Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 1/10/2012 14:44'(GMT+7)

Chính sách thuế, hải quan: cần đẩy mạnh cải cách

Hội nghị “Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2012”.

Hội nghị “Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2012”.

Đây cũng là cơ hội để tăng cường hiểu biết giữa cơ quan thuế, cơ quan hải quan và doanh nghiệp; tập hợp các đề xuất của doanh nghiệp về cải cách các thủ tục hành chính về thuế và hải quan trong thực thi pháp luật thuế nhằm tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo các chuyên gia, những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, nền kinh tế trong nước đã có được một số chuyển biến đáng kể, đó là: lạm phát được kiềm chế, mặt bằng lãi suất được giảm dần, tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán được cải thiện, xuất khẩu tăng cao, nhập siêu giảm mạnh, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tăng trở lại, sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, khu vực dịch vụ phát triển khá, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm, bảo đảm; các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô còn lớn và đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế; lãi suất tín dụng vẫn còn ở mức khá cao; áp lực tăng giá một số loại hàng hóa là đầu vào của sản xuất tiếp tục gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng như điều hành kinh tế vĩ mô. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ trong thời gian vừa qua cũng đã làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn, chi phí đầu vào lớn, sản phẩm tiêu thụ chậm,... Không ít doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, tình trạng lao động mất việc làm gia tăng, gây sức ép lớn đến ổn định xã hội và đời sống của nhân dân.

Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp về: thuế và phí, điều hành vĩ mô, chi tiêu công, điều hành giá - kiểm soát thị trường và cải cách thủ tục hành chính.

Về giải pháp lâu dài: nằm trong Chiến lược Tài chính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/ QĐ-TTg ngày 18/4/2012, cùng các chiến lược ngành then chốt như Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 với mục tiêu hàng đầu là thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong nước, khuyến khích xuất khẩu, đầu tư; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết và hợp lý của ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, dự kiến từ năm 2012 - 2014, Quốc hội sẽ thông qua và cho triển khai các dự án Luật trong lĩnh vực thuế và hải quan, gồm: Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN và các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan, Luật thuế TNDN, Luật thuế GTGT và Luật thuế TTĐB.

Giải pháp trước mắt cần mà các chuyên gia khuyến nghị tại buổi đối thoại, đó chính là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính thuế, hải quan nhằm giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí trong việc kê khai, nộp thuế cho các doanh nghiệp, trong đó tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc kê khai thuế qua mạng; mở rộng phối hợp thu thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại. Công tác cải cách thủ tục hành chính cần được tiếp tục được áp dụng và thực hiện thường xuyên, thống nhất trong hoạt động quản lý đáp ứng kịp thời các yêu cầu của tố chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp; đáp ứng ngày càng hiệu quả các yêu cầu của hội nhập kinh tế. Các văn bản quy phạm hành chính pháp luật được cập nhật kịp thời, nhiều thủ tục hành chính tương ứng đã được đơn giản hóa, minh bạch, thuận lợi và công khai kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất cho người khai hải quan, người nộp thuế.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan Hoàng Việt Cường chia sẻ: Hướng tới doanh nghiệp cần đi từ những hoạt động thiết thực. Mà điểm nổi bật trong công tác cải cách TTHC của ngành Hải quan thời gian qua là triển khai thành công thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT). Đến nay, ngành đã triển khai TTHQĐT tại 21/34 cục hải quan tỉnh, thành phố; 100/167 chi cục với trên 50.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Có thể nói, đây là một công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian làm thủ tục. Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục nâng cấp hệ thống thông quan điện tử, hệ thống quản lý rủi ro, mở rộng ứng dụng chữ ký số, mở rộng thu thuế, lệ phí bằng phương thức điện tử và nâng cấp hạ tầng mạng, trang thiết bị; TTHQĐT sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại quốc tế, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Hải quan, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước, hoàn thiện môi trường điện tử, giảm sự tham gia trực tiếp của cán bộ hải quan vào các quy trình thông quan hàng hóa XNK, nâng cao an ninh, an toàn dữ liệu khai hải quan, chống truy cập trái phép,...

Ngoài ra, lãnh đạo ngành Hải quan cũng cho biết - cơ quan này đang hướng đến mục tiêu cắt giảm thêm 30% chi phí tuân thủ về thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan trong thời gian tới.

Kim Dung

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất