V.I.Lênin - nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của phong trào cộng sản toàn thế giới đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do cho các dân tộc, vì hạnh phúc của toàn thể nhân loại. Những di sản mà Lênin để lại cho toàn thể nhân loại tiến bộ là vô cùng to lớn trên cả phương diện lý luận và từ chính thực tiễn hoạt động cách mạng của Người. Ðối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của V.I.Lênin không chỉ là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng mà vẫn đang tiếp tục chỉ dẫn cho mỗi bước đi trong chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Hòng thực hiện âm mưu làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, một trong những mục tiêu các thế lực thù địch tập
trung thực hiện chính là đòi xóa bỏ sự lãnh đạo duy nhất, trực tiếp,
toàn diện, tuyệt đối, mọi mặt của Ðảng Cộng sản Việt Nam với cách mạng
Việt Nam.
Ðể
thực hiện mục tiêu này, các đối tượng tuyên truyền luận điệu: Ðảng Cộng
sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng mà theo quan
điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin thì chính trị nảy sinh trên cơ sở kinh tế,
phản ánh kinh tế và chính trị do kinh tế quyết định. Bởi vậy theo họ, ở
Việt Nam thời kỳ đổi mới đang thực hiện chủ trương phát triển kinh tế
nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu cho nên theo quy luật kinh tế
quyết định chính trị thì Việt Nam phải tiến hành đa nguyên chính trị, đa
đảng đối lập; chỉ có thực hiện đa nguyên, đa đảng đại diện cho lợi ích
của các giai cấp, lực lượng khác nhau trong xã hội thì mới thật sự bảo
đảm dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Ðây là sự xuyên tạc vô
căn cứ và cũng không đúng với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối
quan hệ giữa kinh tế và chính trị.
Xuất
phát từ lập trường duy vật biện chứng, chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định,
trong mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, đúng là chính trị là sự
phản ánh kinh tế, kinh tế quyết định chính trị, sự biến đổi của đời sống
chính trị suy cho cùng bắt nguồn từ sự biến đổi của đời sống kinh tế.
Tuy
nhiên, về vấn đề này V.I.Lênin khẳng định: "Chính trị là sự biểu hiện
tập trung của kinh tế"; "chính trị tức là kinh tế được cô đọng lại".
Ở đây, V.I.Lênin đã chỉ rõ rằng: chính trị phản ánh kinh tế và xét đến
cùng do kinh tế quyết định nhưng chính trị không phải là tấm gương soi
của kinh tế theo nghĩa kinh tế có gì thì chính trị phải có cái đó. Nghĩa
là chính trị không phản ánh tất cả những quan hệ vô cùng phong phú, đa
dạng, phức tạp của kinh tế mà chỉ phản ánh những quan hệ đặc trưng cốt
lõi nhất của kinh tế, đó chính là quan hệ sản xuất mà trung tâm nhất là
quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất. Do đó, khi nhìn vào bất kỳ một quốc
gia, dân tộc nào thì căn cứ vào quan hệ sản xuất thống trị và quan hệ sở
hữu thống trị, chi phối trong kinh tế, chúng ta có thể nhận diện rõ bản
chất chế độ chính trị của quốc gia đó là như thế nào. Theo đó, một nền
kinh tế do chế độ sở hữu tư nhân thống trị và chi phối (thiểu số giai
cấp thống trị nắm trong tay những tư liệu sản xuất vật chất chủ yếu
trong xã hội) thì tất yếu không thể có một nền chính trị thật sự dân chủ
dành cho mọi giai cấp tầng lớp trong xã hội mà đó chỉ là nền dân chủ
dành cho thiểu số giai cấp thống trị. Ngược lại chỉ khi nào chế độ công
hữu giữ vai trò chủ đạo, chi phối trong nền kinh tế (mọi giai tầng cùng
nhau sở hữu những tư liệu sản xuất vật chất chủ yếu) thì mới có cơ sở để
xây dựng một chế độ chính trị thật sự dân chủ cho tất cả mọi giai cấp,
tầng lớp, mọi người dân trong xã hội.
Từ
đây, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã luận chứng cho việc muốn có một
nền dân chủ thật sự tiến bộ dành cho tất cả mọi giai tầng trong xã hội
thì nhất định phải dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chừng
nào chưa làm được điều này thì sẽ không làm thay đổi bản chất của chế độ
chính trị dù nó có tồn tại dưới hình thức nào đi chăng nữa.
Từ
luận điểm của V.I.Lênin soi chiếu vào thực tiễn Việt Nam thời kỳ đổi
mới có thể thấy: bước sang thời kỳ đổi mới Ðảng ta chủ trương khôi phục
lại cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu và coi đây
là đặc trưng xuyên suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Ðiều này được khẳng định ngay từ Ðại hội VI (1986) - Ðại hội đánh dấu
đường lối đổi mới sâu sắc và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của
Ðảng: "coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của
thời kỳ quá độ".
Tuy nhiên, điểm cần
lưu ý ở đây là các thành phần kinh tế Việt Nam không phát triển tự do
mà phát triển theo định hướng chung - định hướng xã hội chủ nghĩa với sự
chi phối của chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu và vị
trí chủ đạo của kinh tế nhà nước. Chủ trương này được thể hiện nhất quán
ngay từ những nhiệm kỳ Ðại hội đầu của thời kỳ đổi mới: Ðại hội VII:
"thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần theo định hướng
xã hội chủ nghĩa"; Ðại hội VIII: "phát triển nền kinh tế nhiều thành
phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo
định hướng xã hội chủ nghĩa". Và ngay tại Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Ðảng ta thông qua tại Ðại
hội VII năm 1991 cũng chỉ rõ một trong 6 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội
mà Việt Nam xây dựng đó là: "Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên
lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất
chủ yếu".
Do đó, mô hình kinh tế tổng quát mà Việt Nam lựa chọn trong
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa với đặc trưng cơ bản: gắn tăng trưởng kinh tế với thực
hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước đi, từng chính sách và
trong suốt quá trình phát triển, bảo đảm kết quả tăng trưởng kinh tế
phải phục vụ cho lợi ích của toàn thể nhân dân vì những mục tiêu của chủ
nghĩa xã hội - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ðiều
này được Ðảng khẳng định rõ trong Văn kiện Ðại hội XIII tổng kết sau 35
năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước: "Kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ðó là nền kinh tế thị trường hiện
đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của
kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ
nghĩa vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"
phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước".
Như
vậy, với một nền kinh tế chung phát triển thống nhất theo định hướng xã
hội chủ nghĩa với sự chi phối của chế độ công hữu về những tư liệu sản
xuất chủ yếu và vị trí chủ đạo của kinh tế nhà nước thì việc có một Ðảng
duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước, cách mạng và xã hội - Ðảng Cộng
sản Việt Nam - "Ðội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội
tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung
thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân
tộc" - tất yếu vẫn đi theo quy luật kinh tế quyết định bản chất của chế
độ chính trị như các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra và cũng
hoàn toàn đúng với quan điểm của V.I.Lênin.
Ðồng thời cần phải nhận
thức sâu sắc một sự thật rằng, đa nguyên, đa đảng không đồng nhất với
dân chủ và nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền không đồng nhất với
phản dân chủ như những gì mà các thế lực thù địch vẫn rêu rao, tuyên
truyền. Dân chủ hay không, dân chủ đến đâu và nền dân chủ đó dành cho
ai, cho một giai cấp hay toàn thể xã hội xét đến cùng vẫn phụ thuộc vào
chính bản chất của chế độ kinh tế nhất là chế độ sở hữu như V.I.Lênin đã
chỉ rõ.
Từ thực tế có thể thấy,
tại nhiều nước tư bản hiện nay đang thực hiện chế độ đa đảng, song ở các
nước này, quan hệ sản xuất thống trị vẫn là quan hệ sản xuất tư bản chủ
nghĩa và chế độ sở hữu chi phối vẫn là sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa
về tư liệu sản xuất, nghĩa là thiểu số giai cấp tư sản thống trị vẫn nắm
trong tay những tư liệu sản xuất vật chất chủ yếu trong xã hội. Do đó,
tương ứng với chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất thì nền chính
trị ở các nước tư bản không thể trở thành nền chính trị dân chủ dành cho
các giai tầng trong xã hội mà đó chỉ là nền dân chủ tư sản dành cho
giai cấp cầm quyền trong xã hội, và tất yếu dù có nhiều đảng phái chính
trị cùng tồn tại nhưng đảng cầm quyền, nắm quyền quyết định vẫn là đảng
của giai cấp tư sản. Và tất yếu, trên cơ sở của chế độ sở hữu tư nhân về
tư liệu sản xuất, nhà nước tư sản cũng không có cơ sở trở thành nhà
nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân như nhiều học giả tư sản
hiện nay vẫn khẳng định mà suy cho cùng nhà nước đó cũng chỉ chủ yếu đại
diện cho quyền, lợi ích của giai cấp tư sản.
Ðối
với Việt Nam, mặc dù chúng ta phát triển kinh tế nhiều thành phần,
nhiều hình thức sở hữu nhưng trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ
đạo dẫn dắt các thành phần kinh tế khác phát triển theo định hướng xã
hội chủ nghĩa và chế độ công hữu giữ vai trò chi phối, do đó, tương ứng
với chế độ sở hữu như vậy, Việt Nam mới có cơ sở để xây dựng nền dân chủ
thật sự tiến bộ cho tất cả mọi người - nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, có
cơ sở để xây dựng nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân
dân.
Từ những phân tích trên có thể khẳng định tư tưởng của chủ nghĩa
Mác - Lênin nói chung, tư tưởng của V.I.Lênin nói riêng vẫn đang tiếp tục
đồng hành cùng toàn Ðảng và toàn thể nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp tục soi sáng, dẫn lối cho cuộc đấu tranh
phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ
xã hội chủ nghĩa./.
TS. HOÀNG THU TRANG (nhandan.vn)