Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 9/10/2012 21:42'(GMT+7)

Chưa trình QH dự án Luật đầu tư công, mua sắm công

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất rút dự án Luật đầu tư công, mua sắm công khỏi Chương trình kỳ họp thứ 4 của Quốc hội để Chính phủ có thêm thời gian chuẩn bị và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Kinh tế thẩm tra theo quy định.

Dự án Luật đầu tư công, mua sắm công được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và năm 2013; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012) và thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013).

Theo Tờ trình của Chính phủ, quá trình soạn thảo dự án Luật này gặp nhiều khó khăn do có sự khác biệt lớn giữa lĩnh vực đầu tư công và lĩnh vực mua sắm công. Chính phủ cho rằng, việc ghép dự án Luật đầu tư công và dự án Luật mua sắm công với nhau chỉ có thể là ghép một cách cơ học, khó có thể lồng nội dung vào nhau để tạo thành một luật thống nhất cả phạm vi điều chỉnh và bố cục. Việc soạn thảo nghị định hướng dẫn sau này cũng sẽ gặp khó khăn vì phạm vi cần quy định chi tiết thi hành rất rộng.

Do đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép: Tách nội dung đầu tư công để xây dựng Luật đầu tư công; tách nội dung mua sắm công để xây dựng Luật đấu thầu (sửa đổi). Việc tách và đổi tên Luật mua sắm công là Luật đấu thầu (sửa đổi) để phù hợp với thực tế là quy định về mua sắm công trong dự thảo Luật này thực chất là nội dung được thiết kế trên cơ sở sửa đổi Luật đấu thầu (sửa đổi) hiện hành.

Việc đổi tên luật cũng nhằm khắc phục cách hiểu khác cho rằng Luật mua sắm công được xây dựng để điều chỉnh các hoạt động mua sắm sử dụng vốn chi thường xuyên. Trên tinh thần đó, Luật này về cơ bản kế thừa và sửa đổi các quy định tương ứng của Luật đấu thầu năm 2005, đồng thời bổ sung, cụ thể hóa một số hoạt động.

Tại Tờ trình, Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vào Chương trình chính thức năm 2012 để xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bên cạnh đó, bổ sung dự án Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (sửa đổi) vào Chương trình chính thức khóa XIII để xem xét, thông qua vào năm 2014... và một số nội dung khác.

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi).

Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chương trình vào ngày 16/10 và dự kiến kết thúc ngày 18/10./.

Thanh Hòa -TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất