Thứ Ba, 1/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 9/10/2008 21:38'(GMT+7)

Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ để nâng cao chất lượng hoạt động cải cách tư pháp

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh, Phó trưởng Ban thứ nhất Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Nâng cao năng lực cán bộ tư pháp khâu then chốt của cải cách tư pháp

Một trong những trọng tâm, trọng điểm của cải cách tư pháp là hoàn thiện tổ chức cơ quan thi hành án dân sự, nâng cao chất lượng hoạt động thi hành án dân sự.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ rõ, trong thời gian tới, ngành Tư pháp cần đặc biệt chú ý đẩy mạnh hoàn thiện tổ chức các cơ quan thi hành án dân sự, nâng cao chất lượng hoạt động thi hành án dân sự. Trước mắt là tích cực hoàn thiện thể chế làm cơ sở cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự, chuẩn hoá và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thi hành án nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thi hành án; tập trung, kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện nhằm khắc phục một bước cơ bản tình trạng án tồn đọng kéo dài, triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập dẫn đến những khiếu nại bức xúc về thi hành án trong giai đoạn hiện nay.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu Bộ Tư pháp cần phải mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, coi đó là khâu then chốt của cải cách tư pháp, trong đó có việc đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp có vị trí đặc biệt quan trọng. Bộ Tư pháp cần có sự chỉ đạo sát sao đảm bảo cho Hội nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ được tổ chức trong thời gian tới thành công tốt đẹp.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng ghi nhận những ý kiến đề xuất của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp và cho biết sẽ đưa các ý kiến đề xuất này ra thảo luận tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp để xem xét, quyết định hoặc trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Một số bài học kinh nghiệm

Từ thực tiễn hoạt động 3 năm triển khai thực hiện NQ 49, nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc rút.

Trước hết là bài học về sự nhận thức đúng đắn và sự lãnh đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng là yếu tố quyết định hiệu quả của công tác cải cách tư pháp. Nơi nào các cấp ủy Đảng nhận thức đầy đủ, sâu sắc về yêu cầu, nội dung cải cách tư pháp và lãnh đạo sát sao thì nơi đó công tác cải cách tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực.

Bài học thứ hai là khơi dậy và duy trì tính chủ động, năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức mà trước tiên và quan trọng nhất là của thủ trưởng, cán bộ lãnh đạo đơn vị chính là động lực cơ bản thúc đẩy quá trình thực hiện cải cách tư pháp.
 
Bài học thứ ba nhấn mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết cần có trọng tâm, trọng điểm với sự chỉ đạo tập trung, kịp thời, quyết liệt, dứt điểm của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp các cấp và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và thứ tư là bài học về sự tăng cường công tác kiểm tra của các cấp uỷ Đảng, giám sát của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.

Trong 3 năm qua, công tác thi hành án có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉ lệ hoàn thành thi hành án tăng đều qua các năm 2005, 2006, 2007 tương ứng là 61,77%, 71,15%, 79,35% về vụ việc; 39,89%, 31,59%, 55% về tiền.

Từ năm 2005 đến nay đã thành lập thêm nhiều cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện phù hợp với quyết định điều chỉnh địa giới hành chính của Chính phủ với cơ cấu tổ chức bộ máy của Thi hành án dân sự cấp tỉnh được đổi mới. Đến nay, cả nước có 63 Thi hành án dân sự cấp tỉnh, 9 Thi hành án dân sự cấp quân khu và 679 Thi hành án dân sự cấp huyện.

Cổng TTĐTCP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất