1.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn TT&VH cùng một số tờ báo khác cách đây
hơn nửa tháng, khi nói về thất bại 0-1 của ĐT Việt Nam trước ĐT Hong Kong (Trung
Quốc) ở lượt trận thứ 2 vòng loại Asian Cup 2015, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ
có nhận xét bằng cụm từ “rất khó bào chữa”. Đấy cũng là thất bại khiến HLV Hoàng
Văn Phúc bị mất điểm rất nhiều trong con mắt của giới chuyên môn, bởi lẽ ra ĐT
Việt Nam đã không phải đón nhận kết quả như thế nếu như HLV Hoàng Văn Phúc có
cách sắp xếp nhân sự và ứng phó với tình hình tốt hơn.
Từ thất bại của
ĐT Việt Nam trước ĐT Hong Kong (Trung Quốc) bỗng thấy dấy lên một nỗi lo rằng,
một khi đã thua cả đội bóng mà chúng ta chưa bao giờ thua như thế, thì chuyện gì
sẽ xảy ở SEA Games 27 vào cuối năm nay, khi ĐT U23 Việt Nam sẽ phải chạm trán
với những đối thủ vừa cứng cựa vừa kỵ giơ như Thái Lan, Malaysia, Singapore,
Indonesia, và dĩ nhiên không thể kể tới Myanmar với lợi thế chủ nhà?
Và nếu nhìn vào
thành tích cũng như lối chơi hiện tại của CLB Hà Nội, đội bóng do HLV Hoàng Văn
Phúc dẫn dắt ở giải hạng Nhất QG 2013 (đang đứng cuối bảng xếp hạng sau 5 vòng
đấu), ai mà còn nhận ra hình ảnh của nhà á quân giải hạng Nhất 2012, và biết
nghĩ như thế nào bây giờ khi HLV trưởng của CLB ấy lại sắp sửa chính thức trở
thành HLV trưởng ĐTQG?
2.
Rõ ràng sự hồ nghi của một bộ phận không nhỏ dư luận dành cho quyết định
lựa chọn HLV Hoàng Văn Phúc cho chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG của VFF là hoàn toàn
có cơ sở, bởi chỉ qua vài trận đấu với ĐTQG, ông Phúc đã để lộ ra không ít hạn
chế, điều rất bình thường với một nhà cầm quân lâu nay chỉ làm việc với các đội
bóng nhỏ và yếu ở V-League hoặc giải hạng Nhất, và chưa bao giờ có những trải
nghiệm ở tầm đỉnh cao như cuộc đua vô địch tại V-League.
Năng lực chuyên
môn của HLV Hoàng Văn Phúc là điều không ai có thể phủ nhận, bởi thành tích của
ông Phúc khi dẫn dắt ĐT U16 QG, ĐT U19 QG hay chức á quân giải hạng Nhất QG 2012
của CLB Hà Nội là những bằng chứng tiêu biểu, nhưng HLV cũng như cầu thủ, cần
phải trải qua từng nấc thang nghề nghiệp khác nhau mới có thể phát triển một
cách chắc chắn.
Không phải ngẫu
nhiên mà lâu nay bóng đá thế giới luôn có một quy luật bất thành văn là HLV
trưởng ĐTQG phải được chọn từ đội ngũ HLV đang hành nghề ở giải VĐQG, đã có
nhiều năm kinh nghiệm và đã có bề dày thành tích.
3.
Chúng ta đã có một bài học kinh nghiệm đau đớn với HLV Falko Goetz, nhà
cầm quân sở hữu bằng cấp chuyên môn ấn tượng nhất từng đến với bóng đá Việt Nam,
nhưng cuối cùng lại thất bại nặng nề, mà một phần nguyên nhân là việc ông Goetz
có quá ít thời gian theo dõi V-League nên không thể tự mình lựa chọn những nhân
tố phù hợp với triết lý bóng đá của mình, và lối chơi mà ông xây dựng cho 2 ĐTQG
cũng không phù hợp với khả năng của cầu thủ Việt Nam.
Và một bài học
khác vẫn còn nóng hổi là trường hợp của HLV Phan Thanh Hùng, người được xem là
một trong những HLV nội tốt nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại với 3 năm liên
tiếp luôn đưa HN.T&T lọt vào top 2 chung cuộc của V-League (1 lần vô địch, 2
lần á quân), nhưng cuối cùng khi lên dẫn dắt ĐTQG ông Hùng vẫn không tránh được
vết xe đổ của HLV Goetz, dù ông Hùng có điều kiện làm việc tốt hơn đồng nghiệp
người Đức rất nhiều, bởi toàn bộ thành phần cầu thủ cũng như đội ngũ trợ lý HLV
trong BHL đều do một tay ông Hùng lựa chọn để VFF triệu tập.
Bóng đá Việt Nam
lâu nay đã tồn tại rất nhiều câu chuyện kiểu ““chuyên nghiệp ở Việt Nam khác các
nước”, chẳng hạn như tình trạng “1 ông chủ 2 đội bóng”, hay “vừa đá bóng vừa
thổi còi”, và bây giờ lại sắp sửa có thêm một chuyện lạ nữa, khi HLV trưởng ĐTQG
sắp sửa được chính thức bổ nhiệm lại đến từ một CLB đang xếp đội sổ ở... giải
hạng Nhất./.
Theo Thể thao &
Văn hóa