Ngày 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Kế hoạch chi tiết và
đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".
GIÁM SÁT TRÊN 5 LĨNH VỰC CỦA KHU VỰC CÔNG
Trình bày Báo cáo một số nội dung dự thảo Kế hoạch
giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện
chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021", ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính,
Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho
biết, hoạt động giám sát nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc ban
hành, triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ
quan, tổ chức quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước.
Qua giám sát, kịp thời xử lý những tồn tại, vướng mắc trong hoàn
thiện chính sách, pháp luật, tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá
nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các
cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn
vị, cá nhân vi phạm; kiến nghị hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá
nhân vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đoàn giám sát sẽ đưa ra những kiến nghị, giải pháp hoàn thiện chính sách
pháp luật, tăng cường việc tổ chức thực hiện để nâng cao chất lượng
công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm sử dụng các nguồn
lực tiết kiệm, hiệu quả.
Phạm vi giám sát là tình hình thực hiện chính sách, pháp luật thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công (không giám sát công
tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoạt động sản xuất, kinh doanh
khu vực tư nhân và tiêu dùng của nhân dân) từ 1/1/2016 đến 31/12/2021 và
thời kỳ trước, sau có liên quan.
Nội dung giám sát tập trung 5 lĩnh vực, gồm: quản lý, sử dụng ngân
sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; quản lý tài sản nhà
nước; quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động; quản lý, khai thác
và sử dụng tài nguyên.
Đối với từng lĩnh vực, dự thảo kế hoạch nêu cụ thể các nội dung trọng tâm, trọng điểm tập trung giám sát.
VẪN CÒN NHIỀU KHOẢN CHI TIÊU LÃNG PHÍ
Qua thảo luận, các đại biểu dự phiên họp cơ bản tán thành với báo cáo
của cơ quan thường trực đoàn giám sát là Ủy ban Tài chính, Ngân sách
của Quốc hội. Đóng góp thêm một số ý kiến cụ thể, một số đại biểu cho
rằng cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, đối tượng của chuyên đề giám
sát này; tận dụng tối đa báo cáo kết quả của Chính phủ, kiểm toán,
thanh tra trong các lĩnh vực, từ đó có thông tin khách quan, đa chiều
hơn.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong bốn chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, nội dung giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật
về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, là nội dung được các cơ quan
chức năng Đảng, Nhà nước và người dân quan tâm, mong muốn và đặt nhiều
kỳ vọng nhất.
Hiện nay, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được mở rộng ra thêm lĩnh vực chống tiêu cực với tinh thần quyết
liệt, khẩn trương. Trong khi đó, mặt tiết kiệm, chống lãng phí cũng là
một nhiệm vụ rất lớn. Nước nào cũng chú ý đến mặt này. Việt Nam vẫn còn
là nước đang phát triển, thu nhập đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn
cao, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn
gặp nhiều khó khăn.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Nếu thực hành tiết kiệm được
đồng nào thì sẽ mang lại ích lợi cho quốc gia từng ấy. Trong điều kiện
khó khăn mà chúng ta không tiết kiệm được thì sẽ có lỗi với nhân dân".
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong nhiều trường hợp, thiệt hại do lãng
phí, không thực hành tiết kiệm còn lớn hơn cả hậu quả của tham nhũng. Từ
đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội
Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, trở
thành đoàn giám sát kiểu mẫu, tiêu biểu, xứng đáng với tính chất quan
trọng của chuyên đề giám sát.
Chủ
nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó
Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày các văn bản liên quan.
(Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nếu đợt giám sát này đạt
được mục tiêu đề ra sẽ cùng với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực tạo thành “hai mũi giáp công” để giải quyết những khó
khăn, cũng như huy động, phân bổ, sử dụng được những nguồn lực của quốc
gia cho phát triển nhanh, bền vững.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý Đoàn giám sát cần bám sát Luật Thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí; Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí và số liệu thanh tra, kiểm toán của Thanh tra
Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước để giám sát tổng thể cho cả giai đoạn
2016-2021. Qua công tác giám sát, cần đưa ra những đánh giá, phân tích
thấu đáo, cập nhật bổ sung những tình hình mới.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản đồng tình với Kế hoạch, đề cương giám sát mà cơ quan thường trực của Đoàn giám sát là Ủy ban Tài chính, Ngân sách trình.
Nhấn mạnh phạm vi giám sát lần này, tuy đã khu biệt về lĩnh vực công,
song vẫn còn rất rộng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát cần lựa
chọn trọng tâm, trọng điểm giám sát. Ví dụ như giám sát nguồn lực tài
nguyên, đặc biệt là đất đai, trong đó cần chỉ ra cả nước có bao nhiêu
đất đã giao song chưa thu tiền sử dụng đất, bao nhiêu diện tích đất giao
rồi nhưng sử dụng không đúng mục đích, địa chỉ ở đâu, trách nhiệm thế
nào, hay việc quản lý sử dụng đất nông, lâm trường cũng đang cho thấy
những lãng phí lớn.
Bên cạnh đó là lĩnh vực ngân sách, trong đó tập trung giám sát đầu tư
công, gồm các khoản chi gián tiếp, đi công tác nước ngoài, lễ hội...
Đây là những khoản chi vẫn còn nhiều lãng phí.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh giám sát không được né tránh trách nhiệm,
nếu sau giám sát, đoàn giám sát không chỉ rõ được trách nhiệm những nơi
để xảy ra lãng phí thì Quốc hội sẽ quy trách nhiệm đoàn giám sát./.
TTXVN