Lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng
Bộ luật Lao động (sửa
đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Một số điểm mới đáng chú ý của Bộ
luật này là quy định riêng đối với lao động nữ nhằm thúc đẩy bình đẳng
giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo thời gian làm việc, thời gian
nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác; và tăng thời gian nghỉ thai
sản của lao động nữ lên 6 tháng, tuy nhiên, lao động nữ có thể trở lại
làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.
Về tuổi đời hưởng lương hưu, Bộ luật Lao động quy
định nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; tuy nhiên, người lao động có thể
nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn không quá 5 năm theo quy định của
Chính phủ.
Thời giờ làm thêm tối đa của người lao động được giữ
như hiện hành là không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp
đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ
trong một năm. Ngoài ra Bộ luật Lao động cũng quy định tăng số ngày nghỉ
Tết Âm lịch lên 5 ngày.
Về hợp đồng lao động, Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy
định cụ thể hơn về việc chấm dứt hợp đồng lao động, trách nhiệm của các
bên khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp động lao động và trách
nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá
Với 5 Chương và 35 Điều, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013.
Luật quy định các biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng
thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện đảm bảo để
phòng chống tác hại thuốc lá.
Một trong những nội dung quan trọng của Luật là quy
định về các địa điểm cấm hút thuốc, bao gồm: các địa điểm cấm hút thuốc
lá hoàn toàn, các địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có
nơi dành riêng cho người hút thuốc; quyền và trách nhiệm của người đứng
đầu, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá; xử lý vi phạm pháp
luật về phòng, chống tác hại thuốc lá.
Cũng theo Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT
có hiệu lực từ 1/5/2013, thuốc lá sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại
Việt Nam phải in cảnh báo sức khỏe chiếm ít nhất 50% diện tích mặt chính
và mặt sau bao bì thuốc lá. Cảnh báo sức khỏe phải được in song song
sát với rìa trên của bao bì thuốc lá.
Mẫu cảnh báo sức khỏe của mỗi loại sản phẩm thuốc lá phải được thay đổi định kỳ 2 năm/lần.
Quy định chi tiết quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố
nước ngoài, việc đăng ký kết hôn sẽ bị từ chối nếu thuộc 1 trong 9
trường hợp: 1- Một hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định
của pháp luật Việt Nam; 2- Bên kết hôn là công dân nước ngoài không đủ
điều kiện kết hôn theo pháp luật của nước mà người đó là công dân hoặc
thường trú đối với người không quốc tịch; 3- Việc kết hôn không do nam,
nữ tự nguyện quyết định; 4- Có sự lừa dối, cưỡng ép kết hôn; 5- Một hoặc
cả hai bên kết hôn là người đang có vợ, đang có chồng; 6- Một hoặc cả
hai bên kết hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; 7- Các bên kết hôn
là những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba
đời; 8- Các bên kết hôn đang hoặc đã từng là cha, mẹ nuôi và con nuôi,
bố chồng và con dâu, mẹ vợ và con rể, bố dượng và con riêng của vợ, mẹ
kế và con riêng của chồng; 9- Các bên kết hôn cùng giới tính (nam kết
hôn với nam; nữ kết hôn với nữ).
Đặc biệt, việc đăng ký kết hôn cũng bị từ chối, nếu
kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua
môi giới nhằm mục đích kiếm lời; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây
dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; lợi dụng
việc kết hôn nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm
tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác.
Tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng
Chính phủ ban hành Nghị định 26/2013/NĐ-CP về
tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng. Theo đó cơ quan
thanh tra nhà nước ngành xây dựng gồm thanh tra Bộ Xây dựng và thanh
tra Sở Xây dựng.
Thanh tra Bộ Xây dựng có Chánh Thanh tra, Phó Chánh
Thanh tra, thanh tra viên, công chức, được tổ chức thành các phòng
nghiệp vụ.
Còn Thanh tra Sở Xây dựng có Chánh Thanh tra, Phó
Chánh Thanh tra, thanh tra viên, công chức. Riêng thanh tra Sở Xây dựng
TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được tổ chức các đội đặt tại địa bàn cấp
huyện.
Nghị định 26/2013/NĐ-CP có
hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2013, chấm dứt việc thực hiện Quyết định
số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm
thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thanh tra xây dựng xã,
phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Phải phục hồi môi trường ngay trong quá trình khai thác khoáng sản
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 18/2013/QĐ-TTg về
cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối
với hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó yêu cầu phải cải tạo, phục
hồi môi trường ngay trong quá trình khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo đưa môi trường, hệ sinh
thái tại khu vực khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt
động khai thác về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường
ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn và môi
trường, đảm bảo an toàn và phục vụ các mục đích có lợi cho con người
theo quy định.
Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai
thác khoáng sản phải lập Đề án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ
quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Có 2 trường hợp không phải lập Đề án: 1- Tổ chức, cá
nhân đang khai thác khoáng sản đã có Dự án cải tạo, phục hồi môi trường
được phê duyệt và đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy
định; 2- Tổ chức, cá nhân khai thác vật liệu xây dựng thông thường theo
quy định tại khoản 2 Điều 64 của Luật Khoáng sản.
Quy định mới về chế độ bồi dưỡng người tham gia chữa cháy rừng
Từ ngày 15/5/2013, mức chi bồi dưỡng cho người được
huy động (trừ chủ rừng) để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép,
phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện theo quy định tại Thông tư
liên tịch 20/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính ban hành.
Thông tư nêu rõ, đối với việc chi tiền bồi dưỡng làm
nhiệm vụ cho các lực lượng trực tiếp được huy động hoặc tự nguyện thực
hiện nhiệm vụ đột xuất ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật
và chữa cháy rừng (bao gồm cả lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm),
mức chi tối đa cho một người trong một ngày bằng ngày công lao động nghề
rừng cao nhất ở địa phương.
Các lực lượng trực tiếp được huy động hoặc tự nguyện
thực hiện nhiệm vụ đột xuất ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp
luật và chữa cháy rừng còn được hỗ trợ tiền ăn thêm tối đa là 50.000
đồng/ngày/người.
Cô đỡ thôn bản là chức danh y tế chính thức
Từ ngày 1/5, cô đỡ thôn bản sẽ là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam theo nội dung Thông tư 07/2013/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, chức năng nhiệm vụ của cán bộ y tế thôn bản.
Về trình độ, chuyên môn đào tạo, cô đỡ thôn, bản phải
đã hoàn thành khóa đào tạo có thời gian từ 6 tháng trở lên theo khung
chương trình đào tạo cô đỡ thôn, bản của Bộ Y tế.
Theo Hoàng Diên- Chinhphu.vn