Thứ Bảy, 21/9/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 26/4/2013 17:6'(GMT+7)

Đưa sản phẩm sữa vào danh mục hàng hóa cần bình ổn giá

Các đại biểu tham gia buổi toạ đàm (Ảnh: Thu Hằng)

Các đại biểu tham gia buổi toạ đàm (Ảnh: Thu Hằng)

Sáng 26/4, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến "Thị trường sữa: Giá cả và chất lượng", trao đổi về những vấn đề liên quan đến quản lý giá, chất lượng các mặt hàng sữa trên thị trường, đặc biệt là sữa bột trẻ em. Tham gia cuộc toạ đàm có ông Phạm Vũ Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lí giá, Bộ Tài chính, ông Lê Hoàng, Phó Phòng quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, ông Hà Quang Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nội, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục quản lí thị trường Bộ Công Thương.

Giảm sữa lậu, sữa kém chất lượng

Việc quản lý thị trường sữa rất phức tạp vì đây là thị trường tiêu dùng rộng lớn, cần thiết hàng ngày cho người dân. Hiện tại trên các diễn đàn hoặc các sạp tạp hóa đang bán rất nhiều các loại sữa xách tay, sữa bột, sữa bán theo kg với số lượng lớn. Tình hình này vẫn tiếp diễn và ngày càng gia tăng.

Trả lời về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Lam khẳng định đương nhiên những loại sữa này không theo quy trình thủ tục, không được các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam kiểm tra về chất lượng. Không loại trừ trong đó có số lượng sữa nhập lậu, các loại sữa này rất nguy hiểm, vì có thể là sữa kém chất lượng, hai là sữa quá hạn sử dụng, người ta tẩy xóa lại để bán ra thị trường để kiếm lời.

Sở dĩ các mặt hàng này tồn tại trên thị trường là do mấy nguyên nhân. Thứ nhất, bản thân những người làm ăn phi pháp tìm mọi cách để kinh doanh buôn bán kiếm lời những mặt hàng như thế này. Vấn đề thứ hai là tâm lý sính ngoại. Có một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận là những loại sữa ở các nước phát triển, họ có tiêu chuẩn, công nghệ và cách quản lý sữa nên chất lượng sữa của họ tốt. Nhưng có một vấn đề rất đáng nói hàng hóa của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là chất lượng sản phẩm sữa đã được nâng lên rất nhiều, giá cả chấp nhận được, nhưng việc thông tin cho người dân để tiêu thụ hàng trong nước còn hạn chế. “Chúng ta có hẳn Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cộng với việc chúng ta vừa khánh thành nhà máy sản xuất sữa bột cho trẻ em rất lớn, thì tôi cho rằng vấn đề sữa lậu, sữa không được kiểm soát sẽ được hạn chế”- Ông Lam cho biết.

Ông Lam cũng lưu ý người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình, khi mua sản phẩm phải tìm hiểu rõ, lấy hóa đơn để khi có tranh chấp thì các cơ quan có cơ sở để xử lý. Thứ hai, bản thân các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam kể cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải định hướng cho người tiêu dùng. Đương nhiên các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng luật pháp. Như vậy, mới có thể bảo vệ được người tiêu dùng và làm cho thị trường sữa lành mạnh hơn.

 
 Toàn cảnh buổi toạ đàm (Ảnh: Thu Hằng)

Quản lý... từ cái tên

Theo ông Hà Quang Tuấn cho biết, có những tài liệu cho rằng nguồn cung sữa tươi trong nước chỉ đáp ứng 27% nhu cầu, chưa kể các loại sữa khác như sữa bột, sữa tiệt trùng, sữa hoàn nguyên… 70% sữa còn lại là sử dụng sữa hoàn nguyên để sản xuất, điều này cũng giống với nhiều thị trường khác. Hiện nay, giá thu mua một lít sữa tươi hiện là 14.000 đồng/kg, chiếm 74% giá thành sản xuất. Nếu cộng thêm chi phí quảng cáo, bán hàng, quản lý, nếu sản xuất sữa tươi tiệt trùng từ 100% sữa tươi thì doanh nghiệp chỉ hòa hoặc lỗ.

Trước ngày 1/1/2013, thời điểm Luật Giá có hiệu lực, theo Pháp lệnh Giá, Nghị định của Chính phủ về quản lý giá, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi là mặt hàng bình ổn giá, khi nhà sản xuất, phân phối điều chỉnh giá bán thì phải đăng ký với cơ quan quản lý. Trên cơ sở đó cơ quan quản lý rà soát các yếu tố để đăng ký giá có hợp lý không, chứ nhà nước không quản lý giá bán mặt hàng này. Từ 1/1/2013, khi Luật Giá có hiệu lực, mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi cũng là mặt hàng bình ổn giá, nhưng bản chất có khác là việc đăng ký giá của doanh nghiệp chỉ là một trong nhiều biện pháp để bình ổn giá khi giá sữa tăng cao bất hợp lý, khi cần thiết thì mới làm.

Về mặt khoa học, sữa bột là nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm dành cho những đối tượng khác nhau như sữa cho trẻ em, người già, bà mẹ mang thai… Trước đây, sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ nhỏ được gọi là sữa bột, tuy nhiên, nó chỉ chứa 15-40% sữa bột tùy theo giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ, ngoài ra còn có chứa vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng khác… Các thành phần này được phối trộn với nhau theo công thức nhất định vì vậy người sản xuất đặt tên là dinh dưỡng công thức dành cho trẻ. Bộ Y tế cũng đã xây dựng quy chuẩn các công thức sữa dinh dưỡng dành cho trẻ, trong đó phân biệt rõ sữa bột chỉ là sữa nguyên liệu. Còn tên gọi sữa bột cho trẻ em trước đây thì cần phải thay đổi cho đúng là sữa công thức dinh dưỡng hoặc thực phẩn dinh dưỡng dành cho trẻ em. Nhưng do sản phẩm dinh dưỡng không nằm trong danh mục được bình ổn giá nên không bắt buộc đăng ký khi tăng giá.

Rõ ràng, việc quản lý giá sữa cho trẻ em trước hết phải bắt đầu từ… cái tên. Điều quan trọng là, dù với tên là sữa bột, sữa bột công thức dành cho trẻ hay sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn vi chất dinh dưỡng…. thì đây vẫn là mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu của trẻ em và lâu nay trẻ em vẫn dùng. Do đó, dù có tiêu chuẩn mới, tên gọi mới nhưng vẫn cần đưa những sản phẩm này vào danh sách sản phẩm phải kê khai khi điều chỉnh giá, để quản lý giá, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng.

Ông Lê Hoàng nhấn mạnh: “Sữa là mặt hàng quan trọng với trẻ nhỏ, vì vậy, cần thiết đưa mặt hàng này vào danh mục hàng hóa cần bình ổn giá”.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất