Theo kế hoạch, hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 26-27/5 với bảy phiên
họp gồm các chủ đề: Giá trị và sự đoàn kết của G7, Kinh tế toàn cầu,
Thương mại, Chính sách đối ngoại, Ổn định và Thịnh vượng châu Á, châu
Phi và Phát triển.
Theo phóng viên TTXVN có mặt tại Ise Shima, ngày 26/5, Hội nghị thượng
đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) đã khai mạc tại khách sạn
Shima Kanko, trên đảo Kashikojima thuộc tỉnh Mie của Nhật Bản.
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị gồm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe,
Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng
Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italy Matteo
Renzi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu
Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker.
Đây là hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên được tổ chức tại châu Á trong vòng tám năm qua.
Theo kế hoạch, hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 26-27/5 với bảy phiên
họp gồm các chủ đề: Giá trị và sự đoàn kết của G7, Kinh tế toàn cầu,
Thương mại, Chính sách đối ngoại, Ổn định và Thịnh vượng châu Á, châu
Phi và Phát triển.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến tiêu cực, các
nền kinh tế đang nổi gặp khó khăn, giá dầu lao dốc, kinh tế Trung Quốc
tăng trưởng chậm, dự kiến các biện pháp để khôi phục đà tăng trưởng kinh
tế thế giới sẽ là chủ đề ưu tiên hàng đầu, được đưa ra bàn thảo ngay
trong phiên họp đầu tiên của hội nghị.
Với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm G7, Nhật Bản hy vọng sẽ thuyết phục
được các nước thành viên G7 nhất trí về các biện pháp tài chính phối
hợp. Dự kiến, tại hội nghị, Mỹ và Nhật Bản sẽ kêu gọi thúc đẩy biện pháp
kích thích để thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu của thế giới, trong khi Anh
và Đức thiên về các biện pháp cải cách cơ cấu.
Với quan điểm thương mại và đầu tư là động lực thúc đẩy tăng trưởng, dự
kiến các nhà lãnh đạo G7 sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định đối
tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khẳng định việc ký kết TPP là bước đi
quan trọng để thực thi các quy định thương mại chung trên toàn khu vực
châu Á-Thái Bình Dương.
Trong ngày đầu tiên của hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các
thách thức toàn cầu khác trong đó có chủ nghĩa khủng bố, an ninh hàng
hải, khủng hoảng nhập cư và trốn thuế.
Trong ngày hội nghị thứ hai, các nhà lãnh đạo của bảy quốc gia gồm
Indonesia, Việt Nam, Bangladesh, Papua New Guinea, Lào, Sri Lanka, Chad,
cùng các lãnh đạo các thể chế toàn cầu gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF),
Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD),
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)... sẽ tham dự hội nghị G7 mở rộng.
Dự kiến, vấn đề an ninh hàng hải sẽ là chủ đề thảo luận quan trọng tại
hội nghị G7 mở rộng với chủ đề Ổn định và Thịnh vượng châu Á.
Hội nghị G7 mở rộng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi “quy
định của pháp luật,” ban hành các nguyên tắc dựa trên luật pháp quốc tế
và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Trong khi đó, các vấn đề liên quan đến phát triển sẽ là trọng tâm thảo
luận tại Hội nghị G7 mở rộng với chủ đề Phát triển, châu Phi. Đây là một
trong những mục tiêu đối ngoại của Chính phủ Nhật Bản, liên quan đến
Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi tổ chức tại Kenya vào
tháng 8/2016.
Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ ra Tuyên bố lãnh đạo và 6 tuyên bố khác trong phiên bế mạc.
Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này được xem là dịp quan trọng để thử nghiệm
năng lực lãnh đạo của Thủ tướng Abe trong nỗ lực đạt được mục tiêu đoàn
kết G7 để thúc đẩy việc thực thi các bước đi cụ thể trong tương lai.
Theo đánh giá của giới quan sát Nhật Bản, nếu Thủ tướng Abe, với tư cách
Chủ tịch đương nhiệm G7, thành công trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận
của G7 đối với các vấn đề quan trọng, đây sẽ là một cú hích lớn giúp
Thủ tướng giành lợi thế trong đợt bầu cử Thượng viện vào tháng 7/2016.
Trước phiên khai mạc hội nghị, trong sáng 26/5, các nhà lãnh đạo G7 đã
có chuyến thăm đền Ise Jingu, ngôi đền lớn nhất và thiêng liêng nhất
Nhật Bản./.
(TTXVN)