Thứ Bảy, 21/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 2/8/2013 15:47'(GMT+7)

Chủ động đối phó với cơn bão số 5


Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong ngày 3/8, bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Đông Bắc Bộ và gây mưa vừa, mưa to đến rất to ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa, trong đó mưa lớn ở các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ.

Do đó, các tỉnh nói trên cần triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt với các hồ chứa bị sự cố hoặc có nguy cơ mất an toàn như Từ Hiếu (Yên Bái); Hoàng Tân, Ngòi Là, Tam Trinh (Tuyên Quang); Bản Lang (Điện Biên); Trại Lốc 2, Khe Chè, Đồng Đo 2 (Quảng Ninh); Xạ Hương, Thanh Lanh, Suối Sải, Bò Lạc (Vĩnh Phúc); Trại Muối, Hố Cao (Bắc Giang); Khuổi Chủ, Bản Cưởm, Khuôn Pinh, Cao Lan (Lạng Sơn); Tông Lệnh, Sài Lương, Vưng (Hòa Bình).

Các địa phương nêu trên cần chỉ đạo các chủ hồ tổ chức trực ban, theo dõi mực nước và lưu lượng về hồ, tuần tra, canh gác, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý giờ đầu khi có tình huống xảy ra.

Mặt khác, các địa phương rà soát phương án chống lũ lụt, đảm bảo an toàn hạ du sát thực tế, đặc biệt là phương án sơ tán dân trong tình huống khẩn cấp; tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời và thường xuyên báo cáo về ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương-Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, sáng 2/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cuộc họp khẩn với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, các ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh để chủ động các biện pháp đối phó với cơn bão.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc yêu cầu các địa phương, thủ trưởng các sở, ngành, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão của tỉnh và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, mưa, lũ và thông báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; nghiêm cấm các tàu thuyền đánh bắt xa bờ ra khơi, liên hệ để nắm chắc số tàu, thuyền đang hoạt động tuyến khơi.

Toàn bộ người dân ở các khu vực nuôi trồng thủy sản, làng chài trên vịnh, khu vực đê, kè có nguy cơ sạt lở, ngập lụt phải được di dời đến nơi an toàn trước 8 giờ ngày 3/8. Chậm nhất đến 16 giờ ngày 3/8, tất cả các tàu, thuyển phải được neo đậu tại các điểm tránh, trú bão an toàn..

Tại Nam Định, công tác phòng chống bão cũng được triển khai khẩn trương. Đến sáng 2/8, 100% tàu, thuyền đã vào nơi trú, tránh bão an toàn. Các điểm đê biển và sông xung yếu, vị trí đê, kè bị hư hỏng sau cơn bão số 2 và 3 đã được gia cố và xử lý.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, đến 9 giờ ngày 2/8, toàn bộ số tàu, thuyền với hơn 11.000 ngư dân của Nam Định đã vào nơi trú bão an toàn; trong đó 2.070 tàu, thuyền với 11.082 ngư dân đã neo đậu tại các bến trên địa bàn tỉnh; 19 tàu với 114 ngư dân neo đậu tại các tỉnh ngoài như Hải Phòng, Thanh Hóa, Bạc Liêu và Vũng Tàu.

Các công ty khai thác công trình thủy lợi huy động tối đa số máy bơm, chủ động bơm tiêu rút nước khi cần thiết.

Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các các địa phương yêu cầu các chủ đầm nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú bão; triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng cửa sông, ven biển; di dời người dân ra khỏi các khu nhà xuống cấp và di dời du khách tại các điểm du lịch Quất Lâm và Thịnh Long xong trước 19 giờ ngày 2/8./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất