Thứ Sáu, 22/11/2024
Dân số và phát triển
Chủ Nhật, 1/10/2017 9:57'(GMT+7)

Chủ động thích ứng với quá trình già hóa dân số

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nhận thức rõ tầm quan trọng của người cao tuổi (NCT), năm 1982, lần đầu tiên Liên Hợp quốc đã tiến hành Đại hội Thế giới về NCT tại nước Cộng hòa Áo. Hơn 3.000 đại biểu của hầu hết các nước trên thế giới tham dự, trong đó có đại biểu của Việt Nam khi đó là Giáo sư Phạm Khuê, Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Chương trình Hành động Quốc tế về NCT và khuyến nghị Chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về NCT căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, tập trung vào 6 lĩnh vực chủ yếu: Sức khỏe và ăn uống; nhà ở và môi trường; gia đình; dịch vụ và bảo trợ xã hội; việc làm; nâng cao sự hiểu biết của NCT.

Năm 1990, nhằm tập trung sự quan tâm chú ý của thế giới về vấn đề NCT, Đại hội đồng Liên Hợp quốc quyết định lấy ngày 1 tháng 10 hàng năm là ngày Quốc tế NCT, bắt đầu từ 01/10/1991. Năm 1991, Liên Hợp quốc thông qua những nguyên tắc đạo lí về NCT gồm 18 điểm thuộc 5 vấn đề: Quyền độc lập; quyền được tham gia; quyền được chăm sóc; quyền được phát triển bản sắc riêng và quyền được tôn trọng nhân phẩm. Những năm tiếp theo, Liên Hợp quốc ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình, chủ đề hàng năm hướng về NCT. Đặc biệt, năm 2002, tại Thủ đô Ma-đrít (Tây Ban Nha), Hội nghị Quốc tế về NCT lần thứ hai đã thông qua “Chương trình Hành động Quốc tế về NCT 2002”, đã chú ý đến  thách thức của quá trình già hóa dân số ở các nước đang phát triển, nơi mà tỉ lệ NCT sẽ tăng đến 19% dân số vào năm 2050. Chương trình được xây dựng theo ba hướng ưu tiên. Thứ nhất: NCT và sự phát triển, trong đó nhấn mạnh đến việc điều chỉnh các chính sách và thể chế xã hội. Thứ hai: Tăng cường sức khỏe và chất lượng sống của NCT, trong đó nhấn mạnh nhu cầu về các chính sách nhằm tăng cường sức khỏe ngay từ khi còn trẻ và trong suốt cuộc đời để đạt được một tuổi già khỏe mạnh. Thứ ba: Bảo đảm môi trường thuận lợi và hỗ trợ cho NCT. Nhiều vấn đề đặt ra trong các Chương trình Hành động Quốc tế, các Nghị quyết của Liên Hợp quốc liên quan trong hơn 30 năm qua vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự cho mọi quốc gia như: Hướng tới một xã hội cho mọi lứa tuổi; xã hội cần có nhận thức tích cực về NCT; sự phát triển của cá nhân trong suốt cuộc đời; về mối liên quan giữa các thế hệ; về sự phát triển già đi của dân số; sự cần thiết của việc chủ động chuẩn bị cho tuổi già; về ba hướng ưu tiên trong “Chương trình Hành động Quốc tế NCT lần thứ hai năm 2002”.

Đặc biệt xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn và yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động vì NCT, ngày 25/4/2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg lấy tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam”.

Kỷ niệm 27 năm Ngày Quốc tế NCT 01/10 năm nay 2017, Liên hợp quốc đã thông báo chủ đề: “Bước vào tương lai: Khai thác tài năng, huy động sự đóng góp và tham gia của NCT trong xã hội” và chủ đề của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế là: “Chủ động với thích ứng già hóa dân số” với mong đợi các Bộ, ngành, đoàn thể, các tỉnh/thành phố, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe (CSSK) NCT. Nâng cao sức khỏe của NCT trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự CSSK và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ CSSK ban đầu của NCT. Đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp. Đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu CSSK dài hạn của NCT tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở CSSK tập trung. Truyền thông vận động nâng cao nhận thức của lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng…

Về thách thức của quá trình “già hòa dân số” đối với việc chăm sóc, CSSK và phát huy NCT nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư kinh phí cho các nội dung thích ứng với xã hội “dân số già hóa”; xây dựng môi trường y tế thân thiện với NCT. Tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu CSSK của NCT, xóa bỏ định kiến về CSSK NCT trong các cơ sở tập trung (nhà dưỡng lão); cơ quan, tổ chức và gia đình về trách nhiệm kính trọng, không kỳ thị, coi tuổi già là gánh nặng; Cần quan tâm giúp đỡ, chăm sóc, CSSK và phát huy vai trò NCT; nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng NCT của gia đình có NCT; trách nhiệm thực hiện tốt và tích cực tham gia giám sát việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCT; ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chủ động tự lo cho tuổi già khi còn trẻ bao gồm việc mua bảo hiểm y tế cho NCT.  Thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với NCT và gia đình có NCT.

Ngày 26/9/2017, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch 52/KH-TCDS về tổ chức cuộc thi ảnh: “Cộng đồng chung tay chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi” sẽ phát động vào ngày 02/10/2017 và kết thúc vào 31/10/2017 đồng thời sẽ công bố và trao giải từ 05/11 đến 10/11/2017.

Báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 tuổi, tức trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi lục tuần. Số NCT dự báo sẽ tăng từ 900 triệu người lên 2 tỷ vào năm 2050.

Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Nước ta có khoảng 10,1 triệu NCT, tương đương khoảng 11%. Riêng số NCT từ 80 tuổi trở lên đã có 2 triệu người. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 20%) như Australia 73 năm, Hoa Kỳ 69 năm, Canada 65 năm… thì Việt Nam chỉ mất 22 năm. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng NCT Việt Nam chiếm 17% (19 triệu người) và sẽ nâng lên 25% vào năm 2050 (28 triệu người).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, già hóa dân số tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tích lũy, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng, dòng di cư quốc tế… “Điều này đặt ra những thách thức lớn, có tác động lâu dài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có công tác CSSK NCT. Năm nay, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà của APEC, vì vậy vấn đề già hóa dân số và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh hướng tới một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh đã được coi là một ưu tiên của APEC. Già hóa dân số là một vấn đề mang tính quốc tế và là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo khu vực cũng như của thế giới”.

Tại nước ta hiện nay, 65,7% NCT sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Trong những năm qua, nhờ làm tốt những chính sách y tế, CSSK, chất lượng sống được nâng lên, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng lên mức cao (73,4 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp (64 tuổi). Điều đó có nghĩa là chúng ta có khoảng 10 năm sống không khỏe.

NCT Việt Nam cũng đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mãn tính (tiểu đường, huyết áp…). Một nghiên cứu gần đây cho thấy, có đến hơn 67% NCT sống trong tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu. Đa số NCT gặp khó khăn về vật chất. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho NCT; chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho NCT...

Để có các giải pháp nhằm ứng phó một xã hội già hóa, ngày 30/12/2016, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025”. Mục tiêu của đề án nhằm đáp ứng nhu cầu CSSK NCT thích ứng giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia Bảo vệ, Chăm sóc và Nâng cao sức khỏe nhân dân. Đề án được triển khai trên toàn quốc, tập trung ở các tỉnh, thành phố có tỷ lệ NCT cao; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; NCT có hoàn cảnh kinh tế - xã hội khó khăn. Đề án được thực hiện từ 2017 đến 2025 và chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2017 - 2020 tập trung CSSK NCT tại cộng đồng. Giai đoạn 2 từ 2021-2025 sẽ tổng kết giai đoạn 1, lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của đề án đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 1; nhân rộng các mô hình CSSK dài hạn cho NCT... Đề án “CSSK NCT giai đoạn 2017 - 2025” đã đề ra các nhiệm vụ quan trọng để tiến tới tất cả NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa dân số, quyền được CSSK của NCT và các kiến thức CSSK NCT.

Nâng cao sức khỏe NCT trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự CSSK và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ CSSK ban đầu của NCT. Bảo đảm 80% số NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe. Đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu CSSK dài hạn của NCT tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở CSSK tập trung. Tăng ít nhất hai lần số NCT cô đơn không nơi nương tựa, không còn khả năng tự chăm sóc... được chăm sóc trong các cơ sơ CSSK tập trung so với năm 2016. Đáng chú ý, sẽ tập trung nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các khoa lão của bệnh viện (BV) đa khoa tuyến tỉnh và BV Lão khoa Trung ương. Bên cạnh việc xây dựng BV phù hợp và triển khai mô hình bác sĩ gia đình cho NCT, đề án cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng triển khai thí điểm xã hội hóa mô hình CSSK NCT ban ngày và chăm sóc y tế cho NCT ở các cơ sở dưỡng lão…

Đề án "CSSK NCT giai đoạn 2017-2025” của Bộ Y tế, sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội với NCT. Theo đó, các giải pháp, nhiệm vụ và hoạt động chủ yếu chú trọng vào các nội dung: tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia CSSK NCT; xây dựng, phát triển phong trào CSSK NCT; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ CSSK ban đầu, khám chữa bệnh cho NCT; xây dựng và phổ biến mô hình CSSK dài hạn cho NCT; hoàn thiện chính sách pháp luật về CSSK NCT, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia CSSK NCT./.

Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Hãy quan tâm, chăm sóc người cao tuổi để trở thành người con, người cháu hiếu thảo.
Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để họ có cuộc sống vui tươi, hạnh phúc.
Người cao tuổi cần vận động vừa sức, sinh hoạt điều độ để có sức khỏe và phòng tránh bệnh tật.
Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích.


Mai Xuân Phương
Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo dục
Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất