Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 8/10/2012 14:24'(GMT+7)

Mang giá trị, tiếng nói Việt Nam đến với thế giới

Đại sứ Nguyễn Trung Thành trả lời phỏng phấn phóng viên TTXVN ở Geneva.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành trả lời phỏng phấn phóng viên TTXVN ở Geneva.

Trước đó, tân Đại sứ cũng đã trình quốc thư tại Liên hợp quốc, bắt đầu đảm nhiệm một trọng trách mới tại trung tâm của các hoạt động ngoại giao đa phương.

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi giữa Đại sứ Nguyễn Trung Thành với phóng viên thường trú TTXVN tại Geneva nhân sự kiện này:                  

- Trước khi trình quốc thư tại Liên hợp quốc và WTO, đại sứ đã có lịch trình làm việc khá dày đặc như trình bày các bài phát biển tại Hội đồng nhân quyền theo cơ chế kiểm điểm định kỳ của Liên hợp quốc, tham dự các cuộc họp của WTO, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), tổ chức gặp mặt Việt kiều và các cơ quan đại điện ngoại giao, tổ chức giao lưu thể thao Việt-Lào,… Đại sứ có thể chia sẻ cách thức hòa nhịp ngay vào công việc tại một địa bàn mới?                                

Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Bước vào địa bàn Geneva, tôi xác định ngay đây là địa bàn có rất nhiều hoạt động và nhiều sân chơi khác nhau. Khi tôi vừa tới Phái đoàn Ngoại giao thì cũng là lúc những đại hội đồng của một số lĩnh vực trong Liên hợp quốc tiến hành như Đại hội đồng của WIPO, Hội đồng nhân quyền ...

Đương nhiên là một Đại sứ mới đến và là Trưởng Phái đoàn, cần phải học hỏi, mở rộng độ liên kết, độ kết nối của mình càng nhiều càng tốt, càng có chiều sâu càng tốt. Không chỉ dừng lại ở các cuộc gặp xã giao thông thường, cuộc chào thông thường mà phải đi ngay vào công việc, đi ngay vào những nhiệm vụ.

Kinh nghiệm của quá khứ mấy chục năm cũng là điều kiện tốt, nhưng phải học tập kinh nghiệm của các bạn, phải tìm ra những khả năng nơi đó tạo ra sự hợp tác, sự chia sẻ thông tin và phối hợp. Làm bất kỳ một giai đoạn nào của nền ngoại giao Việt Nam đều phải hiểu được lợi ích và chủ trương của mình ở đâu và thế giới đang diễn ra như thế nào. Đất nước đang bước vào thời kỳ chuyển sang giai đoạn hội nhập toàn diện và đó cũng là cơ hội rất rộng lớn.

Thực sự Geneva chính là một trong những trung tâm lớn hàng đầu thế giới để triển khai một cách có ý nghĩa việc thực hiện chủ trương và chiến lược hội nhập này. Vấn đề là chúng ta phải thể hiện được tiếng nói của Việt Nam vì thực tế không thể coi là thiên hạ đã biết. Chúng ta phải mang tiếng nói Việt Nam, mang giá trị Việt Nam để quảng bá cho thế giới, đồng thời cũng theo đó chúng ta ủng hộ các tiếng nói chung để làm cho các hoạt động tại các tổ chức quốc tế này đi vào đúng hướng của nó, vừa phù hợp với lợi ích của chúng ta, vừa phù hợp với chủ trương là đóng góp tích cực hơn vào các công việc chung.                  

- Sau nhiệm kỳ được đánh giá là thành công tại nước Cộng hòa Singapore giai đoạn 2007-2011, Đại sứ có đặt ra những ưu tiên gì và một số đường hướng chính để thực hiện các mục tiêu cơ bản trong nhiệm kỳ này của mình?               

Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Từ Singapore đến Geneva quả là một sự khác biệt, có thể nói là chuyển từ sông ra biển.

Trọng tâm công tác của tôi trong thời gian tới tại Geneva là Việt Nam tham gia hội nhập toàn diện, với tư cách là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm. Đây là mục tiêu bao trùm trong việc hoạch định các nhiệm vụ của Phái đoàn Ngoại giao tại Geneva.

Thứ hai là chúng ta phải nắm bắt các luật chơi đang diễn ra trên toàn cầu, có những luật chơi cũ và có những luật chơi đang cố gắng điều chỉnh để cập nhật với tình hình mới, và lại có những luật chơi đang trong giai đoạn tập hợp lực lượng để hình thành. Đây chính là điều kiện và cũng là những thách thức cho các nhà ngoại giao, buộc phải nắm bắt được những dòng chảy sự kiện, nắm bắt được xu hướng để từ đó định vị ra con đường, nhiệm vụ của mình phải tiến hành.

Chúng tôi sẽ cố gắng kiến nghị trong nước để từ đó hoạch định cách tiếp cận, chính sách thích hợp, các biện pháp cụ thể nhất hữu hiệu nhất để tham gia.

Điều thứ ba là chúng ta phải tham gia ngày càng rộng hơn vào các tổ chức quốc tế. Nhìn trở lại, có những nơi mà chúng ta đã có vị trí rồi thì phải làm cho sâu sắc hơn, tích cực hơn, còn những nơi chưa có, phải xác lập vị thế của mình.

Là một quốc gia đang ngày càng bước sâu hơn vào tiến trình hội nhập quốc tế, từ kinh nghiệm của mình thông qua ASEAN, APEC... chúng ta đang bước những bước đi dài hơn, rộng hơn và sâu hơn. Tôi nghĩ rằng chủ trương là rất đúng đắn nhưng điều quan trọng là làm thế nào để khẳng định được tiếng nói, vị thế của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế. Một việc nữa mà chúng tôi cũng cần phải làm rõ là đương nhiên chúng ta phải bảo vệ, phải theo đuổi và phải phục vụ ngày càng tốt hơn lợi ích của Việt Nam, nhưng chúng ta cũng phải cố gắng tìm ra những phương cách để đóng góp vào những công việc chung để đúng với tinh thần là chủ động, tích cực và trách nhiệm hơn.                  

- Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới rơi vào giai đoạn khó khăn, cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone chưa tìm ra lối thoát, đặc biệt nền kinh tế Đức lớn nhất châu Âu cũng không thể miễn nhiễm và Thụy Sĩ - nền kinh tế có sức sáng tạo và cạnh tranh nhất thế giới -  bắt đầu suy giảm tăng trưởng, Đại sứ có thể đưa ra một số dự báo về viễn cảnh kinh tế thế giới, cũng như khu vực châu Âu và biện pháp phòng ngừa cho kịch bản kém khả quan nhất?               

Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn và các mối nguy cơ khôn lường, việc đưa ra các nhận định, dự báo ổn định không phải là việc dễ dàng.

Các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, WTO cũng phải thường xuyên cập nhật, điều chỉnh đánh giá của mình.

Chưa khi nào, người ta nhận thấy sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế, các khu vực trở nên chặt chẽ đến như vậy. Dù thay đổi lớn hay nhỏ, đều có tác động tới kinh tế toàn cầu và từng nền kinh tế khác với mức độ khác nhau.

Dù vậy, có thể khẳng định môi trường kinh tế quốc tế phát triển thuận lợi trong giai đoạn thập niên 90 và nửa đầu những năm 2000 đã qua và chấm dứt kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong ngắn hạn, kinh tế Mỹ và châu Âu cho thấy ít khả năng phục hồi mạnh mẽ. Khủng hoảng nợ công trong các quốc gia sử dụng đồng Euro tiếp tục lan rộng, tiềm tàng nhiều rủi ro bất chất một loạt biện pháp quyết liệt của các thành viên EU như thông qua các gói cứu trợ nhiều tỷ euro, thiết lập Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu (ESM) và ngay cả việc áp dụng kỷ luật thắt chặt chi tiêu công của một số thành viên. Dự báo tăng trưởng kinh tế của EU tiếp tục ở mức âm 0,3%.

Trong khi đó, đầu tàu kinh tế Mỹ vẫn chật vật với đà phục hồi chậm chạp, chỉ là trên dưới 2%. Tình tình tỷ lệ thất nghiệp lên đến gần 10% cho thấy các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của  Mỹ dường như không mang lại kết quả như mong đợi.

Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… dù chưa hẳn đi vào suy thoái, song đều không còn khả năng duy trì tăng trưởng như kỳ vọng. Bảy tháng đầu năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ còn 7,8%, một trong những mức thấp nhất sau hàng thập kỷ tăng trưởng ở mức trên dưới 10%.               

Trong tình hình đó, các nghiên cứu của WTO, UNCTAD, G20 đều cho thấy sự bi quan về xu hướng sử dụng nhiều hơn các rào cản thương mại có tính bảo hộ ngày càng tăng ở thị trường lớn, kể cả EU, Mỹ. Xu hướng này cộng hưởng với sự suy yếu chung của cầu hàng hóa tại các thị trường này sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Thống kê mới đây của WTO cũng cho thấy ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã tác động như thế nào đến hoạt động thương mại của các bên. Thương mại toàn cầu sẽ chỉ tăng khoảng 2,5% thay vì dự đoán ban đầu là 3,7%. Năm 2013, tăng trưởng thương mại dự kiến sẽ là 4,5% thay vì dự đoán 5,6%.  Bên cạnh đó, xu thế của luồng vốn đầu tư ngắn hạn và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng sẽ bị thay đổi rất lớn.               

Đối với Việt Nam, do cấu trúc của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động thương mại, đặc biệt là xuất và nhập khẩu, chúng ta sẽ có khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường bạn hàng lớn, trong đó EU, Mỹ. Cấu trúc này thường thấy trong một nền kinh tế đang ở trình độ phát triển tương đối thấp trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu của nước ta có hàm lượng gia tăng thấp. Do đó, ngay cả trong những kịch bản tốt hay xấu, chúng ta không có nhiều lựa chọn để giảm nhẹ những tác động xấu hay tranh thủ những cơ hội phát triển mới.

Có lẽ, câu trả lời ở đây cần vượt ra khỏi những biện pháp tức thời, ngắn hạn đó là nên có cách nhìn chiến lược, dài hạn hơn với mục tiêu cao nhất là nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng giá trị khu vực và thế giới. Giai đoạn hiện nay cả trong bối cảnh quốc tế và trong nước là một cơ hội tốt để chúng ta có thể nhìn lại, đánh giá một cách khách quan chính sách phát triển kinh tế, thương mại của đất nước với yêu cầu tái cấu trúc lại nền kinh tế với mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Theo tôi, chúng ta cần ưu tiên trước hết là thiết lập một hạ tầng chắc chắn bao gồm cả hạ tầng về vật chất và thể chế để tạo điều kiện cho mọi nhân tố, nguồn lực của đất nước có điều kiện phát triển tối đa.                                

- Cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Thụy Sĩ nhìn chung đều có trình độ nhất định và tâm tư hướng về quê hương, Đại sứ có suy nghĩ gì về vai trò quan trọng của Việt kiều trong việc kết nối giữa Thụy Sĩ và Việt Nam cũng như tìm kiếm những cơ hội hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực từ kinh tế đến giáo dục?                

Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Người Việt Nam ở nước ngoài nói chung là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh đó, cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Thụy Sĩ là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Thụy Sĩ. Trong 10 năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ phát triển hết sức tích cực.

Năm 2009, kim ngạch thương mại song phương đạt 2,6 tỷ USD, đưa Thụy Sĩ trở thành đối tác kinh tế thứ 2 của Việt Nam tại châu Âu. Thụy Sĩ hiện cũng đang đứng thứ 4 trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Điều này có một phần đóng góp của cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Thụy Sĩ. Đã có nhiều Việt kiều về đầu tư tại Việt nam, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Thụy Sĩ nhìn chung hòa nhập với cuộc sống ở đây, bên cạnh đó, đều có tâm tư hướng về đất nước. Nhiều người đã thành công trong lĩnh vực kinh doanh, hoạt động chuyên môn và tham gia vào bộ máy chính quyền của phường và bang. Đây chính là nguồn lực quan trọng trong thúc đẩy quan hệ kinh tế, chính trị giữa Việt Nam và Thụy Sĩ./.

(Tố Uyên/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất