Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar, sáng
1/10, tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim
Ngân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến thăm và nói
chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện các doanh nghiệp
Việt Nam tại Myanmar.
Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương, đông đảo cán bộ, nhân viên
Đại sứ quán Việt Nam và đại diện doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar đã
tham dự.
Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng
dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm hữu nghị chính thức
Myanmar và gặp mặt với các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và
cộng đồng người Việt tại Myanmar, đồng thời cho biết đây là chuyến thăm
nước ngoài đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV thăm Lào,
Campuchia và Myanmar là các nước láng giềng, đối tác rất quan trọng của
Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong những năm qua, quan hệ hữu nghị truyền
thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Myanmar không ngừng được củng
cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, thương
mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục...
Hai bên đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao cũng như giữa các bộ ngành
và nhân dân hai nước. Việt Nam đã trở thành nhà đầu tư và đối tác
thương mại quan trọng của Myanmar. Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, các
cơ quan bên cạnh Đại sứ quán, các doanh nghiệp và bà con Việt kiều ta
tại Myanmar đã đóng góp hết sức quan trọng vào những thắng lợi nêu trên.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá
cao và biểu dương các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và bà con về những
đóng góp to lớn đó.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh qua 70 năm hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã
không ngừng đổi mới, ngày càng phát huy vai trò là cơ quan quyền lực nhà
nước cao nhất, thực hiện ngày càng tốt hơn các chức năng lập pháp, giám
sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Sau khi thông báo kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch
Quốc hội cho biết, vừa qua Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị ngoại giao 29
đã quán triệt đường lối đối ngoại Đại hội XII của Đảng; đề ra phương
hướng chiến lược cũng như kế hoạch cụ thể để triển khai công tác đối
ngoại trong những năm tới. Hiện nay Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo xây
dựng Đề án “Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn
định chính trị-xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định
thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định TPP và Cộng đồng Kinh
tế ASEAN.”
Điểm mới là việc ký kết và thực hiện các hiệp định tự do thương mại song
phương thế hệ mới với những tiêu chuẩn cao hơn, rộng hơn về thị trường,
về thuế quan cũng như các tiêu chuẩn dịch vụ, lao động… Trên tinh thần
đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cán bộ ngoại giao đóng góp về lý luận
và thực tiễn về những vấn đề cần phát huy, những vấn đề cần rút kinh
nghiệm để tận dụng những cơ hội và hóa giải các khó khăn tồn tại, phục
vụ công cuộc xây dựng phát triển của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định Đảng, Nhà nước và Quốc hội luôn dành sự
quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để các cơ quan đại diện của Việt Nam ở
nước ngoài hoạt động một cách thuận lợi nhất nhằm góp phần phục vụ công
cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Năm 2017, dự kiến Quốc hội
sẽ xem xét thông qua Luật cơ quan đại diện sửa đổi.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cán bộ ngoại giao đóng góp ý kiến nhằm góp
phần xây dựng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài chính
quy, hiện đại; xây dựng hình ảnh của người cán bộ ngoại giao bản lĩnh,
trí tuệ, từng bước đảm bảo và nâng cao cơ sở vật chất cơ quan cho xứng
tầm với vị thế của đất nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước
trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Myanmar có quan hệ hữu nghị truyền thống với
Việt Nam, là một trong những nước đầu tiên công nhận và thiết lập quan
hệ ngoại giao với Việt Nam. Hiện chính quyền mới của Myanmar đang đẩy
mạnh chính sách mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế để xây dựng và
phát triển đất nước. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để các doanh
nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh; tuy nhiên thách thức
cũng rất lớn vì sự cạnh tranh của các nước khác.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ quán tăng cường phối hợp với các bộ
ngành của Việt Nam trong công tác thông tin, quảng bá, nhất là về kinh
tế đối ngoại; đồng thời đẩy mạnh vận động sự ủng hộ của chính quyền sở
tại tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam làm ăn ổn định, lâu
dài tại Myanmar.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, các vụ
việc liên quan đến công tác bảo hộ công dân ngày càng nhiều. Do đó, Đại
sứ quán cần tăng cường, chủ động và đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ công
dân, kiều bào cả về tinh thần, thông tin và pháp lý.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan chức năng
tổ chức các lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào ta. Đây là việc làm
hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong việc vận động bà con ta hướng về
Tổ quốc; góp phần duy trì và phát huy bản sắc dân tộc. Đại sứ quán ta
cần trở thành ngôi nhà chung, là mái ấm nuôi dưỡng tình cảm dân tộc, quê
hương, cũng là nơi bảo vệ quyền lợi của công dân, kiều bào Việt Nam tại
nước ngoài.
Với đại diện doanh nghiệp và bà con Việt kiều, Chủ tịch Quốc hội nhấn
mạnh, Đảng, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam và cử tri cả nước rất quan tâm
theo dõi cuộc sống của bà con Việt kiều tại nước ngoài. Cộng đồng người
Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt
Nam; thành công của bà con người Việt cũng là thành công của đất nước
Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar có
truyền thống yêu nước nồng nàn, luôn hướng về Tổ quốc, lao động cần cù,
sáng tạo, có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước
Myanmar và góp phần quan trọng vun đắp và tăng cường quan hệ hữu nghị
truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Myanmar.
Chủ tịch Quốc hội biểu dương một số doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar đã
bước đầu kinh doanh thành công, chấp hành nghiêm pháp luật sở tại, đóng
góp vào phát triển kinh tế của Myanmar cũng như của Việt Nam; đề nghị
các doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu hơn nữa, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao,
vừa xây dựng hình ảnh tốt đẹp của doanh nhân Việt Nam trên đất
Myanmar./.
(TTXVN)