Thứ Bảy, 21/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 24/11/2017 9:42'(GMT+7)

Chú trọng chất lượng nguồn nhân lực

Cuối tháng 10 vừa qua, trang thông tin điện tử của Trường đại học (ĐH) Luật TP Hồ Chí Minh công bố danh sách 112 sinh viên hệ chính quy (gồm cả văn bằng 1 và 2) bị buộc thôi học vì kết quả học tập kém. Trong khi đó, nhiều sinh viên khác (118 người) cũng rơi vào tình trạng “báo động đỏ” khi bị cảnh báo học vụ hoặc đình chỉ học một năm. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến cảnh báo học vụ 579 sinh viên và buộc thôi học 35 người có điểm trung bình học tập thấp. Các trường ĐH thuộc “top” đầu như Bách khoa, Sư phạm hay Ngoại thương hằng năm đều có không ít sinh viên bị buộc thôi học hoặc thuộc diện bị cảnh cáo học vụ. Cụ thể, lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, mỗi năm, trường buộc thôi học từ 700 đến 800 sinh viên do không bảo đảm chương trình học. Theo số liệu thống kê của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, từ năm 2013 - 2017, trường đã cảnh cáo học tập hơn 1.000 sinh viên và buộc thôi học 620 người. Trung bình mỗi năm có hơn 120 sinh viên của trường bị thôi học. Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, trong hai năm 2015 và 2016 có 1.409 sinh viên bị cảnh cáo vì kết quả học tập kém (chiếm tỷ lệ từ 4,2 đến 10% sinh viên mỗi năm); số sinh viên bị buộc thôi học trong hai năm 2014 và 2015 là 634 người, chiếm tỷ lệ từ 3,5 đến 6,7% sinh viên. Ngay cả Trường ĐH Ngoại thương - trường được coi là có chất lượng sinh viên thuộc tốp đầu trên cả nước, cũng luôn có cảnh báo cho những sinh viên thuộc diện “báo động đỏ” và mỗi năm trường vẫn phải buộc thôi học khoảng năm sinh viên. Thực tế là không phải năm nay các trường ĐH mới mạnh tay buộc thôi học nhiều sinh viên có kết quả học tập kém như vậy. Năm 2016, Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh gây “sốc” khi quyết định cho 946 sinh viên thôi học. Trước đó, Trường ĐH Tây Nguyên buộc thôi học hơn 1.000 sinh viên; Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh quyết định cho thôi học hơn 600 sinh viên…

Thông thường sau mỗi học kỳ, một số trường đại học thường đưa ra cảnh báo học vụ hoặc quyết định buộc thôi học những sinh viên có kết quả học tập kém. Tuy nhiên, bên cạnh các sinh viên bị buộc thôi học, có một số sinh viên thôi học tự nguyện, đó thường là những sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai, tự thấy không theo học được, hoặc do chuyển trường, du học hay hoàn cảnh khó khăn, bị ốm đau… Sinh viên thuộc diện bị buộc thôi học thường là những trường hợp bỏ học trong thời gian dài, dẫn đến điểm trung bình thấp trong nhiều học kỳ liên tiếp. Đây là việc làm cần thiết và vẫn được tiến hành hằng năm ở nhiều trường đại học trên cả nước nhằm siết chặt chất lượng đầu ra của sinh viên. Ở các trường đại học trên thế giới, việc sinh viên bị buộc thôi học do kết quả học tập kém cũng không phải hiếm gặp, thậm chí còn được thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Tại Mỹ, một số trường đại học có những quy định rất cụ thể cho từng trường hợp bị buộc thôi học. Sở dĩ chính sách buộc thôi học tại Mỹ được thực hiện chặt chẽ là nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, khi sinh viên ra trường có đầy đủ kỹ năng và kiến thức cần thiết, đáp ứng yêu cầu công việc. 

Cần khẳng định việc buộc thôi học những sinh viên có kết quả học tập kém không phải là chuyện bất thường. Tuy nhiên, con số sinh viên bị buộc thôi học lên đến hàng nghìn người khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo tại các trường đại học hiện nay. Sinh viên là nguồn nhân lực tương lai của đất nước, vì thế nếu chất lượng đào tạo kém sẽ khó đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, nhất là trong bối cảnh yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đang ngày càng trở nên cấp thiết đối với mọi quốc gia. Việc các trường tuyển sinh ồ ạt, đào tạo đại trà, số sinh viên ra trường năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng chất lượng sinh viên không tương xứng với bằng cấp họ được trao thật sự đáng báo động. Không ít sinh viên sau khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu đơn giản của nhà tuyển dụng. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng cử nhân thất nghiệp hàng loạt. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến đầu năm nay, cả nước đã có khoảng 200 nghìn cử nhân thất nghiệp. Số lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên không có việc làm có xu hướng tăng, và trở thành nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong các bậc trình độ chuyên môn kỹ thuật. 

Từ thực tế nêu trên có thể thấy đã đến lúc cần coi trọng đúng mức, thực hiện nghiêm túc công tác quản lý đào tạo, nhất là siết chặt đầu ra tại các cơ sở giáo dục bậc đại học. Việc sinh viên bị buộc thôi học là sự “thanh lọc” cần thiết và phải làm nghiêm khắc để bảo đảm chất lượng đào tạo. Lâu nay, một số trường đại học ở Việt Nam quá chú trọng số lượng đầu vào nhưng lại “thả nổi” chất lượng đầu ra. Cho dù quá trình học tập không đạt kết quả tốt song vẫn có tình trạng nếu ai đã vào được trường là gần như 100% sẽ tốt nghiệp. Đây là một bất cập lớn, cần được đổi mới từ tư duy của những người làm công tác quản lý giáo dục. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới không tổ chức thi vào đại học - cao đẳng nữa mà chỉ lấy kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển, phỏng vấn vào đại học. Nếu trong quá trình học đại học, sinh viên không bảo đảm chất lượng thì sẽ phải học lại, một sinh viên có thể không phải chỉ mất bốn năm học đại học mà có thể kéo dài tới sáu đến bảy năm nếu việc học tập không đạt yêu cầu. Chỉ khi người học bảo đảm tiêu chuẩn đầu ra mới được tốt nghiệp. Ở Mỹ nhiều trường công lập nhận 90% đến 100% đơn đăng ký học nhưng thực tế, chưa đến 10%, thậm chí có trường chỉ 4% số sinh viên có thể được nhận bằng. Không chỉ ở Mỹ, Đức cũng là một nước có nền giáo dục phát triển và rất chú trọng kiểm soát chất lượng đầu ra của sinh viên. Nước này áp dụng chính sách miễn học phí đại học, không tổ chức tuyển sinh đầu vào, nhưng chỉ có 30% đến 50% số sinh viên có thể tốt nghiệp. 

Có thể thấy, quan niệm “vào được đại học chắc chắn sẽ tốt nghiệp đại học” khiến một số sinh viên không coi trọng việc học tập dẫn đến không tự giác, nỗ lực và hệ quả là kết quả học tập yếu kém. Nhận thức sai lệch này rất cần được chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó là việc sinh viên năm đầu chưa quen với việc học tín chỉ và cách học ở bậc đại học cho nên chưa biết cách sắp xếp công việc, lịch học tập của mình trong quá trình học, dẫn đến quá tải, kết quả học tập kém. Nhiều sinh viên mải làm thêm hoặc sa đà vào chơi bời, bỏ bê việc học, vì thế không đáp ứng được yêu cầu của chương trình học. Mặt khác, nhiều sinh viên bị buộc đuổi học hay bỏ học ở năm thứ nhất, năm thứ hai còn liên quan yếu tố chọn nghề. Khi học ở phổ thông, phần lớn học sinh chọn nghề một cách chủ quan, dựa trên yếu tố hình thức bề ngoài mà không hiểu nghề đó cần học những gì. Đến khi được tiếp cận với các môn học thì bỡ ngỡ, không có khả năng học tốt hoặc không yêu thích. Ngoài ra, vì một số trường đã và đang thực hiện tự chủ cho nên có thể đưa tới quan niệm muốn “giữ” sinh viên để bảo đảm nguồn thu của nhà trường. Có trường đại học (kể cả công lập) đã tuyển sinh ồ ạt, đôi khi hạ điểm rất thấp song vẫn chưa đủ chỉ tiêu tuyển sinh cho nên tỏ ra không mặn mà với việc siết chặt đầu ra và chấp nhận việc châm chước, thả lỏng chất lượng học tập cho sinh viên trong quá trình đào tạo. Những bất cập trong công tác quản lý này tất yếu dẫn đến chất lượng sinh viên ra trường yếu kém, không đáp ứng nhu cầu công việc sau khi tốt nghiệp.

Giải pháp then chốt để các trường ĐH vừa bảo đảm mục tiêu đào tạo, vừa không lãng phí nguồn lực xã hội là cần coi trọng đúng mức, nghiêm túc siết chặt chất lượng giảng dạy, siết chặt đầu ra. Các trường đại học đang thực hiện quá trình đào tạo, sản xuất “hàng hóa đặc biệt” cho xã hội là nguồn nhân lực thì “hàng hóa” này phải được kiểm định chất lượng trước khi đưa ra xã hội. Vì thế, các cơ sở giáo dục đại học cần tham gia đánh giá thường xuyên để có phương pháp sàng lọc một cách hiệu quả nhất. Việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học sẽ tạo cơ hội cho những sinh viên nỗ lực, có trình độ, đáp ứng được yêu cầu của nguồn nhân lực chất lượng cao sau này. Ngoài ra, các trường có thể thay đổi, điều chỉnh chương trình học linh hoạt hơn cho sinh viên, giảm dần các trường hợp có kết quả đào tạo kém do không thích nghi được với môi trường giáo dục mới. Về phần sinh viên, cần thay đổi nhận thức và tư duy học tập của bản thân. Học đại học phần lớn là tự học, cho nên mỗi sinh viên cần rèn luyện sự tự giác, thái độ học tập đúng đắn, nỗ lực để nhanh chóng thích nghi với môi trường mới có yêu cầu ngày càng khắt khe, và đây cũng là tiền đề giúp họ gặt hái được thành công trong tương lai.


Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất