Sau tuyên bố ngày 17/12/2014, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã đưa ra một số biện pháp nới lỏng cấm vận đối với Cu-ba, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/1/2015. Mới đây, chính quyền của ông Ô-ba-ma lại tiếp tục thông báo đang cân nhắc việc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết hằng năm của Liên hợp quốc (LHQ) chỉ trích các biện pháp bao vây cấm vận Cu-ba. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử quan hệ hai nước.
Kể từ năm 1992, hằng năm, Đại hội đồng LHQ đều họp để bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án lệnh phong tỏa kinh tế áp đặt chống Cu-ba. Dự kiến phiên họp vào đầu tháng tới sẽ là lần thứ 24 liên tiếp đại đa số (năm 2014 là 188/193) các nước thành viên LHQ bày tỏ sự ủng hộ đối với báo cáo "Sự cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt chống Cu-ba" do Chính phủ Cu-ba trình lên hằng năm. Thường thì chỉ có Mỹ và I-xra-en bỏ phiếu phản đối nghị quyết này. Một số quốc gia Nam Thái Bình Dương như Pa-lao, quốc đảo Mác-san và Mi-crô-nê-xi-a bỏ phiếu trắng.
Ấy thế nhưng năm nay, trong một bước đi được nhìn nhận là chưa từng có tiền lệ nhằm gia tăng áp lực đối với Quốc hội, ngày 21/9 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma lại thông báo, nước này đang cân nhắc việc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết hằng năm của LHQ chỉ trích các biện pháp bao vây cấm vận Cu-ba. Nếu bỏ phiếu trắng, đây sẽ là lần đầu tiên chính quyền Oa-sinh-tơn không phản đối một nghị quyết của LHQ trực tiếp chỉ trích và yêu cầu chấm dứt lệnh cấm vận do chính nước Mỹ áp đặt chống Cu-ba cách đây 54 năm.
Theo các quan chức Nhà Trắng, việc chính quyền Ô-ba-ma có bỏ phiếu trắng hay không còn tùy thuộc vào nội dung và từ ngữ của bản nghị quyết của LHQ có khác so với các nghị quyết trước đây hay không. Lệnh cấm vận toàn diện do Mỹ áp đặt chống Cu-ba đã tồn tại hơn nửa thế kỷ, chính xác là từ năm 1962, sau thất bại của vụ can thiệp Vịnh Con Lợn. Kể từ đó, mỗi Tổng thống Mỹ lên cầm quyền đều củng cố lệnh này. Đến năm 1992, Oa-sinh-tơn lại đưa ra Đạo luật Helms-Burton trừng phạt bất cứ công ty nước ngoài nào làm ăn giao dịch với Cu-ba. Do các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc pháp lý mà chỉ phản ánh quan điểm của các nước thành viên nên dù bị nhiều nước phản đối, Mỹ vẫn phớt lờ và tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt La Ha-ba-na.
Khỏi phải nói “bức tường” mà Mỹ dựng lên nhằm cô lập Cu-ba với thế giới bên ngoài đã gây thiệt hại to lớn thế nào với đất nước này. Chính phủ Cu-ba cho hay, trong hơn nửa thế kỷ qua, việc phong tỏa của Mỹ đã gây tổn thất tài chính hơn 1.000 tỷ USD. Rất nhiều chương trình xã hội như: Y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học, giao thông vận tải và các dịch vụ khác của Cu-ba đã gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bất chấp sự chống phá và sức ép của lệnh bao vây cấm vận, Cu-ba vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển. Cu-ba đã đạt được nhiều thành tựu về xã hội như bảo vệ sức khỏe toàn dân, giáo dục đại học và phổ thông, bảo đảm lương thực cho người dân và càng ngày càng nâng cao được vị thế của mình trên trường quốc tế.
Trong khi đó, dù bao vây, cấm vận Cu-ba trong suốt hơn 50 năm qua, nhưng thật trớ trêu, nhiều người Mỹ lại cho rằng, chính nước Mỹ cũng phải trả giá đắt vì cuộc cấm vận, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao. Các công ty Mỹ bị thiệt hại hàng tỷ USD vì không làm ăn được với Cu-ba, chưa kể những cơ hội kinh doanh lớn ở Cu-ba trong tương lai, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí. Ngoài ra, xét về mặt chính trị, chính sách cấm vận chống Cu-ba đã khiến Oa-sinh-tơn mất vị trí ngay tại khu vực từng được coi là "sân sau" của Mỹ, là chướng ngại vật lớn nhất trên con đường cải thiện quan hệ của Mỹ với các nước Mỹ La-tinh.
Cân nhắc việc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của LHQ lên án lệnh phong tỏa kinh tế chống Cu-ba sẽ là bước đi mới nhất trong lộ trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ với Cu-ba. Các nhà phân tích cho rằng, đây là điều "trước sau gì cũng phải đến" trong bối cảnh thế giới ngày càng phát triển, chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ chống Cu-ba ngày càng lộ rõ bản chất phi lý. Đối với Mỹ, cải thiện quan hệ ngoại giao với Cu-ba sẽ là một tiền lệ đối ngoại quan trọng, tạo ra một hình ảnh “mềm mỏng” và biết chấp nhận sự khác biệt hơn của quốc gia siêu cường này đối với thế giới, đặc biệt là tại Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê - khu vực mà ảnh hưởng của Mỹ có phần sụt giảm trong thời gian qua, và cũng là nơi mà cuộc đấu tranh kiên cường để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền cũng như tinh thần quốc tế vô tư trong sáng của Cu-ba nhận được cảm tình của rất nhiều tầng lớp nhân dân./.
Ngọc Thư (QĐND)