Kết thúc buổi làm việc thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia tại Bộ
Lao động-Thương binh và Xã hội sáng ngày 25/8, phương án tăng lương tối
thiểu vùng năm 2016 vẫn chưa được thống nhất do chênh lệch giữa mức đề
xuất của đại diện chủ sử dụng lao động và người lao động vẫn lớn, khoảng
6%.
Phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam gửi Hội đồng tiền lương Quốc gia có mức tăng từ 16-17% so với
năm 2015, tăng từ 350.000 - 550.000 đồng/mức. Trong khi đó, VCCI đề xuất
tăng lương chỉ khoảng 6-7%. Tuy nhiên, trong quá trình thương lượng với
đại diện người lao động sáng nay, đại diện chủ sử dụng lao động đã nâng
lên mức 10%.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam (VCCI), cho rằng không thể tăng ở mức trên 16% vì tăng ở mức này
giá thành của doanh nghiệp sẽ đội thêm 5%, ảnh hưởng tới sản xuất kinh
doanh và việc làm.
“Chúng tôi đã phân tích thấu đáo để đi tới quan điểm chung nhưng thực sự
là khó khăn. Mỗi bên đưa ra quan điểm đều có luận cứ khoa học của mình.
Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là phải đặt lợi ích người lao động,
lợi ích chủ doanh nghiệp dưới lợi ích quốc gia. Đất nước phải có một đội
ngũ doanh nghiệp đủ mạnh đảm bảo phát triển bền vững và đó mới đảm bảo
việc tăng lương tối thiểu. Chúng tôi bảo vệ quan điểm 10% của mình, ”
ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Trong buổi làm việc sáng nay, đại diện người lao động kiên quyết giữ mức
đề xuất tăng khoảng 16% và đã đề nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia dừng
phiên làm việc để tiếp tục nghiên cứu thương lượng trong phiên họp sau.
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho
biết: “Theo khảo sát của Tổng liên đoàn lao động trong năm 2015, lương
tối thiểu đang thấp hơn mức sống tối thiểu gần 1 triệu đồng và có tới
62% người lao động không có tiền tiết kiệm, gần 20% người lao động cho
biết thu nhập không đủ sống, 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết
kiệm. Kết quả khảo sát cho thấy mức lương của người lao động thực nhận
cao hơn tiền lương ghi trong hợp đồng từ 10-14%. Kết quả khảo sát là căn
cứ để chúng đưa ra đề xuất mức tăng 16,7% mà không ảnh hưởng tới doanh
nghiệp.”
Như vậy, mặc dù đã có thêm thời gian ba tuần để tính toán và nghiên cứu
phương án, nhưng tại phiên họp lần thứ hai nhưng cả đại diện giới chủ sử
dụng và người lao động vẫn chưa tìm được phương án dung hòa quan điểm
của hai bên.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền
lương quốc gia Phạm Minh Huân, cho biết phương án tăng lương giữa hai
bên không thay đổi vẫn vênh nhau 6%, cuộc họp lần thứ hai kết thúc mà
chưa mang lại kết quả như mong muốn. Vì vậy, hội đồng sẽ họp lại ngày
3/9.
“Theo quy chế, lần thứ 3 thương lượng hai bên vẫn có khoảng cách không
thống nhất, Chủ tịch Hội đồng sẽ lựa chọn phương án với những lập luận,
đánh giá tình hình thực tế trình cho Thủ tướng quyết định,” Thứ trưởng
Phạm Minh Huân nói./.
(Vietnam+)