Triển lãm “Thượng tường Sơn Đẩu” khai mạc ngày 16/11 có ý nghĩa tôn vinh thầy giáo Chu Văn An như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu của trường Quốc Tử Giám.
Với ý nghĩa tri ân các Nhà giáo Việt Nam và nhân dịp UNESCO cùng tổ chức Kỷ niệm 650 năm ngày mất của Danh nhân Chu Văn An (1370-2020), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức trưng bày chuyên đề: “Chu Văn An-Thượng tường Sơn Đẩu.”
Tựa đề triển lãm “Thượng tường Sơn Đẩu” có ý nghĩa tôn vinh thầy giáo Chu Văn An như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu của trường Quốc Tử Giám, được thể hiện bằng những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, hình vẽ tiêu biểu với hai phần nội dung. Phần 1 có tựa đề “Túc thanh cao,” giới thiệu về con người, nhân cách, sự nghiệp giáo dục của ông. Phần 2, “Gương Thầy sáng mãi,” giới thiệu về Quốc Tử Giám, hoạt động tôn vinh Danh nhân Chu Văn An, học tập và phát huy tinh thần của người thầy giáo vĩ đại ngày nay.
“Sự đa dạng trong hình thức thể hiện cùng với cách trưng bày hiện đại, những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, clip, hình vẽ được diễn giải trong không gian mở, đăng đối tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám tựa như một cuộn tranh dẫn dắt người xem du ký ngược thời gian trở về với quá khứ cách đây hơn sáu thế kỷ,” ông Tô Văn Động, giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhận xét.
“Qua ba không gian: Quê hương danh nhân ở Thanh Trì, Thăng Long-Quốc Tử Giám, Chí Linh-nơi ở ẩn, người xem sẽ hiểu rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp giáo dục của Chu Văn An, ông tổ của các nhà nho nước Việt, hiểu hơn về khí phách một kẻ sỹ Thăng Long.”
Chu Văn An sinh năm 1292, tên tự Linh Triệt, tên hiệu Tiều Ẩn, là người con của vùng đất Thanh Đàm, nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông là nhà giáo dục lớn của Việt Nam. Chu Văn An nổi tiếng là người có kiến thức uyên thâm và nhân cách cương trực, thanh cao.
Thủa nhỏ, ông ham thích đọc sách và tự học. Khi trưởng thành, Chu Văn An mở trường tư thục dạy học tại quê nhà. Bằng việc mở trường tư dạy học, ông là người có ảnh hưởng lớn trong phát triển giáo dục cộng đồng. Dưới triều vua Trần Minh Tông (1314-1329), nhà vua đã căn cứ vào đạo đức và học nghiệp, cử Chu Văn An giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Trong thời gian đảm nhận trách nhiệm đứng đầu trường Quốc Tử Giám, Chu Văn An cũng trực tiếp giảng dạy cho hai vị vua tương lai là Hoàng Thái tử Trần Vượng (sau là vua Trần Hiến Tông) và Thái tử Trần Hạo (vua Trần Dụ Tông).
Tư đồ Trần Nguyên Đán, người cùng thời đánh giá ông là bậc Thượng tường Sơn Đẩu về giáo dục. Đến nay, thầy Chu Văn An chính là vị Tư nghiệp Quốc Tử Giám đầu tiên được nhắc đến trong lịch sử. Dưới thời vua Trần Dụ Tông, Chu Văn An đã dâng "Thất trảm sớ” đề nghị nhà vua chém bảy tên nịnh thần. Sớ dâng lên, không được trả lời, thầy treo trả mũ áo, từ quan trở về điền viên. Yêu phong cảnh núi Chí Linh, thầy đến ở ẩn tại đấy và tiếp tục dạy học.
Năm 1370, thầy giáo Chu Văn An qua đời và được triều đình đưa vào phối thờ ở Văn Miếu. Đây là sự tôn vinh bậc nhất mà một triều đại quân chủ dành cho một Học giả-Thầy giáo.
Trưng bày còn giới thiệu đến công chúng về Quốc Tử Giám, nơi thầy Chu Văn An đã từng dạy học và những địa điểm thờ, những con đường, trường học mang tên Chu Văn An để thấy được sự suy tôn, ngưỡng mộ của hậu thế đối với ông, một người thầy hết lòng với nghề dạy học, tinh thần phụng hiến xã hội, vì dân vì nước, đã để lại những ảnh hưởng sâu đậm với giáo dục và văn hóa Việt Nam.
Trưng bày diễn ra từ ngày 16/11 đến hết ngày 31/12.
Trước đó, ngày 14/11, thành phố đã tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An” dành cho học sinh các trường học trên địa bàn Hà Nội và các trường học mang tên Chu Văn An trong cả nước. Cuộc thi được phát động từ tháng 7, đến nay đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn học sinh.
Bên cạnh việc tạo sân chơi sáng tạo, lành mạnh, cuộc thi còn giúp các em học sinh hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của thầy giáo Chu Văn An trong nền văn hóa, giáo dục của đất nước.
Các bài dự thi được thể hiện bằng nhiều hình thức như: bài viết tìm hiểu, thơ, kể chuyện, tiểu phẩm, phim hoạt hình, vẽ tranh, tranh thêu, tranh gốm, sáng tác chuyện tranh, sáng tác bài hát, mô hình, tượng, viết thư pháp. Bên cạnh các tác phẩm ứng dụng công nghệ như dựng phim hoạt hình, dựng clip bằng máy tính, smartphone, còn có những sản phẩm được các em sử dụng những chất liệu giản dị, gần gũi với đời sống như hạt gạo, hạt đậu, mảnh gốm sứ, giấy vụn... Bằng sự sáng tạo của mình, các bạn học sinh đã biến những vật liệu thân thuộc đó trở thành những sản phẩm dự thi thật độc đáo và sáng tạo. Các tác phẩm đạt chất lượng tốt cũng đang được trưng bày tại triển lãm “Chu Văn An - Thượng tường Sơn Đẩu.”/.
Theo Vietnam+