Chủ Nhật, 6/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 6/5/2015 14:7'(GMT+7)

Chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII: Ghi nhận nhiều vấn đề cử tri quan tâm

* Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang tiếp xúc cử tri tại 9 địa điểm, thông báo dự kiến nội dung kỳ họp. Tại các điểm tiếp xúc, cử tri Tuyên Quang nêu nhiều ý kiến, kiến nghị như: Nâng mức vốn đầu tư Chương trình 135 để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở các địa phương; nghiên cứu cơ chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng khu vực giáp ranh giữa các tỉnh; nâng mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, gắn với tạo việc làm cho người lao động, nhất là sinh viên đã tốt nghiệp ra trường...

Cử tri cũng mong muốn Quốc hội và các cơ quan chức năng quan tâm nâng cao đời sống của đồng bào tái định cư về nước sinh hoạt, đất sản xuất, đất ở; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại cơ sở; tu sửa, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn; đầu tư sản xuất nông nghiệp, tìm đầu ra tiêu thụ nông sản…

* Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức tiếp xúc cử tri với chuyên đề về chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, phản ánh với Quốc hội trong kỳ họp tới.

Cử tri cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi kém là do giá thức ăn chăn nuôi cao. Cơ quan chức năng cần có chính sách phát triển nguồn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi để giảm nhập khẩu, hạ giá thành; cần có chính sách quản lý vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, tránh sự thao túng của doanh nghiệp nước ngoài đối với thức ăn chăn nuôi. Đối với chăn nuôi nông hộ, cần có cơ chế ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện cho người chăn nuôi dễ tiếp cận vốn vay lãi suất thấp để đầu tư chăn nuôi; cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân để bao tiêu sản phẩm chăn nuôi, khuyến khích nông dân tham gia chuỗi cung ứng các sản phẩm thịt sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu giống - chăn nuôi -giết mổ - tiêu thụ; đồng thời, cần có cơ chế ưu đãi hơn nữa đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nâng suất đầu tư cho Chương trình 135…

Về đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế nông nghiệp, cử tri nêu ý kiến, muốn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế nông nghiệp cần tập trung đào tạo cán bộ cơ sở, đặc biệt là những địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trung ương cũng cần có cơ chế về tài chính để triển khai nhân rộng hơn nữa việc ứng dụng các công trình nghiên cứu khoa học đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tăng tính minh bạch trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp…

* Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên tiếp xúc cử tri tại 20 điểm thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tại các buổi tiếp xúc, cử tri góp nhiều ý kiến về công tác xây dựng các dự án luật.

Để việc xây dựng các dự án luật có hiệu quả và nhanh chóng đi vào cuộc sống, cử tri Trịnh Thị Nga (nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) cho rằng: Quốc hội cần tổ chức đội ngũ làm công tác xây dựng các dự án luật có trình độ để đóng góp ý kiến đi vào chiều sâu. Cơ quan nào đề nghị sửa đổi hoặc xây dựng luật khi trình lên Quốc hội phải kèm theo văn bản triển khai như: Nghị định, thông tư… để khi luật được ban hành có thể đi ngay vào cuộc sống. Điều này cũng sẽ hạn chế tình trạng luật đã ban hành nhưng phải chờ hướng dẫn thực hiện…

Góp ý cho dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, cử tri Phạm Ngọc Chi (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) nói: Nên có quy định việc người đứng đầu Chính phủ; người đứng đầu cấp chính quyền địa phương đối thoại với nhân dân thường xuyên. Điều này sẽ giúp những người đứng đầu sát dân, hiểu dân, các quyết định đưa ra cũng phù hợp hơn. Luật tổ chức chính quyền địa phương nên chia thành hai mô hình là: Chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn hoạt động theo bốn cấp xuyên suốt. Không nên đặt thêm mô hình chính quyền cảng vì như thế sẽ nảy sinh thêm chính quyền khu kinh tế, chính quyền biển đảo…

Để các dự án luật bám sát thực tế, đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân, cử tri cũng đề nghị: Việc lấy ý kiến của nhân dân trong quá trình xây dựng các văn bản luật phải thực chất chứ không hình thức. Các dự án luật cần thể hiện rõ quyền và lợi ích của người dân. Luật khi áp dụng vào thực tiễn nếu có điểm không phù hợp cần phải xem xét điều chỉnh nhanh chóng.

Cử tri còn phản ánh một số nội dung liên quan tới chế độ chính sách đối với đồng bào dân tộc; chế độ tiền lương đối với những người nghỉ hưu trước năm 1993; chế độ chính sách với người có công với cách mạng; chính sách vay vốn cho hộ nuôi trồng thủy sản…

* Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã tiếp xúc cử tri ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Cử tri tại phường Hòa Lợi (thị xã Bến Cát) kiến nghị Nhà nước quan tâm giải quyết tình trạng hàng hóa nông sản do nông dân sản xuất không có đầu ra ổn định. Cử tri ở thị trấn Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo) phản ánh tình trạng tai nạn giao thông hiện vẫn là vấn đề nan giải, gây bức xúc và lo lắng cho nhân dân; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các nhà máy sản xuất vẫn xảy ra; Luật Bảo hiểm xã hội áp dụng cho các đối tượng chính sách còn bất cập…

Cử tri ở xã Tân Vĩnh Hiệp (thị xã Tân Uyên) phản ánh thực trạng công trình đường giao thông gây ngập nước làm hư hỏng hoa màu; điện yếu không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân; việc đóng phí bảo trì đường bộ xe hai bánh chưa hợp lý.../.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất