tỉnh.
Căn cứ vào số liệu của cuộc Tổng Điều tra nêu trên và tốc độ đạt kết quả trong gần 30 năm triển khai công tác DS-KHHGĐ ở Việt Nam kể từ khi bắt đầu vào năm 1961, Quỹ dân số Liên hợp quốc đã dự báo quy mô dân số Việt Nam sẽ đạt mức 128 triệu người vào năm 2025 và 158 triệu người trước thời điểm giữa thế kỷ XXI.
Trước tình hình công tác DS-KHHGĐ chậm đạt được kết quả, xác định “tốc độ gia tăng dân số quá nhanh là một yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, hạn chế những nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Nếu tình hình trên vẫn tiếp tục diễn ra sẽ đặt nước ta trước những khó khăn rất lớn”, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã ban hành Nghị quyết về chính sách DS-KHHGĐ.
Với Nghị quyết này, lần đầu tiên Đảng ta có một văn bản hoàn chỉnh và khoa học về chính sách dân số. Nghị quyết xác định 5 quan điểm, 3 giải pháp chủ yếu để triển khai có kết quả công tác dân số. Trong đó tập trung đầu tư ngân sách nhà nước, xây dựng bộ máy chuyên trách và huy động sự tham gia của toàn xã hội, khẳng định vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số. Hướng đến “thực hiện gia đình ít con, tạo điều kiện để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, Nghị quyết đề ra mục tiêu cụ thể đạt mức sinh thay thế - “bình quân toàn xã hội, mỗi gia đình (cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ) có 2 con vào năm 2015, tiến đến ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII của Đảng, Chính phủ đã phê duyệt các Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000, Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010. Để đôn đốc, chấn chỉnh những sai sót trong quá trình thực hiện, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Chỉ thị 50/CT-TW ngày 5-3-1995 của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết 47-NQ/TW ngày 23-5-2005 của Bộ Chính trị và nhiều văn bản khác.
Triển khai các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, các Chiến lược của Chính phủ, các cấp ủy Đảng và chính quyền đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ, tập trung vào các giải pháp đồng bộ, như: tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ Trung ương đến cơ sở (thôn, xóm, bản làng); đầu tư kinh phí từ ngân sách kết hợp với thực hiện một cơ chế quản lý hiệu quả; triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông, vận động, đưa công tác truyền thông kết hợp với cung cấp các phương tiện, dịch vụ phù hợp đến tận người dân…
Có thể nói, việc ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, việc triển khai đồng bộ các giải pháp với sự tham gia tích cực của toàn xã hội, đã đánh dấu và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tổ chức thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở nước ta trong những năm qua, đạt được những kết quả hết sức quan trọng.
Để chính sách dân số tiếp tục phát huy hiệu quả, phù hợp với điều kiện và tình hình mới, ngày 4-1-2016, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Kết luận số 119-KL/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, trong đó xác định rõ trong giai đoạn tới phải chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số theo định hướng giải quyết tốt quan hệ dân số và phát triển. Kết luận này là sự chuyển hướng có tính bước ngoặt về định hướng chính sách dân số của Đảng ta trong tình hình hiện nay.
2. Số liệu của các cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở và các nguồn số liệu thống kê dân số trong thời gian qua đã khẳng định tính hiệu quả và thành công trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ của nước ta thời gian qua, đặc biệt kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII.
Điều tra biến động dân số hàng năm cho thấy, chúng ta đã đạt được mức sinh thay thế (tổng tỷ suất sinh-TFR = 2,1 con) vào năm 2006, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu cụ thể được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII. Tại thời điểm Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1-4-2009, dân số Việt Nam là 85,8 triệu người, số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (TFR = 2,09 con), tỷ lệ phát triển dân số 1,04%. Từ kết quả này cho thấy, trong tốc độ tăng quy mô dân số trung bình hàng năm của giai đoạn 10 năm 1999-2009 là 1,2%, thấp hơn nhiều so với các giai đoạn trước đó (1,7% cho giai đoạn 1989-1999 và 2,1% cho giai đoạn 1979-1989).
Thực hiện thành công công tác DS-KHHGĐ, trong hơn 20 năm qua, chúng ta đã giảm nhanh mức sinh và tốc độ gia tăng quy mô dân số, góp phần to lớn vào những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Việc giảm nhanh mức sinh đẻ cũng tác động tích cực đến việc giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, tạo điều kiện nâng cao sức khỏe và tuổi thọ của nhân dân...
Tuy nhiên, những kết quả đạt được nêu trên cũng tạo nên những chuyển đổi nhân khẩu học rất đáng chú ý đặt ra cho chúng ta những cơ hội và thách thức. Điều này cho thấy, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, thì đan xen với cơ hội là những thách thức đặt ra cho chúng ta trong thời gian tới, đòi hỏi sự chuyển đổi chính sách từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết tốt mối quan hệ Dân số-Phát triển.
Những thuận lợi - cơ hội và khó khăn - thách thức đó thể hiện trên những khía cạnh sau:
KHHGĐ và kiểm soát quy mô dân số
Có 2 điểm đáng chú ý trong chương trình KHHGĐ và định hướng mục tiêu kiểm soát quy mô dân số nước ta trong thời gian tới: 1/ Chúng ta đã đạt được mức sinh thay thế từ năm 2006 và trong 10 năm qua, liên tục duy trì mức sinh này; 2/Trong mặt bằng chung, cả nước đạt mức sinh thay thế, nhưng có những khu vực (Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long) mức sinh đã suy giảm nhanh, dưới mức sinh thay thế. Trong khi đó, một số khu vực khác (Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung) mức sinh vẫn còn cao.
Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, khi mức sinh đã xuống thấp, do tác động của các yếu tố phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa sẽ kéo mức sinh tiếp tục suy giảm. Một khi mức sinh đã xuống thấp thì muốn khôi phục, đưa mức sinh tăng lên còn khó khăn hơn. Hệ quả là dân số già tăng lên, suy giảm lực lượng lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội.
Ví dụ điển hình là Hàn Quốc. Hàn Quốc đạt mức sinh thay thế vào năm 1982, nhưng vẫn đẩy mạnh chương trình KHHGĐ cho đến năm 1996 khi tổng tỷ suất sinh đã giảm xuống còn 1,5-1,6 con. Do không kịp thời điều chỉnh chính sách và dưới tác động của sự phát triển kinh tế-xã hội, mức sinh của Hàn Quốc giảm xuống mức 1,08 con vào năm 2005. Đến lúc này, Hàn Quốc mới phản ứng bằng việc thành lập Hội đồng của Tổng thống ứng phó với suy giảm mức sinh và già hóa dân số do Tổng thống đứng đầu và tất cả các bộ trưởng trong nội các. Mặc dù đầu tư hàng chục tỷ đô la mỗi năm để thực hiện hàng loạt các chính sách khuyến sinh, chăm sóc người cao tuổi, nhưng đến nay cũng chỉ đưa mức sinh lên mức 1,28 con (2013), thấp xa mức sinh thay thế.
Hiện tượng mức sinh thấp đi đôi với già hóa dân số, thiếu lao động, tác động không thuận đến phát triển kinh tế-xã hội được nhận thấy ở Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan và nhiều nước đã phát triển khác.
Những bằng chứng và kinh nghiệm nêu trên là cơ sở thực tiễn cho việc chuyển đổi chính sách từ thực hiện mục tiêu giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế (TFR=2-2,1 con) nhằm giảm tốc độ già hóa dân số và suy giảm lực lượng lao động. Duy trì mức sinh thay thế cũng đòi hỏi tiếp tục thực hiện các chính sách giảm sinh ở khu vực có mức sinh cao, nâng dần mức sinh ở các khu vực mà mức sinh đã xuống thấp với các chính sách khuyến sinh phù hợp. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi nhu cầu đầu tư, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu về cung cấp phương tiện, dịch vụ KHHGĐ cho nhân dân, đặc việt là vị thành niên, thanh niên và thực hiện các chính sách.
Già hóa dân số và các giải pháp thích ứng
Thành công nhanh chóng trong việc thực hiện chương trình KHHGĐ, giảm nhanh mức sinh cùng với những thành tựu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nâng cao tuổi thọ là những yếu tố chính dẫn đến quá trình già hóa dân số ở nước ta.
Già hóa dân số trước hết phản ánh thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe nhân dân nói riêng. Nhưng xét ở khía khác, một xã hội ngày càng có nhiều người cao tuổi cả về số lượng tuyệt đối cũng như tỷ lệ tương đối trong xã hội, sẽ đặt ra nhu cầu phải thích ứng đối với các cấu trúc kinh tế-xã hội.
Theo quy ước về nhân khẩu học, dân số Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số vào năm 2011 với 7% dân số trong độ tuổi từ 65 trở lên. Tương ứng, số lượng tuyệt đối khoảng 6,5 triệu người vào thời điểm hiện nay. Tốc độ già hóa của dân số nước ta rất nhanh. Các nước đã phát triển, không có chương trình KHHGĐ, phải trải qua vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm để đi từ già hóa dân số sang dân số già (14% dân số từ 65+). Dân số Việt Nam chỉ cần khoảng 15-17 năm cho quá trình này và do đó, chúng ta sẽ đạt ngưỡng dân số già vào trước năm 2030. Lúc đó, nhóm dân số từ tuổi 65+ khoảng 15 triệu người và tiếp tục tăng lên khoảng 24-25 triệu người vào năm 2049 (21% của 115-120 triệu dân).
Già hóa dân số tạo ra cơ hội cho việc phát huy kinh nghiệm phong phú của người cao tuổi, đồng thời cũng đặt ra các thách thức trong việc xây dựng một xã hội phù hợp với người cao tuổi cả về cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng hóa, dịch vụ, giao thông, y tế, chính sách lao động, việc làm và hưu trí, tổ chức các cơ sở dịch vụ chăm sóc… và việc xây dựng các chính sách để thực hiện những nội dung này phải được chuẩn bị càng sớm càng tốt, để có thể tận dụng tốt nhất các yếu tố cơ hội và hạn chế các tác động tiêu cực của hiện tượng này.
Dự lợi dân số và giai đoạn “cửa sổ cơ hội” trong cơ cấu dân số
Một đặc điểm trong cơ cấu dân số Việt Nam hiện nay là đang ở trong giai đoạn “cửa sổ cơ hội” mà ngôn ngữ truyền thông thường gọi là “cơ cấu dân số vàng”. Đặc trưng của hiện tượng này là trong cơ cấu tuổi của dân số, số người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) nhiều gấp đôi số người trong độ tuổi phụ thuộc (tổng cộng số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống và người cao tuổi từ 65 trở lên). Điều đó cũng đồng nghĩa là tỷ trọng và số lượng dân số tiềm năng tham gia lực lượng lao động rất lớn. Dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn có cơ cấu “dân số vàng” vào năm 2007, đạt đỉnh điểm về tỷ trọng vào khoảng 2017-2018, kéo dài khoảng 35 năm và chỉ xảy ra một lân duy nhất trong lịch sử chuyển đổi nhân khẩu học.
Hiện tượng cơ cấu “dân số vàng” đưa đến cơ hội rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng đặt ra những thách thức về nỗ lực tận dụng cơ hội này. Các nhà kinh tế học đã tính toán cho thấy các nước và vùng lãnh thổ ở Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã tận dụng tốt cơ hội do cơ hội “dân số vàng” mang lại, với tổng mức đóng góp 1/3 vào kết quả tăng trưởng kinh tế của các nước, vùng lãnh thổ này trong thời gian có cơ cấu “dân số vàng”, đưa họ trở thành các con rồng châu Á.
Những giải pháp chủ yếu mà các nước này đã thực hiện để tận dụng thành công những cơ hội mà cơ cấu “dân số vàng” đưa lại, đó là: thu hút mạnh đầu tư cả từ trong nước và nước ngoài; thực hành chính sách tiết kiệm; có chính sách tạo thuận lợi cho phát triển các doanh nghiệp để tạo nhiều công ăn việc làm, thu hút tối đa lực lượng lao động; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tổ chức tốt chăm sóc sức khỏe nhân dân; đầu tư mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đặc biệt là giáo dục chuyên nghiệp… Những kinh nghiệm và bài học nêu trên là rất quý đối với một nước đi sau như chúng ta.
Mất cân bằng giới tính khi sinh
Mất cân bằng giới tính khi sinh là hiện tượng xảy ra ở một số nước, tập trung ở khu vực Đông Á, Trung Á và Nam Á, trong đó có nước ta. Giới tính khi sinh tự nhiên (được hiểu là cân bằng) được quy ước ở khoảng 103-107 bé trai sinh ra sống so với 100 bé gái sinh ra sống. Ở nước ta, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được ghi nhận từ những năm 2005-2006 khi mà tỷ số này ở mức 109/100 và tăng lên rất nhanh, đạt đến mức xấp xỉ 113/100 vào năm 2015. Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ ở độ tuổi trưởng thành, kết hôn. Hệ quả của tình trạng này là phá vỡ “thị trường hôn nhân” và kết cấu gia đình, gia tăng tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em gái, tác động tiêu cực đến trật tự an ninh… nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có điều kiện khó khăn, mà nam thanh niên đến tuổi trưởng thành không có cơ hội tìm được phụ nữ để kết hôn.
Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra thì theo dự báo của Quỹ dân số Liên hiệp quốc, đến giữa thế kỷ này, ở nước ta sẽ dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới trong độ tuổi trưởng thành. Nguyên nhân của hiện tượng này là sự hợp thành của 3 nhóm nguyên nhân gồm: sự ưa thích phải có con trai để “nối dõi tông đường” trong văn hóa nho giáo; sự lạm dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ giúp chẩn đoán sớm giới tính thai nhi và can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi; “quy luật dừng” trong sinh đẻ (mong muốn sinh ít con trở thành chuẩn mực xã hội phổ biến) và hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi thiếu hoàn chỉnh.
Thách thức này đặt ra những yêu cầu hết sức cấp bách cho công tác dân số ở nước ta, đó là: kiểm soát giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, nhanh chóng đưa tỷ số này trở lại mức cân bằng tự nhiên bằng các biện pháp tổng hợp, đồng bộ và mạnh mẽ về truyền thông giáo dục, thực hiện bình đẳng giới; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về nghiêm cấm chẩn đoán và can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi và giới tính khi sinh; cải thiện hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi, nâng cao vị thể của phụ nữ…
Di cư và phân bổ dân cư hợp lý
Dưới tác động của sự phát triển kinh tế và đô thị hóa, di cư ở nước ta diễn ra với cường độ lớn và phạm vi ngày càng rộng. Tỷ suất di cư thuần trong giai đoạn mười năm qua ở mức 4-5% hàng năm. Nơi các luồng di cư đến là các khu vực đô thị và các khu công nghiệp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ và xung quanh Hà Nội. Nơi dân đi là khu vực nông thôn, tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu long, duyên hải miền Trung.
Di cư là hiện tượng tất yếu, diễn ra theo quy luật “hút - đẩy”, không thể can thiệp có hiệu quả bằng các biện pháp hành chính. Di cư có tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế, nhất là ở nơi đến, tạo thu nhập cho người di cư và gia đình họ. Nhưng mặt khác, những người di cư thường khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống sinh hoạt khó khăn, gây ra nhu cầu đột biến, dẫn đến quá tải về giao thông trong các dịp lễ, Tết, việc chăm sóc người cao tuổi và trẻ em ở nơi đi bị hạn chế…
Phát triển đồng đều giữa các khu vực, hoàn thiện hạ tầng giao thông và cơ sở hạ tầng thiết yếu, có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư đối với khu vực kinh tế - xã hội kém phát triển hơn… là những thách thức cần được xem xét, thực hiện để điều chỉnh các dòng di cư, phân bổ dân số hợp lý hơn.
Chất lượng dân số và nâng cao chất lượng dân số
Chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu. Với nhiều chính sách và chương trình cụ thể được thực hiện, chất lượng dân số Việt Nam đã được nâng lên đáng kể như tỷ suất chết mẹ, chết trẻ em giảm; tuổi thọ được nâng lên; chỉ số phát triển con người được cải thiện… Tuy nhiên, chất lượng dân số nước ta cũng còn nhiều hạn chế: tỷ lệ dân số bị khuyết tật, bao gồm cả số thiểu năng về trí tuệ, hạn chế về thể lực còn khá cao; tỷ lệ tử vong trẻ em và suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao; tuổi thọ khỏe mạnh bình quân thấp; tỷ lệ lao động được đào tạo về nghề nghiệp thấp...
Một kế hoạch tổng thể, đồng bộ can thiệp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần cần được xây dựng và thực hiện theo nguyên lý vòng đời. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, hình thành lối sống lành mạnh, loại trừ dần các hủ tục, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo, xây dựng nền văn hóa mới tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... là những nội dung đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo. Vấn đề đặt ra là cần phải có những giải pháp tích cực được triển khai đồng bộ và hiệu quả.
Tóm lại, để thực hiện có hiệu quả sự chuyển hướng có tính bước ngoặt trong định hướng chính sách dân số của Đảng ta trong bối cảnh, điều kiện và tình hình mới, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, liên quan đến các khía cạnh như: chuyển đổi chính sách dân số từ việc điều chỉnh số lượng dân số sang chú trọng nâng cao chất lượng dân số; từ việc tập trung chủ yếu vào KHHGĐ hướng đến mục tiêu giảm sinh sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số; từ cách tiếp cận một chiều, giải quyết tình trạng gia tăng quy mô dân số quá nhanh sang tiếp cận tổng thể và đa chiều; điều chỉnh các yếu tố dân số và chính sách phát triển trong mối quan hệ chặt chẽ, tương tác qua lại để phát huy tốt nhất các cơ hội và lợi thế, hạn chế tối đa các khía cạnh không thuận lợi của các yếu tố dân số nảy sinh trong quá trình chuyển đổi nhân khẩu học ở nước ta.
Các cấp ủy, chính quyền cần tích cực thực hiện Kết luận số 119-KL/TW ngày 4-1-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; xây dựng chính sách dân số cho giai đoạn mới đảm bảo tính khoa học để thực hiện thành công công tác dân số trong những năm tới./.
TS. Nguyễn Văn Tân
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế