Ngày 11/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các Bộ, ngành,
thành phố Hà Nội đã thăm Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip),
thuộc xã Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội.
Đây là Khu công nghiệp-đô thị chuyên sâu về công nghệ hỗ trợ quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam.
Sau khi kiểm tra tình hình triển khai dự án của các doanh nghiệp, Chủ
tịch nước đã nghe lãnh đạo thành phố Hà Nội và đại diện các doanh nghiệp
báo cáo và nêu kiến nghị.
Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội có quy mô 640ha, định hướng mở rộng
2000ha tại cửa ngõ Nam Thủ đô Hà Nội. Hiện dự án đã hoàn thành san lấp
mặt bằng, xây dựng hạ tầng, dự kiến đến cuối quý II/2014 sẽ bàn giao mặt
bằng thu hút 30 doanh nghiệp vào sản xuất.
Hiện các tập đoàn lớn chuyên sản xuất các loại động cơ máy bay, ôtô, máy
tính, Piston của Nhật Bản: NIDEC, TAKAKO; các công ty trong nước Hanel,
Công ty Cơ khí thiết bị Thăng Long đã đăng kí tham gia. Dự án sẽ đảm
bảo thu hút khoảng 3.000 doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước, tạo
việc làm cho 300.000 lao động. Đặc biệt, dự án sẽ giữ vai trò lan tỏa
trong việc hình thành, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ của Việt
Nam.
Tại buổi làm việc, các đại biểu mong muốn thành phố Hà Nội và các Bộ,
ngành tháo gỡ một số vướng mắc về vốn, lãi suất, các chính sách thuế;
đẩy nhanh kế hoạch hạ tầng kèm theo dịch vụ; thực hiện xúc tiến đầu tư;
đào tạo nghề; tạo điều kiện cho khu công nghiệp tăng sức cạnh tranh thu
hút các doanh nghiệp lớn của nước ngoài.
Lắng nghe báo cáo của các ban ngành và chủ đầu tư, Chủ tịch nước khẳng
định việc hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ là chủ trương của Đảng
và Nhà nước, tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy công nghiệp sản xuất, góp
phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu vì mục tiêu
vào năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện
đại.
Với một loạt những Hiệp định sắp được thực thi, Việt Nam đang đứng trước
vận hội lớn và thách thức cũng không nhỏ. Chủ tịch nước nhấn mạnh, so
với các nước trong khu vực, thời điểm này cả nước hiện nay mới hình
thành khu công nghiệp hỗ trợ đầu tiên là quá chậm. Việt Nam cần đẩy
nhanh quá trình chuyển từ công nghiệp gia công sang công nghiệp sản xuất
tại chỗ, tạo thế phát triển bền vững trong bối cảnh đang hội nhập sâu
rộng với khu vực và thế giới.
Hoan nghênh nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tập trung cao độ việc thi
công xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo cơ chế thông thoáng để kêu gọi đầu tư
vào khu công nghiệp, Chủ tịch nước đề nghị các chủ đầu tư, các ban ngành
và thành phố cần rà soát tháo gỡ cho doanh nghiệp, tạo các điều kiện
cần thiết để khu công nghiệp phụ trợ sớm đi vào hoạt động đồng thời sớm
đề xuất ban hành cơ chế chính sách, đặc biệt là thuế, tạo thông thoáng
thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư.
Chủ tịch nước lưu ý Hà Nội tập trung quyết liệt vào 3 lĩnh vực đột phá:
xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách
thể chế. Đây là những yếu tố quan trọng trước những cơ hội và thách thức
khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do với khu vực ASEAN,
ASEAN-Trung Quốc vào năm 2015, đón đầu hoàn thành đàm phán Hiệp định
đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới đây./.
(Vietnam+)