Luật Thủ đô có hiệu lực vào ngày 1/7/2013 nhưng việc thực hiện Luật cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đặc biệt là việc làm thế nào để không bị “chồng luật."
Nhiều quy định đã rõ ràng, nhưng thiếu văn bản, thông tư hướng dẫn nên việc triển khai Luật gặp nhiều khó khăn, nhiều văn bản phải xin phép các bộ, ngành Trung ương mất nhiều thời gian, dẫn tới công việc ngưng trệ.
Thời gian qua, triển khai các nghị quyết đã được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành, Ủy ban Nhân dân thành phố đã phê duyệt danh mục thủ tục hành chính đặc thù và liên thông được chuẩn hóa thuộc thành phố Hà Nội gồm nhóm thủ tục hành chính đặc thù thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp thành phố với 12 thủ tục; cấp huyện với hai thủ tục và cấp xã một thủ tục; nhóm thủ tục hành chính giải quyết theo quy trình liên thông gồm bốn thủ tục.
Cụ thể, thủ tục hành chính đặc thù thuộc thẩm quyền giải quyết cấp thành phố như công nhận trường mầm non và phổ thông đạt tiêu chí chất lượng cao; phê duyệt chương trình giảng dạy bổ sung nâng cao cấp học mầm non và phổ thông; cấp phép sử dụng công trình ngầm kỹ thuật đô thị để lắp đặt các đường dây, cáp; cấp phép đặt văn phòng, trụ sở tại Hà Nội của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài.
Bên cạnh đó, một số thủ tục khác như hỗ trợ đầu tư đối với việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp nước sạch khu vực nông thôn; hỗ trợ xử lý nước sạch nông thôn… Đối với thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đặc thù cấp huyện gồm hỗ trợ học phí học nghề ở trình độ trung cấp hoặc cao đẳng; hỗ trợ đi lao động ở nước ngoài khi bị thu hồi đất nông nghiệp; đăng ký thường trú ở nội thành. Đối với thẩm quyền cấp xã gồm hỗ trợ chi phí hỏa táng.
Các thủ tục hành chính giải quyết theo quy trình liên thông gồm xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; xuất cảnh để thực hiện công tác của cán bộ, công chức; cấp giấy phép thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Hà Nội và tiếp nhận tình nguyện viên./.
Theo TTXVN