Cùng dự có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 86 đại biểu là những điển hình tiên tiến đại diện cho những người làm công tác xuất bản cả nước.
Báo cáo về những thành tích của ngành Xuất bản, In và Phát hành, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, 70 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng, sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ và các cấp, các ngành, ngành Xuất bản cách mạng nước ta đã không ngừng phát triển, trở thành lực lượng quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phản ánh toàn diện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đặc biệt, có những ấn phẩm tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến sách pháp luật, hướng dẫn người dân thực hành pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước qua hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương và chúc mừng đội ngũ những người làm công tác xuất bản, in, phát hành trên cả nước và đặc biệt là 86 đại biểu được lựa chọn, tuyên dương người làm xuất bản tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của ngành.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, những người làm xuất bản cách mạng đã vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, bị truy lùng, đàn áp để xuất bản hàng trăm đầu sách với hàng triệu bản in để tuyên truyền, giới thiệu chủ nghĩa Mác - Lênin, các phong trào cách mạng và công nhân quốc tế, các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Qua đó góp phần giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, ý chí khát vọng độc lập dân tộc cho quần chúng nhân dân.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, để thực hiện đồng bộ hai nhiệm vụ chiến lược: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, ngành xuất bản đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là vừa góp phần xây dựng nền văn hóa mới, văn hóa xã hội chủ nghĩa, vừa đấu tranh chống lại văn hóa nô dịch của chế độ thực dân cũ và mới.
Từ sau năm 1975, ngành Xuất bản tập trung nguồn lực để in nhiều bản sách cung cấp cho vùng mới giải phóng; xuất bản những tác phẩm có giá trị để phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; biên tập, xuất bản sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu phục vụ học tập, giảng dạy.
Song hành cùng sự nghiệp đổi mới, hoạt động xuất bản đã có bước phát triển nhanh, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội...
Hệ thống tổ chức các nhà xuất bản được giữ vững, ổn định; năng lực, trình độ của các nhà xuất bản được tăng cường; đội ngũ những người làm xuất bản có bước phát triển mới về cả số lượng và chất lượng. Lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm phát triển nhanh về quy mô và số lượng, tiếp cận với trình độ khoa học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Có thể nói, ngành Xuất bản tiếp tục khẳng định vai trò là quan trọng trong việc lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức, góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ “Sắp xếp ngành Xuất bản, In và Phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển hội nhập với những giá trị chuẩn mực, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc”.
Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành xuất bản, in và phát hành sách tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, ý nghĩa của ngành đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục quán triệt Sắc lệnh số 122 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành.
“Những người làm công tác xuất bản là chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa-tư tưởng vì sản phẩm của các đồng chí rất đặc biệt. Chúng ta có xây dựng được nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc hay không thì ngành các đồng chí có đóng góp rất lớn. Mặt khác, những người làm công tác xuất bản còn làm nhiệm vụ kinh doanh, còn có 'vai' doanh nghiệp, doanh nhân-lực lượng xung kích, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.
Trong Thư gửi ngành xuất bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc nhở chúng ta phải hài hoà giữa nhiệm vụ chính trị của người chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa-tư tưởng với nhiệm vụ kinh doanh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, như Nghị quyết Trung ương vừa bế mạc đã nhấn mạnh là đội ngũ doanh nhân Việt. Do đó, các đồng chí cần tiếp tục quán triệt quan điểm này. Sản phẩm của chúng ta nếu có sai sót về nội dung, tư tưởng thì sẽ tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ
“Đây là các nhiệm vụ rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, tôi mong muốn những người làm công tác xuất bản cả nước quan tâm, nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động xuất bản, thúc đẩy văn hóa đọc, phấn đấu xây dựng ngành Xuất bản trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa; xuất bản được nhiều đầu sách hay, có giá trị, đúng định hướng, tạo sự lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia. Truyền thống vẻ vang từ các thế hệ người làm xuất bản đi trước sẽ là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh giúp chúng ta mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm hơn trong hiện thực hóa mục tiêu của ngành; để xuất bản giữ vững và phát huy vai trò là lĩnh vực tư tưởng-văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để quản lý và phát triển ngành xuất bản thành ngành kinh tế-công nghệ hiện đại, chuyển đổi số thành công, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển.
Lưu ý, nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản cần được hoàn thành vào năm 2023, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các nhà xuất bản là những người am hiểu sâu sắc về ngành xuất bản, nghề xuất bản cần tham gia nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất, phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay cho ngành tiếp tục phát triển.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lời chúc toàn thể đội ngũ những người làm xuất bản cả nước nói chung, 86 đại biểu tiêu biểu về dự kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành nói riêng nhiều sức khỏe, đóng góp thiết thực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phổ biến, giới thiệu tri thức; lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam… góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian gặp mặt những người làm công tác xuất bản, in và phát hành sách tại Nhà Quốc hội đúng vào dịp kỷ niệm quan trọng của ngành. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, ngành xuất bản, in và phát hành sách sẽ quán triệt sâu sắc Thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ý kiến chỉ đạo, gợi mở của Chủ tịch Quốc hội tại cuộc gặp mặt; quyết tâm xây dựng lập trường, bản lĩnh vững vàng, quán triệt và thực hiện thật sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để quản lý, quy hoạch, phát triển ngành xuất bản Việt Nam với tinh thần luôn luôn đổi mới, tinh gọn, hiệu quả, hiện đại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn nữa.
Tại cuộc gặp mặt, đại diện những người làm công tác xuất bản, in và phát hành sách đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết, với mong muốn đóng góp cho ngành ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu bạn đọc, nhân dân, không ngừng lan tỏa niềm tin, tạo động lực, khơi lên khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
Nhật Minh