Ngư dân của Hoài Nhơn có truyền thống và nhiều kinh nghiệm trong khai thác và đánh bắt hải sản xa bờ. Toàn huyện hiện có 2.564 chiếc tàu, với trên 949 ngàn CV. Trong đó, có trên 1.900 tàu hoạt động khai thác hải sản xa bờ, thành lập phát triển 475 tổ đoàn kết/ 1.830 tàu. Huyện từng bước chuyển đổi cơ cấu thuyền nghề theo hướng kiêm nghề, phù hợp mùa vụ, ngư trường khai thác và thị trường tiêu thụ; cơ sở hạ tầng nghề cá từng bước được đầu tư, nâng cấp. Hàng năm, đóng mới trên 200 tàu, sửa chữa hơn 1 ngàn lượt tàu; thu hút 17 doanh nghiệp, trên 160 cơ sở đầu tư chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển, đã tạo công ăn việc làm thường xuyên trên 17 ngàn lao động trên biển, 5,5 ngàn lao động trên bờ; được Chính phủ đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng.
Trong những năm qua, nghề khai thác hải sản của huyện phát triển khá toàn diện, trở thành ngành kinh tế chiến lược của huyện, đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân vùng biển. Năm 2015, tổng sản lượng khai thác hải sản đạt 43,2 ngàn tấn (trong đó cá ngừ đại dương 8,6 ngàn tấn), tăng 29% so với năm 2010, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng bình quân hàng năm 5,7%, chiếm 62,5% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Nhờ vận dụng tốt các chính sách của nhà nước và vốn đầu tư của ngư dân, hàng ngày có trên 400 tàu cá với trên 3,5 ngàn thuyền viên thường xuyên khai thác trên vùng biển xa, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đóng mới 106 tàu cá (đạt 96,4% kế hoạch), trong đó có 66 tàu cá vỏ thép, 5 tàu cá vỏ compezit và 35 tàu cá vỏ gỗ. Bằng sự nỗ lực của ngư dân và các ngành liên quan, đến nay ngư dân của huyện đã tiếp cận vốn để đóng mới 19 tàu, trong đó có 9 tàu vỏ thép được hoàn thành và hạ thuỷ, 10 tàu đang đóng (trong 10 tàu đang đóng có 8 vỏ thép và 2 tàu vỏ gỗ). Trong 9 tàu hạ thủy, đã bàn giao 2 tàu cá cho 2 ngư dân Lê Văn Thiểu và Võ Thành Duy. Điều đáng mừng là tàu cá của ông Lê Văn Thiểu đã khai thác được 03 chuyến biển, đạt sản lượng khá; tàu cá của ông Võ Thành Duy đang khai thác chuyến biển đầu chưa về bến.
Về với xã biển, nông thôn mới Tam Quan Bắc trong những ngày cuối tháng 10, chúng tôi cảm nhận được niềm hân hoan của bà con các xã biển nói riêng và của cả huyện nói chung. Đó là việc tổ chức lễ nhận 07 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Các ngư dân: Phan Lùn, Lê Hoài Thanh, Mai Trường, Nguyễn Ảnh, Trần Kim Trung, Nguyễn Thư, Nguyễn Công Đồng là chủ của các tàu cá trên, mỗi người một nét rạng rỡ tự hào. Tất cả 07 tàu trên vay vốn tại Ngân hàng Thương mại BIDV- Chi nhánh Phú Tài và khởi công đóng mới tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an). Tàu có chiều dài thân tàu từ 28 mét, chiều rộng thân tàu từ 6,8 mét, công suất trung bình 811 CV/1 tàu, hành nghề lưới rê, có giá trị 17,5 tỷ đồng/1 tàu. Đây là 7/9 tàu cá của ngư dân được nhận bàn giao đến thời điểm này và cũng là 7/19 tàu cá được giải ngân đóng mới Nghị định số 67/2014/NĐ-CP trên địa bàn huyện Hoài Nhơn.
Không hân hoan sao được, chỉ trong một thời gian là 7 tháng, sau khi UBND tỉnh phê duyệt danh sách đóng mới tàu cá, với sự hỗ trợ của các ngành, đặc biệt sự nỗ lực rất lớn của 07 ngư dân trong quá trình nghiên cứu mẫu tàu phù hợp với ngành nghề và ngư trường đánh bắt, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư Chi nhánh Phú Tài, Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an), 7/9 tàu cá vỏ thép đóng mới đã hoàn thành để tham dự lễ đón nhận. Để theo ông Phan Lùn “có một chiếc tàu cá vỏ thép hiện đại, đủ điều kiện vươn khơi xa, phát triển sản xuất và tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo”...
Với lợi thế kinh tế biển, cộng với sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và bà con ngư dân, trên 1.900 tàu cá khai thác hải sản xa bờ là một nỗ lực không biết mệt mỏi. Ngư dân Hoài Nhơn có truyền thống khai thác hải sản với các nghề chủ lực như: câu cá ngừ đại dương, lưới vây, câu mực…; ngư dân chủ động trong ngư trường nên phần nào giảm thiểu sự ảnh hưởng của thời tiết trong quá trình đánh bắt; ngư dân mạnh dạn đầu tư nâng cấp tàu, cải tiến ngư cụ, tổ chức khai thác kiêm nghề, hoạt động theo tổ đội… nên số tàu hoạt động thực tế trên biển vẫn duy trì ổn định. Bên cạnh đó giá dầu giảm, chi phí sản xuất thấp nên ngư dân bám biển thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, nỗi lo vẫn còn đó. Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão…) chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất, nhất là đối với đội tàu cá khai thác xa bờ. Dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển còn thiếu và yếu nên ngư dân không thể bám biển dài ngày vì dịch vụ hậu cần và chất lượng cá sau khai thác bị giảm. Đầu ra cho sản phẩm thủy sản vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Việc tiêu thụ sản phẩm, giá cả hải sản, đặc biệt là đối với hải sản xuất khẩu như cá ngừ đại dương, mực… phụ thuộc nhiều vào cơ sở thu mua nên giá bán các mặt hàng hải sản trong địa bàn tỉnh lại không ổn định.
Ông Cao Thanh Thương – Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết: “Vụ cá Bắc là một trong những chuyến làm ăn chính của ngư dân Hoài Nhơn, tuy nhiên, những rủi ro, thách thức cũng không hề nhỏ, bởi phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Đông Bắc, những cơn bão vào cuối năm, vùng biển chịu ảnh hưởng nhiều nhất là vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, huyện cũng bà con ngư dân quyết tâm khai thác hải sản trong vụ cá Bắc năm 2016 đạt sản lượng trên 25.500 tấn, trong đó cá ngừ đại dương trên 4.000 tấn”.
Cũng theo ông Thương, để hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu trên, yếu tố đầu tiên là cần phải tổ chức tốt sản xuất trên biển. Theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết, thông tin về nguồn lợi thủy sản và chỉ đạo kịp thời, vận động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp với đối tượng thủy sản xuất hiện theo dự báo nguồn lợi. Đối với các tàu nhỏ khai thác ven bờ: chủ yếu khai thác các đối tượng các nổi nhỏ xuất hiện như cá nục, cá cơm…. Đối với khai thác xa bờ: huy động tối đa tàu thuyền tham gia khai thác các nghề như, rê, vây, câu vàng cá ngừ đại dương. Các đối tượng có khả năng xuất hiện nhiều gồm: cá nục, cá ngừ đại dương, cá ngừ vằn, cá thu, cá chuồn, mực xà … Tiếp tục khuyến khích ngư dân khai thác theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường; xây dựng chuổi liên kết từ khai thác, thu mua và cung cấp dịch vụ hậu cần ngay trên biển. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản cho bà con ngư dân; hướng dẫn việc ghi nhật ký, báo cáo khai thác của tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận khai thác thủy sản.
Song song với việc đó, công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá luôn phải đặc biệt chú trọng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chỉ thị số 689/CT-TTG ngày 18/5/2010 và Công điện số 1329/CĐ-TTG ngày 30/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; tàu cá phải đảm bảo đủ điều kiện về an toàn cho người và tàu ngay tại bến. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý tàu cá, kiểm tra an toàn cho tàu cá; đảm bảo các tàu cá để đủ điều kiện an toàn mới cho phép được ra khơi khai thác hải sản. Phối hợp với Đài Thông tin duyên hải, Bộ đội Biên phòng, Trạm bờ để thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, về tai nạn của tàu cá, người lao động nhằm tìm các biện pháp cứu hộ, cứu nạn kịp thời, giảm thiểu tổn thất do các sự cố gây nên. Nắm chắc số lượng tàu thuyền trên các ngư trường, theo dõi và cập nhật tình hình thời tiết đặc biệt khi có thời tiết xấu (bão, áp thấp nhiệt đới) thông báo, yêu cầu các tàu tìm nơi tránh trú bão an toàn.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền cần làm tốt công tác triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thuỷ sản. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ; thực hiện có hiệu quả Quyết số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Chính phủ về ban hành chính sách khuyến khích khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Để có được một vụ mùa khai thác hải sản bội thu, cần có thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Tin rằng, với những con tàu vỏ thép mới, với niềm tin vững chắc và sự gắn bó với biển, đảo quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoài Nhơn sẽ làm nên một quê hương giàu mạnh về kinh tế biển.
Để mỗi chuyến tàu về luôn đầy ắp cá, tôm.../.
Nguyễn Lê Anh Tuấn
Huyện ủy Hoài Nhơn, Bình Định