Chủ Nhật, 8/12/2024
Nghiên cứu - Trao đổi
Thứ Ba, 27/9/2016 21:41'(GMT+7)

Quảng Ninh: Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ dân số- kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển

Công tác khám sức khoẻ định kỳ cho bà mẹ, trẻ em đã được các cơ sở y tế và người dân Bình Liêu chú trọng

Công tác khám sức khoẻ định kỳ cho bà mẹ, trẻ em đã được các cơ sở y tế và người dân Bình Liêu chú trọng

Thách thức, rào cản về dân số Quảng Ninh hiện nay

Quảng Ninh là tỉnh có quy mô dân số trung bình (ước 1.229.889 người) và đang trong giai đoạn dân số vàng. Mật độ dân số của tỉnh không cao nhưng tập trung đông ở vùng thành thị. Trong những năm qua, công tác dân số đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, thách thức, những rào cản trong triển khai thực hiện chính sách dân số.

Do nhận thức chưa đầy đủ về tính chất khó khăn, phức tạp của công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) nên có lúc, có nơi công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền còn thiếu sâu sát, thậm chí có tư tưởng chủ quan, thoả mãn với những thành công của công tác DS-KHHGĐ. Một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm chính sách DS-KHHGĐ chưa được xử lý nghiêm đã có tác động tiêu cực đến phong trào quần chúng nhân dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng dân số cơ học do việc thu hút lao động đến sống và làm việc của tỉnh ngày càng tăng tạo thách thức về đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản, công tác quản lý, kiểm soát DS-KHHGĐ. Nội dung và hình thức truyền thông, giáo dục về DS-KHHGĐ có thời điểm chưa phù hợp với đặc điểm kinh tế- xã hội của từng vùng, từng đối tượng. Cùng với tâm lý tập quán muốn có đông con, phải có con trai trong khi điều kiện kinh tế thấp cũng là nguyên nhân khó khăn phức tạp và lâu dài trong việc thực hiện mục tiêu mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con, bảo đảm cân bằng giới tính và nâng cao chất lượng dân số (Đến năm 2015, tỷ lệ tăng tự nhiên dân số của tỉnh là 11,5%o; tổng tỷ suất sinh duy trì ổn định 2,1 con-phụ nữ; tỷ số giới tính khi sinh là 113 nam-100 nữ). Thực trạng này là những rào cản có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của dân số Quảng Ninh.

Chuyển trọng tâm chính sách dân số

Ngày 04-01-2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 119-KL-TW “về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình”. Đẩy mạnh chính sách dân số thích ứng với các xu hướng dân số hiện nay, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, trọng tâm của chính sách dân số trong thời gian tới là chuyển từ dân số- kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Trong thời gian tới, để quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, các cấp, các ngành trong tỉnh ctiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 119-KL/TW ngày 04-01-2016 của Ban Bí thư. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội trong công tác DS-KHHGĐ. Xác định dân số và phát triển là một nội dung trọng tâm trong công tác, hoạt động thường kỳ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Hai là, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, dinh dưỡng, dân số - kế hoạch hóa gia đình, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và các dịch vụ cứu trợ xã hội khác, giải quyết triệt để các tệ nạn xã hội; tăng tuổi thọ và số năm trung bình sống khỏe mạnh); cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch hành động, các biện pháp để cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh.

Ba là, chủ động duy trì mức sinh hợp lý (duy trì mức sinh ổn định ở những nơi đạt mức sinh thay thế, giảm nhanh mức sinh ở những nơi có mức sinh cao, thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp). Giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; đẩy mạnh các hoạt động can thiệp nhằm đảm bảo quy mô dân số không vượt quá 1,34 triệu người vào năm 2020; nâng cao chất lượng dân số, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của tỉnh.

Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động về dân số và phát triển theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng dân số và phát triển phù hợp với 6 nhóm đối tượng đích của truyền thông chuyển đổi hành vi (bao gồm: Cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; vị thành niên, thanh niên; nhóm người cung cấp dịch vụ; nhóm người giữ cương vị lãnh đạo; nhóm người cao tuổi; nhóm người khó tiếp cận) đảm bảo phù hợp với đặc điểm văn hóa vùng, miền. Xây dựng nội dung truyền thông phù hợp đối với từng địa phương, ưu tiên vùng có mức sinh cao. Tăng cường giáo dục kiến thức và kỹ năng sống cho thanh niên, vị thành niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình bằng nhiều hình thức, mô hình phù hợp.

Năm là, duy trì ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình như hiện nay. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân số, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động về dân số và phát triển của các cấp đặc biệt ở cơ sở. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình các cấp.

Sáu là, tăng cường công tác xã hội hóa, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số theo hướng Nhà nước chỉ đảm bảo các nội dung về truyền thông, quản lý và chi trả cho các nhóm đối tượng thuộc diện chính sách xã hội; đồng thời chuyển từ cơ chế thanh toán thông qua các cơ quan cung cấp dịch vụ sang cơ chế thanh toán trực tiếp cho đối tượng sử dụng dịch vụ qua bảo hiểm y tế.

Dân số là cửa ngõ xung yếu để chúng ta vượt qua những rào cản xã hội trên chặng đường phát triển bền vững của đất nước và của tỉnh. Nhằm đạt được các mục tiêu về dân số và phát triển đòi hỏi phải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự tham gia của toàn xã hội; đồng thời triển khai hệ thống, đồng bộ các nhóm giải pháp từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ từ tỉnh đến cơ sở; cải tiến cơ chế quản lý, chính sách, chế độ, nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục; vận động. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền là yếu tố quyết định; các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục là yếu tố quan trọng, thúc đẩy các nhiệm vụ, các giải pháp khác được triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Kim Nhàn

Trưởng phòng Khoa giáo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất