1. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC CỦA DÂN TỘC, TIẾP TỤC ĐỔI MỚI GIÁO DỤC, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC
Một trong những điểm mới, có tính bao trùm thể hiện tinh thần dân tộc được nêu ra trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là: Khát vọng dân tộc Việt Nam giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc, trở thành một nước phát triển theo hướng hiện đại trong khu vực và thế giới, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Đây là hồn cốt của tinh thần Việt Nam tự lực, tự cường được tiếp biến trong dòng chảy lịch sử dựng nước gắn liền với giữ nước. Để có thể hiện thực hóa khát vọng nêu trên, Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các cuộc góp ý văn kiện đều thống nhất và đề nghị Đảng, Nhà nước cần có giải pháp xứng tầm cho giáo dục - lĩnh vực được xác định là “quốc sách hàng đầu”.
Dân tộc Việt Nam trong tiến trình lịch sử đã được khẳng định là một dân tộc hiếu học, cần cù, thông minh, nhờ đó mà có được sức mạnh nội sinh làm điểm tựa cho dân tộc trường tồn. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ vào tự học mà đủ tầm tư duy đi trước thời đại, mở lối lịch sử hiện đại cho dân tộc ta, Người đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Cơ đồ dân tộc Việt Nam được phác họa, bồi đắp qua hàng ngàn năm, “chất liệu” dựng xây cơ đồ dân tộc là ý chí kiên cường, tinh thần tự chủ tự lực tự cường, là đức hy sinh, là trí sáng tạo và tính cần cù.
Qua 90 năm có Đảng lãnh đạo, giáo dục Việt Nam từng bước thay da đổi thịt, từ một nền giáo dục nô dịch trở thành nền giáo dục tự chủ, khai mở sức sáng tạo của con người, hun đúc bản lĩnh bất khuất, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác, đủ sức đánh bại thực dân phát xít, giành độc lập, đủ sức chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, vững tin trên con đường đổi mới, được thế giới tôn vinh. Vì vậy, sứ mệnh của giáo dục là phải trở thành nòng cốt cho sự tiếp biến những giá trị truyền thống đó vào thế hệ trẻ, duy trì niềm kiêu hãnh dân tộc. Niềm tin có cơ sở khoa học, có điểm tựa truyền thống lâu bền, được định hướng đúng, cùng với vốn tri thức căn bản được giáo dục, đào tạo, trải nghiệm từ gia đình, nhà trường, xã hội sẽ nâng cao đôi cánh ước mơ cho thế hệ trẻ biết sống đẹp, sống có ích, có giá trị, có ý nghĩa, góp thành sức mạnh nội lực đưa dân tộc Việt Nam đi tới cường thịnh.
2. CHUNG SỨC ĐỒNG LÒNG CHĂM LO THẾ HỆ TRẺ VÌ TƯƠNG LAI DÂN TỘC
Giáo dục là quá trình truyền thụ, lĩnh hội tri thức xã hội và hình thành nhân cách, do mỗi người tự thân hướng tới những giá trị mới. Để giáo dục đi đúng hướng, trước hết cần có tư duy đổi mới, xác định đúng và trúng mục tiêu giáo dục con người gắn với yêu cầu lịch sử cách mạng. Điều này thuộc trách nhiệm của Đảng, Nhà nước khi đề ra chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan tới giáo dục. Mặt khác cũng cần có tư duy đổi mới trong quản lý và giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm phát huy tính sáng tạo trong dạy và học, tránh “nhồi nhét”. Đó là trách nhiệm của ngành giáo dục. Gia đình và xã hội cũng không thể đứng ngoài cuộc, vì đây là môi trường sống tác động hàng ngày, hàng giờ đối với người học, trách nhiệm của gia đình và xã hội là phải nêu gương, tạo điều kiện cho người học có được môi trường tốt. Cuộc đời là chuỗi vô tận các thế hệ truyền nắm tay nhau, dìu dắt, trao gửi niềm tin, kỳ vọng, cùng nhau hướng về phía trước, chinh phục thế giới khách quan, tự khẳng định bản thân, tôn vinh dân tộc. Một vĩ nhân, lãnh tụ, nhà lãnh đạo, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, chuyên gia lừng danh cũng đã từng trải qua những năm tháng tuổi thơ, vốn sống ở họ được truyền vào ý tưởng, sáng tạo trong thực thi chức trách, thể hiện mối quan tâm sâu sắc đối với trẻ thơ, trước hết là cháu con của mình và bao dung trẻ thơ trong toàn xã hội, vượt khỏi ranh giới một quốc gia. Ai tư duy và hành động đi ngược lại quy luật đó thì xa rời tính nhân bản, nhân văn của giáo dục.
Tính nhất quán, xuyên suốt trong quan điểm giáo dục của Đảng ta được dựa trên tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh: Con người tốt hay xấu phần nhiều do giáo dục mà nên. Theo đó, Đảng ta luôn coi giáo dục, giác ngộ, đào tạo, bồi dưỡng con người đủ đức, đủ tài, xả thân vì Tổ quốc là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ngay khi mới ra đời, Đảng đã thành lập Ban tuyên truyền - cổ động, nhằm hướng đạo cho các tầng lớp quần chúng yêu nước đi theo Đảng. Khi giành được độc lập, Đảng cần kíp lãnh đạo nhân dân ra sức diệt “giặc dốt”, nâng cao mặt bằng dân trí để chấn hưng đất nước. Trong kháng chiến vệ, Đảng không ngừng quan tâm chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, coi việc học cũng là đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, đưa những thanh thiếu niên ưu tú ra nước ngoài học tập tiếp thu trình độ khoa học, kỹ thuật tiên tiến, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để về nước làm hạt nhân cho sự nghiệp tái thiết đất nước.
Trong công cuộc đổi mới suốt 35 năm qua, giáo dục từng bước nâng cao tiềm năng và phát huy trí sáng tạo, ý chí vượt khó của con người Việt Nam trỗi dậy mạnh mẽ. Dù tiềm lực kinh tế còn nghèo, điều kiện bảo đảm cho đổi mới giáo dục còn hạn chế, song tinh thần chung là Đảng, Nhà nước và toàn xã hội vẫn dành mối quan tâm sâu sắc cho giáo dục, khích lệ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hoàn thành thiên chức “trồng người”; chắp cành ước mơ cho hàng triệu trẻ thơ, thiếu niên, thanh niên Việt Nam vươn lên.
Đại hội XIII của Đảng đang đến rất gần, lòng dân đang hướng về sự kiện trọng đại này với kỳ vọng Đảng tiếp tục dẫn dắt dân tộc ta vững bước trên con đường hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, hiện thực rõ nét hơn nữa khát vọng đưa non sông Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Quan điểm nhất quán của Đảng; tinh thần trách nhiệm của Nhà nước trong huy động mọi nguồn lực cho giáo dục vì sự phát triển bền vững; truyền thống “tôn sư trọng đạo” - coi trọng giáo dục, vun trồng thế hệ tương lai của nhân dân - dân tộc… là những tiền đề tinh thần và vật chất quan trọng thúc đẩy sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trước mắt, cần tập trung nguồn lực cho tái thiết giáo dục ở những vùng vừa bị bão lũ hoành hành, để trẻ em có đủ điều kiện trở lại học tập. Nhà nước, các địa phương cần quan tâm nâng mức đầu tư cho giáo dục, xây dựng hệ thống trường lớp quy chuẩn, từng bước bảo đảm các công trình giáo dục ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có được cơ sở vật chất vững chãi. Từng cấp ủy đảng, chính quyền cần chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động giáo dục trên địa bàn đúng quy định, bảo đảm an toàn tính mạng và an toàn tư tưởng trong nội dung giáo dục. Làm sao để mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui thực sự, không bạo lực, không áp lực, không mất an toàn. Chớ vô tình, vô cảm để núi lở, tường sập, cổng đổ, cầu gãy, cây bật gốc trong sân trường, chạy xe gây tai nạn học sinh. Không để các tệ nạn xã hội bủa vây và xâm nhập vào trường học. Hãy cảnh giác và đẩy lùi mọi cuộc tấn công mạnh hơn sức công phá nguyên tử trên không gian mạng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong giáo dục. Giảm bớt gánh nặng đóng phí của phụ huynh, đẩy lùi các biểu hiện thương mại hóa trong giáo dục. Giảm bớt kêu than, buồn phiền, phản ứng gay gắt với những hạn chế, khuyết điểm khó tránh của ngành giáo dục; thay vì hãy hiến kế những giải pháp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào việc chăm lo giáo dục thế hệ trẻ. Trường khang trang, chương trình tốt, sách giáo khoa hay, nhà quản lý giỏi, nhà giáo sáng tạo, học trò vượt khó, phụ huynh biết chia sẻ với nhà trường… chắc chắn sẽ góp thêm sức mạnh cho đổi mới giáo dục. Điều quan trọng nhất là mỗi người cần có một tấm lòng nhân hậu với thế hệ trẻ, để trong từng lời nói, hành động, trong thực thi chức trách đều lấp lánh sự tôn vinh giá trị NGƯỜI, trang sách cuộc đời bao giờ cũng là trang sách có tác động sâu sắc nhất tới tâm can con người. Người lớn sống đẹp, sống gương mẫu, có trái tim nhân hậu thì ắt sẽ tác động sâu sắc nhất tới nhân cách thế hệ trẻ.
3. NHÂN LÊN NGỌN LỬA NIỀM TIN, HY VỌNG
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 75 năm: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, trong mọi điều kiện hoàn cảnh, dân tộc Việt Nam luôn kiên trì vượt khó, từng bước vươn lên, chưa khi nào lơi là và coi nhẹ việc giáo dục. Giáo dục Việt Nam đã và đang từng bước định hình một nền giáo dục làm cho con người Việt Nam ngày một thông thái hơn: thông thái khẳng định bản lĩnh, năng lực để ghi dấu ấn trong các cuộc tranh tài quốc tế; thông thái trong tìm kiếm việc làm với trình độ cao theo chuẩn mực quốc gia, quốc tế; thông thái trong nghiên cứu khoa học, phát kiến nhiều thành tựu mới; thông thái trong ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, đào tạo, sản xuất, kinh doanh.
Chương trình mới đã được mở ra với tầm tư duy hiện đại. Sách giáo khoa mới đã bước đầu bén rễ vào nhà trường. Thi cử, kiểm tra, đánh giá được đổi mới cả nội dung và cách thức, nghiêm ngặt, lành mạnh, thực chất hơn. Hệ thống văn bản pháp quy được hoàn thiện, bổ sung phù hợp với thực tế cuộc sống. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng trăn trở, tìm tòi, cống hiến để đổi mới thành công. Cơ sở trường lớp ngày một khang trang hơn… Nhưng nếu cứ tự bằng lòng với những gì đã có, chúng ta chắc chắn sẽ tụt hậu, vì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động hàng ngày hàng giờ tới mọi con người, mọi lĩnh vực đời sống. Chưa kể đại dịch Covid -19 đã và đang để lại hệ lụy khôn lường.
Bối cảnh mới, đòi hỏi phải có tư duy mới trong lãnh đạo, quản lý giáo dục. Giáo dục chưa bao giờ được coi là dễ, đây là công việc đặc thù của loài người, thời cơ ít mà thách thức thì nhiều. Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Việt Nam đang ngày càng định vị được tầm vóc một nền giáo dục tiên tiến trên bản đồ giáo dục thế giới, góp phần quan trọng vào thành tựu chung, mở ra cơ đồ tươi sáng cho dân tộc. Tuy vậy, phía trước vẫn còn không ít chông gai, nhiều khó khăn thách thức vẫn đang đặt ra đối với sự nghiệp cách mạng, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã truyền đi thông điệp khát vọng dựng xây cơ đồ Việt Nam giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc. Ý Đảng cũng chính là lòng Dân. Từ nhân lõi ấy, cả xã hội cùng chung sức đồng lòng chăm lo giáo dục con người, lo cho đời sống của người dạy và người học có được môi trường giáo dục trong nhà trường, ngoài xã hội an toàn, lành mạnh. Đó mới thực sự là những dòng sông xanh trong nâng đỡ con thuyền tải đạo cho dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau./.
TG