Thứ Bảy, 5/10/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 1/4/2012 15:41'(GMT+7)

Chưa thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, cùng với hai loại phí trên còn có thêm phí bảo trì đường bộ. Phí bảo trì đường bộ được thực hiện theo Luật đường bộ có hiệu lực từ năm 2009, nhưng trong thời gian qua chưa có thông tư hướng dẫn kịp thời nên đến thời điểm này mới được đặt ra. Còn phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm được thực hiện theo Nghị quyết số 21/2011/QH13 của Quốc hội. Trong đó nêu rõ, Quốc hội tán thành các chủ trương biện pháp của Chính phủ, của Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn giao thông, giao HĐND, UBND TP HN, TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT, Bộ Công an, các Bộ, ngành hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo chống ùn tắc giao thông. Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, căn cứ vào Nghị quyết Quốc hội, Nghị quyết Trung ương 4, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo Bộ GTVT và các Bộ khẩn trương xây dựng đề án về thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và thu phí xe ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ dự thảo và xây dựng, tiếp thu các ý kiến phản ảnh của nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, hiện thời điểm tiến hành thu phí vẫn chưa đề xuất do nền kinh tế nước ta chưa thoát khỏi khó khăn, không có chuyện thu hai loại phí này ngay trong năm nay.
Nói về đối tượng chịu phí, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân chỉ thu với xe ôtô cá nhân (khoảng 600.000 xe); xe máy ở 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và chỉ thu ở khu vực nội đô, không phải tất cả xe máy trong cả nước đều chịu phí. Đối tượng người nghèo được miễn phí. Khu vực thu và mức thu cụ thể giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng nhân dân cho phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội và yêu cầu giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở địa phương. Theo tính toán của Bộ GTVT, mỗi năm sẽ thu được từ 12.000 – 15.000 tỷ đồng phí lưu hành của 600.000 xe ô tô cá nhân. Đây là bước thực hiện thí điểm, sau đó Bộ sẽ tổng kết, đánh giá.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trả lời một số câu hỏi của báo giới liên quan đến vấn đề chất lượng xăng dầu, tác động của các doanh nghiệp giải thể đối với nền kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động, những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, kết luận của UBND thành phố Hải Phòng về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng… Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định trong điều hành vĩ mô, tiêu chí quan trọng nhất là tốc độ tăng trưởng, phải duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm kiềm chế lạm phát. Để duy trì tốc độ tăng trưởng thì phải tháo gỡ được khó khăn cho sản xuất kinh doanh mà không gây lạm phát trở lại./.

TH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất