Thứ Hai, 25/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 1/4/2019 5:0'(GMT+7)

Chữa bệnh "cuối nhiệm kỳ"

Từ “hoàng hôn nhiệm kỳ” hay “chuyến tàu vét cuối cùng” được dùng phổ biến hơn từ khi ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói trong phiên chất vấn của Quốc hội sáng ngày 17-11-2015: “Một số quan chức Nhà nước thường tăng tốc tham nhũng cả về tần suất và cường độ vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”, chạy đua nước rút để thực hiện những chuyến tàu vét cuối cùng”. Theo ông Lê Như Tiến “hoàng hôn nhiệm kỳ” hay “chuyến tàu vét cuối cùng” biểu hiện ở rất nhiều góc độ như ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm, đề bạt cán bộ một cách vội vã mà đằng sau đó chắc chắn có những động cơ lợi ích nào đó. Kế đến là ký vội, phê duyệt vội những dự án lớn mà không thể triển khai ở nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ sau mới thực hiện thì chắc cũng có vụ lợi nhất định, hoặc tranh thủ vơ vét nhiều tài sản công, đất công, nhà công... 

Bệnh “cuối nhiệm kỳ” xuất phát từ bệnh “nhiệm kỳ”, vốn được biết đến phổ biến dưới tên gọi “tư duy nhiệm kỳ”. Người sớm nhắc đến căn bệnh này là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI ngày 10-10-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến “tư duy nhiệm kỳ” như lời nhắc nhở, cảnh báo đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên phải phòng, chống “tư duy nhiệm kỳ” theo nghĩa tiêu cực. Theo đó, “tư duy nhiệm kỳ” được hiểu là lối suy nghĩ, hành động không đúng, nhằm theo đuổi mục tiêu, lợi ích trước mắt trong ngắn hạn để thu lợi nhiều nhất cả về vật chất và tinh thần cho bản thân, cho nhóm lợi ích hoặc cho tập thể mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn chung của tập thể, cộng đồng, đất nước; hoặc do trình độ, năng lực hạn chế, thiếu thông tin, không nắm chắc tình hình dẫn đến nhận thức không đúng, không đầy đủ, đề ra và thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chương trình, quy hoạch, kế hoạch trong nhiệm kỳ không sát, không đúng, không trúng, không đem lại hiệu quả, thậm chí còn gây ra những hệ lụy xấu cho tập thể, cộng đồng, đất nước(1).

Theo Từ điển Triết học của tác giả Cung Kim Tiến, tư duy là “sản phẩm cao nhất của cái vật chất được tổ chức một cách đặc biệt là bộ não, quá trình phản ánh tích cực thế giới khách quan trong các khái niệm, phán đoán, lý luận, v.v..”(2). Đại từ điển Tiếng Việt của tác giả Nguyễn Như Ý thì định nghĩa tư duy là “nhận thức bản chất và phát hiện ra tính quy luật của sự vật bằng những hình thức như biểu tượng, khái niệm, phán đoán, suy lý”(3). Còn nhiệm kỳ là “thời hạn thực hiện nhiệm vụ theo quy định” hoặc “thời hạn làm nhiệm vụ theo quy định của luật pháp hoặc điều lệ”(4). “Tư duy nhiệm kỳ” được hiểu là tư duy của tập thể, cá nhân theo thời hạn nhiệm kỳ (của tổ chức đảng, chính quyền, hội đồng nhân dân, đoàn thể quần chúng). Trong nhiệm kỳ đó (thường là 5 năm), tập thể, cá nhân vạch ra chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Theo nghĩa này thì tư duy nhiệm kỳ không có gì xấu nhưng “tư duy nhiệm kỳ” được nhắc đến hiện nay là cách hiểu theo nghĩa tiêu cực như mua quan bán chức, bán quyền nhằm trục lợi; tranh thủ trục lợi trong khi đương chức, đương quyền, lộ liễu và thô thiển nhất là giai đoạn cuối nhiệm kỳ. 

“Tư duy nhiệm kỳ” được hiểu là lối suy nghĩ, hành động không đúng, nhằm theo đuổi mục tiêu, lợi ích trước mắt trong ngắn hạn để thu lợi nhiều nhất cả về vật chất và tinh thần cho bản thân, cho nhóm lợi ích hoặc cho tập thể mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn chung của tập thể, cộng đồng, đất nước; hoặc do trình độ, năng lực hạn chế, thiếu thông tin, không nắm chắc tình hình dẫn đến nhận thức không đúng, không đầy đủ, đề ra và thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chương trình, quy hoạch, kế hoạch trong nhiệm kỳ không sát, không đúng, không trúng, không đem lại hiệu quả, thậm chí còn gây ra những hệ lụy xấu cho tập thể, cộng đồng, đất nước.

Lênin trong tác phẩm Bàn về thuế lương thực(5) cho rằng, “tư duy nhiệm kỳ” là căn bệnh dẫn đến chệch hướng mục tiêu của giai cấp công nhân: “Vì đi theo một con đường khác có nghĩa là đặt lợi ích phường hội của công nhân lên trên lợi ích giai cấp của họ; có nghĩa là nhìn lợi ích trước mắt, lợi ích nhất thời, lợi ích cục bộ của công nhân mà hy sinh lợi ích của toàn thể giai cấp công nhân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề cập đến bệnh “nhiệm kỳ” dưới tên gọi là “bệnh cận thị”. Người phê phán những cán bộ, đảng viên “không trông xa, thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ. Thí dụ việc tăng gia sản xuất, việc tiếp tế bộ đội thì không lo đến mà chỉ lo thế nào để lợi dụng cơm cháy và nước gạo trong các bộ đội. Những người như vậy, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn”(6). Nguyên nhân của “tư duy nhiệm kỳ”, theo Người là đều do chủ nghĩa cá nhân mà ra, nó như một thứ vi trùng độc hại sinh ra hàng trăm thứ bệnh, trong đó có bệnh “nhiệm kỳ”. Cho nên, thang thuốc hay nhất để chữa là thông qua “tự phê bình và phê bình”, có như thế Đảng mới chóng phát triển, sự nghiệp cách mạng mới thành công. Theo Người, để chữa “tư duy nhiệm kỳ” thì “việc gì cũng phải từ việc dễ đến việc khó, từ việc gấp đến việc hoãn, từ việc ít tốn tiền đến việc tốn nhiều tiền. Nói tóm lại: kế hoạch phải thiết thực, phải làm được. Chớ làm kế hoạch đẹp mặt, to tát, kể hàng triệu người nhưng không thực hiện được”.

Có thể nhận diện người lãnh đạo mang “tư duy nhiệm kỳ” trên các biểu hiện sau đây:

Một là, thể hiện tầm nhìn ngắn hạn trong các nghị quyết, chương trình, dự án, kế hoạch, chỉ nhằm làm rõ dấu ấn cá nhân lãnh đạo trong nhiệm kỳ đó mà có hại cho các nhiệm kỳ sau.

Hai là, tư tưởng thể hiện tính vụ lợi, hẹp hòi, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa hoặc có tư tưởng cầu an, ngại va chạm, “chợ chiều, cuối vụ”.

Ba là, hành động không phù hợp thực tế, bất chấp quy luật khách quan, trái với quy định của cấp trên nhưng có lợi cho cá nhân hoặc nhóm người; gây thiệt hại cho lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội; lách quy định của Đảng, lách luật.

Những biểu hiện trên thể hiện rõ vào giai đoạn sắp hết nhiệm kỳ, chuyển sang bệnh “cuối nhiệm kỳ”. Lúc này, người mắc bệnh “cuối nhiệm kỳ” có biểu hiện phê duyệt, thông qua quyết định đầu tư những chương trình, kế hoạch, dự án, công trình không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; quyết định điều chuyển, bổ nhiệm, đề bạt ồ ạt cán bộ; thành lập mới hoặc chia tách tổ chức, biên chế thiếu cơ sở khoa học, không thiết thực để thu lợi cho cá nhân, để lại nhiều hậu quả cho nhiệm kỳ sau gánh chịu. Trong công tác tuyên giáo, bệnh “cuối nhiệm kỳ” của người lãnh đạo thể hiện ở sự buông lỏng lãnh đạo, không còn thiết tha tiến hành các giải pháp, biện pháp, chương trình, việc làm nhằm xây dựng yếu tố chính trị - tư tưởng trong cơ quan, đơn vị, địa phương; không còn coi trọng xây dựng đoàn kết thực sự; áp đặt hoặc tác động công tác tuyên giáo, báo chí hướng vào tô hồng thành tựu, đề cao vai trò cá nhân lãnh đạo. Phương châm ưa thích trong công tác tuyên giáo của người mắc bệnh “cuối nhiệm kỳ” trong giai đoạn này là 6V, bao gồm “vuốt ve, vỗ về, vui vẻ”. 

Người mắc bệnh “cuối nhiệm kỳ” đương nhiên phải là người có chức quyền, khi chuẩn bị nghỉ hưu theo quy định hoặc biết chắc chắn là hết nhiệm kỳ sẽ không đủ điều kiện được bổ nhiệm lại hoặc không đủ tuổi công tác để tái cử khóa tới thì tranh thủ thời gian còn lại để chăm lo, vun vén lợi ích cho bản thân, gia đình với phương châm tranh thủ vơ vét; đồng thời, tìm mọi cách “chạy” để được nâng lương, tặng danh hiệu, huân chương, khen thưởng sớm nhằm cầu an, hưởng lạc trước khi nghỉ công tác. Người có thể biết rõ bệnh của họ lại thường là cấp phó, những người vốn được quy hoạch để thay thế người đứng đầu. Những người này lại mắc bệnh mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi là “nín thở chờ bóp cò”. Vì muốn “giữ hòa khí”, tạo thuận lợi cho con đường tiến thân của mình trong nhiệm kỳ tới nên thường đồng lõa, “dễ mình, dễ ta”, nể nang, né tránh, ngại va chạm. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, người mắc bệnh “cuối nhiệm kỳ” là do những người mắc bệnh “nín thở chờ bóp cò” dung túng, nuôi dưỡng. 

Trong sách “Tư duy nhiệm kỳ” và “bệnh thành tích” trong công tác xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước hiện nay”, do tác giả Cao Văn Thống chủ biên đã đề cập: “Một số người quan niệm, người ta ai cũng có số, làm việc gì cũng có giá, thời vận đã đến thì không thể nằm im chờ đợi. Thời nay không có chỗ cho những kẻ “há miệng chờ sung”, phải tác động cho vận may mau đến, không gì nhanh bằng năng lui tới nhà sếp, quà cáp phải chăng, chân quê là không xong, dưới âm phủ người ta còn tiêu đô la, nhà lầu, ô tô, máy bay nữa là trần gian. Không làm gì giàu nhanh bằng làm quan. Có cương vị, quyền thế rồi thì thu lại mấy hồi. Giá cả thì đã có mặt bằng rồi, tính bình quân bằng tổng thu nhập một năm của chức vụ mới (lương cộng bổng lộc). Cứ như thế, đường dây thuộc diện quy hoạch muốn sớm bổ nhiệm cũng phải chạy. Nếu chức vụ quan trọng qua nhiều cửa thì giá khác. Nếu chức vụ có nhiều người được quy hoạch thì giá đặc biệt. Loại người như trên hà hơi, tiếp sức, nuôi dưỡng những người có chức quyền vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”(7). 

 Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, một số ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy đã nhận trách nhiệm để xảy ra tình trạng một số đồng chí tỉnh ủy viên, lãnh đạo sở, ngành ở những năm cuối nhiệm kỳ, chuẩn bị nghỉ hưu mắc “bệnh cuối đời”, trì trệ, sao nhãng công việc, tranh thủ thu vén cá nhân, tranh thủ điều động, bổ nhiệm người thân không đủ tiêu chuẩn. Báo chí cũng đã đề cập việc bổ nhiệm ồ ạt cán bộ của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Trong thời gian ngắn trước khi nghỉ hưu, ông Truyền đã bổ nhiệm ồ ạt 60 cán bộ cấp vụ; trong đó, nhiều cán bộ năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, có cán bộ vi phạm pháp luật làm dư luận bức xúc. Điều đáng trách là người kế nhiệm ông Trần Văn Truyền là ông Huỳnh Phong Tranh lại tiếp tục để xảy ra sai sót khi bổ nhiệm hàng chục cán bộ cấp phòng, cấp vụ vào cuối nhiệm kỳ của mình. Qua triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII, đảng bộ các địa phương đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ việc mắc bệnh “cuối nhiệm kỳ” mà chủ yếu nhất vẫn là bổ nhiệm ồ ạt cán bộ, phê duyệt các dự án nhằm trục lợi, đi du lịch và đi học nước ngoài, “nâng đỡ không trong sáng” các nhóm lợi ích “đồ đệ, hậu duệ, tiền tệ”.

Ba năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị đã tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp với quyết tâm chính trị rất cao, thu được hiệu quả rõ rệt, củng cố niềm tin trong nhân dân. Đó cũng là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng, căn bệnh “cuối nhiệm kỳ” sẽ không có đất hoành hành trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta “về đích” trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

*

2019-2020 là giai đoạn về đích trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Theo quy luật, đây cũng là giai đoạn bệnh “cuối nhiệm kỳ” xuất hiện. Để khắc phục căn bệnh này, mọi tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị cần quan tâm đến những giải pháp sau đây:

Một là, kiểm soát quyền lực. Trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành rất nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách nhằm thực hiện “nhốt quyền lực vào chiếc lồng cơ chế”. Người mắc bệnh “cuối nhiệm kỳ” là những người có chức quyền, cho nên kiểm soát được quyền lực thì bệnh không thể phát tác. Việc thực hiện các nghị quyết mà Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 chính là giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát quyền lực, phòng, chống bệnh “cuối nhiệm kỳ”.

Hai là, ngăn ngừa và hạn chế tối đa chế độ “xin cho”, “duyệt cấp”. Mặc dù Đảng, Nhà nước rất nỗ lực hạn chế chế độ “xin cho”, nhưng thực tế chế độ này vẫn còn rất nhiều trong mọi hoạt động của hệ thống chính trị. Phải có quy định và kiểm soát chặt chẽ vấn đề này trong giai đoạn “về đích” của mỗi nhiệm kỳ.

Như đại biểu Lê Như Tiến đã từng đề xuất: “Chính phủ phải có quy định cụ thể, trước 3-6 tháng nghỉ hưu, cán bộ lãnh đạo không được ký quyết định đề bạt bổ nhiệm, không được ký quyết định về đầu tư các dự án lớn mà nhiệm kỳ đã sắp mãn nhiệm, “hoàng hôn nhiệm kỳ” rồi ký cũng không thực hiện được, mà khả năng phần trăm (%) chảy vào túi của anh thôi. Đã ký các hợp đồng, dự án đầu tư lớn phải để nhiệm kỳ sau ký, để họ có thời gian cân nhắc và tự chịu trách nhiệm”. Tháng 11-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị siết chặt kỷ luật, kỷ cương quản lý vốn đầu tư công và sử dụng ngân sách nhà nước. Thực hiện nghiêm chỉ thị này là một biện pháp để khắc phục bệnh “cuối nhiệm kỳ”.

Ba là, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”, bao gồm nhóm giải pháp về nhận thức và công tác tư tưởng về tự phê bình và phê bình; nhóm giải pháp về tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ, thi đua khen thưởng; nhóm giải pháp về phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nhóm giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và quản lý, điều hành của Nhà nước; nhóm giải pháp về kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nguyễn Hồng Hải

(Bài đăng TCTG số 3/2019)

_______________________________________

(1) Cao Văn Thống: Nhận diện “tư duy nhiệm kỳ” trong công tác cán bộ và giải pháp phòng, chống, Tạp chí Cộng sản, 26-12-1016.

(2) Cung Kim Tiến: Đại từ điển Triết học, Nxb. Văn hóa -Thông tin, H, 2001, tr. 1295.

(3) (4) Nguyễn Như Ý: Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H, 1998, tr.1756, 1250.

(5) Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ. H.1978, t.43, tr.263).

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.5, tr. 89.

(7) Cao Văn Thống chủ biên: “Tư duy nhiệm kỳ” và “bệnh thành tích” trong công tác xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước hiện nay, Nxb. Lý luận Chính trị, H, 2016, tr.70).

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất