Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 7/11/2016 15:59'(GMT+7)

Đồng bào DTTS và đồng bào có đạo huyện Thanh Sơn đoàn kết xây dựng nông thôn mới

Nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS và đồng bào có đạo ở huyện Thanh Sơn đã tích cực áp dụng KHKT vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao (Trong ảnh: Mô hình nuôi cá lồng của đồng bào xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn).

Nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS và đồng bào có đạo ở huyện Thanh Sơn đã tích cực áp dụng KHKT vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao (Trong ảnh: Mô hình nuôi cá lồng của đồng bào xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn).

Huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) hiện có dân số trên 12 vạn người, gần 60% là đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 50% và một số dân tộc khác như: Dao, Tày, Thái, Sán Dìu, Cao Lan... Toàn huyện có 1.000 hộ dân với 4.123 giáo dân theo đạo công giáo, tập trung ở 6 họ giáo và một số giáo dân sinh sống rải rác ở một số xã trong huyện. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của các cấp chính quyền, MTTQ huyện, đồng bào các DTTS và đồng bào có đạo trên địa bàn đã vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực thi đua sản xuất kinh doanh, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó đã tạo ra những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn.

Để phong trào thi đua phát triển kinh tế, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo phát triển mạnh mẽ, cấp ủy và chính quyền huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ huyện xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sông văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới đến 100% các xã, thị trấn; đưa các mục tiêu cụ thể, phù hợp vào hoạt động thực tế ở 285 khu dân cư; đẩy mạnh việc quán triệt, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, nội dung của chương trình cũng như quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân trong xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tốt công tác xã hội ở địa phương. Bằng những hình thức, nội dung tuyên tuyền phong phú, các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã thu hút hàng ngàn lượt hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực.

Trong phát triển kinh tế, hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, đồng bào DTTS và đồng bào có đạo đã đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình là việc đồng bào tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dồn đổi ruộng đất, tăng mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh dịch vụ, tăng thu nhập cho gia đình và xã hội; phát triển đa dạng các mô hình kinh tế, trang trại trên địa bàn như: Kinh tế trang trại đồi rừng kết hợp chăn nuôi, kinh tế VACR; kinh tế VAC; VAC+ dịch vụ; phát triển trang trại chuyên ngành như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại tổng hợp, dịch vụ vận tải hàng hóa, vật tư nông nghiệp, chế biến nông sản… góp phần to lớn vào chuyển dịch cơ cấu sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của huyện. Tiêu biểu như các hộ gia đình ông Đinh Trọng Thơm (xã Tất Thắng), Lý Văn Minh (xã Cự Thắng), Đinh Thanh Hải (xã Thắng Sơn), Đặng Đình Điện (xã Tân Lập), Đinh Văn Hữu (xã Hương Cần), Hà Văn Nguyên (xã Võ Miếu)… đã biết cách khai thác thế mạnh đất đồi rừng, vay vốn đầu tư trồng cây nguyên liệu, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh dịch vụ kết hợp với phát triển kinh tế từ VAC; mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học vào phục vụ sản xuất ở địa phương, chủ động khai thác những ngành nghề truyền thống, những sản phẩm có giá trị cao đem lại thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm.

Cùng với việc phát triển kinh tế, đồng bào DTTS và đồng bào có đạo trên địa bàn cũng đã tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, xây dựng gia đình văn hóa, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái. Nhiều hộ gia đình tích cực, gương mẫu thực hiện nếp sống văn hóa văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện tốt các quy ước, hương ước nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; góp phần vào tuyên truyền, tạo chuyển biến nhận thức đối với các thành viên trong cộng đồng về xây dựng đạo đức, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở khu dân cư, giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp. Hàng năm toàn huyện có trên 80% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, 100% khu dân cư tổ chức tốt ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Công tác chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, y tế cũng được đồng bào chú trọng thực hiện tốt. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, nhiều khu dân cư, dòng họ đã huy động được các quỹ khuyến học, khuyến tài nhằm động viên các cháu học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó; phong trào xã hội học tập và học tập suốt đời phát triển mạnh mẽ, hầu hết các xã đã có trung tâm học tập cộng đồng, tủ sách pháp luật… Mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” hiện nay đang được triển khai thí điểm tại Thị trấn Thanh Sơn và xã Thạch Khoán luôn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của nhân dân, trong đó có đồng bào DTTS và đồng bào có đạo. Công tác y tế thôn bản cũng được thực hiện hiệu quả nhờ đồng bào luôn có ý thức tự giác chấp hành và thường xuyên tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, đồng bào DTTS và đồng bào có đạo trên địa bàn huyện còn luôn đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, thông qua các hoạt động tự quản trong giám sát công tác quản lý đất đai, quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên. Chính nhờ những hoạt động này đã góp phần nâng tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn huyện sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo chuẩn đạt 88%; công tác vệ sinh môi trường và giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp được đảm bảo.

Một trong những điểm sáng đối với đồng bào DTTS và đồng bào có đạo trên địa bàn huyện chính là đoàn kết, gương mẫu chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, không để xảy ra diễn biến phức tạp trên địa bàn. Trong 5 năm qua đã có 1.150 lượt thanh niên các dân tộc trong huyện lên đường làm nghĩa vụ quân sự, đạt 100% chỉ tiêu giao góp phần vào việc bảo đảm ổn định tình hình địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Sơn đề ra và phấn đấu đạt được các mục tiêu sau:

Một là, đăng ký thực hiện thi đua hàng năm đạt 60- 80% số hộ được công nhận tham gia tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác xã hội tốt hàng năm đạt 10- 20%/năm.

Hai là,
phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS và đồng bào có đạo hàng năm từ 5% trở lên.

Ba là,
100% hộ gia đình đồng bào DTTS, đồng bào có đạo tích cực tham các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Phấn đấu 85% số hộ đồng bào DTTS và đồng bào có đạo đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa./.

Tin, ảnh: Phùng Huyền Trang
UBND huyện Thanh Sơn (Phú Thọ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất