Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 của Đảng ta khẳng định: "Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta". Mục tiêu này chỉ có thể đạt được kết quả khả quan khi chúng ta bảo vệ tốt môi trường biển.
Không phải ngẫu nhiên mà lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường”, lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông" lại được tổ chức ở thành phố biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Môi trường biển ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm nguồn sống cho người dân. Bên cạnh nguồn lợi lớn thu được từ biển bằng khai thác, đánh bắt hải sản, phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ... vẫn còn bộc lộ những vấn đề khó khăn, bất cập. Đó là, vì cái lợi trước mắt, con người đang tâm hủy hoại môi trường biển. Tại các khu du lịch, người dân ngang nhiên bán hàng ngay trên bãi biển, vô hình trung tiếp tay cho du khách xả rác thải bừa bãi. Đặc biệt là tình trạng xả rác nhựa, túi ni lông xuống biển gây ô nhiễm biển và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản. Một số đối tượng thảm sát môi trường biển bằng các loại phương tiện hủy diệt. Thậm chí một số công ty, nhà máy xả các hóa chất độc hại xuống biển. Nhiều địa phương ven biển không thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, mà xả tràn lan... Những hành động vô trách nhiệm ấy gây nên nhiều hệ lụy: Môi trường biển bị ô nhiễm; một số loài sinh vật quý hiếm bị tận diệt; thảm thực vật dưới đáy biển hầu như biến mất...
Thời gian qua, tại một số địa phương, vấn đề bảo vệ môi trường biển được ưu tiên giải quyết hàng đầu, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường biển vẫn diễn ra trong tình trạng đáng báo động. Để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường biển là bảo vệ môi trường sống cho con người, các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan, đoàn thể các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác, nước thải chưa qua xử lý, những chất thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển. Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng, và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường biển. Bên cạnh đó, các địa phương cần kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong bảo vệ môi trường, đồng thời lên án mạnh mẽ những đối tượng gây tác hại đến môi trường biển. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả thải, gây ô nhiễm môi trường biển; tiếp tục hoàn thiện các thể chế quản lý để mọi người dân có thể thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, bảo vệ môi trường biển. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về môi trường biển do nhân dân phản ánh phải được các cơ quan hữu quan tiếp nhận, xử lý một cách triệt để, kịp thời và hiệu quả...
Thông điệp của Ngày Môi trường thế giới năm nay là "Mọi người cùng nhau thay đổi thói quen cuộc sống hằng ngày để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa tới môi trường tự nhiên và sức khỏe của chúng ta". Thông điệp này cần được phổ biến rộng rãi tới mọi người dân miền biển, khách du lịch đến vùng biển; biến thông điệp đó thành hành động cụ thể để chúng ta cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, từng bước hình thành các khu ven biển theo tiêu chí “xanh-sạch-đẹp"./.