Thứ Ba, 1/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 24/9/2011 9:51'(GMT+7)

Chung sức xây dựng nông thôn mới: Những cách làm sáng tạo, phù hợp thực tế

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

* Hải Hậu (Nam Định) phát triển mạng lưới y tế nông thôn

Với 34/35 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân hoạt động hiệu quả..., Hải Hậu trở thành một trong những đơn vị tuyến huyện dẫn đầu trong hoạt động khám chữa bệnh (KCB) cho người dân của tỉnh Nam Định cũng như cả nước. Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thanh Hiền hào hứng, Hải Hậu phấn đấu hết năm 2011 cả 35/35 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2015 có 26 xã, thị trấn hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM.

Huyện đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết 46/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng KCB, trong đó tập trung triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế, liên doanh, liên kết, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ phục vụ KCB; phát triển nguồn nhân lực y tế, triển khai ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật y tế chuyên sâu. Hải Hậu cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, triển khai có hiệu quả Chương trình quốc gia phát triển y dược cổ truyền giai đoạn 2011-2020; đẩy mạnh xã hội hoá y tế, tranh thủ các nguồn vốn, huy động đóng góp của cộng đồng để nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa huyện, Trung tâm y tế, Trạm y tế các xã, thị trấn; tạo nhiều loại hình, phương thức KCB linh hoạt, phù hợp thực tiễn thu hút rộng rãi các nguồn lực xã hội cho phát triển y tế. Ngành Y tế Hải Hậu tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến cán bộ, y bác sỹ cơ sở; triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; nâng cao chất lượng khám chữa, chăm sóc người bệnh; từng bước triển khai ứng dụng các kỹ thuật y tế chuyên sâu đối với Bệnh viện hạng II..

Nói đến Hải Hậu, người ta thường nhắc đến Hải Đường, xã được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của cả nước. Nhờ thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, sau 2 năm Hải Đường đã khoác lên mình diện mạo mới. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Trạm y tế cũng được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị khám chữa bệnh. Trạm y tế xã hiện có 9 cán bộ, nhân viên, 14 phòng khám, chức năng bảo đảm yêu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.

Không chỉ riêng Hải Đường đến nay, hầu hết trạm y tế các xã trong huyện Hải Hậu đều được đầu tư xây dựng thông qua các chương trình, dự án, các nguồn vốn huy động. Toàn huyện hiện có 32 bác sỹ công tác tại các trạm y tế, 94,5% số thôn, xóm có nhân viên y tế hoạt động. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện từng bước được kiện toàn, hoạt động hiệu quả góp phần duy trì tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 99,4%, trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng chỉ còn 16,83%... Các đơn vị y tế thôn đội đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các dịch bệnh như dịch cúm A H1N1, sốt xuất huyết, sởi...

Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu, đơn vị đi đầu trong khám chữa bệnh tuyến cơ sở tại vùng nông thôn mới này đã chủ động tuyển dụng và bố trí nhân lực hợp lý, đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, góp phần thực hiện tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Bệnh viện đã được công nhận Bệnh viện hạng II và đang tiếp tục đầu tư phát triển những chuyên khoa mới như: chuyên khoa ung bướu, cấp cứu hồi sức, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật nội soi tiêu hoá, tiết niệu, chấn thương...

* Long Mỹ ( Vĩnh Long) khai thác lợi thế đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất

Với vị trí nằm gần 2 trung tâm đô thị là thành phố Vĩnh Long và thị trấn Long Hồ, thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt 19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới (NTM), xã Long Mỹ, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) tập trung khai thác lợi thế thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động trong xây dựng xã NTM.

Là địa bàn thuần nông, xã Long Mỹ xác định từ nay đến năm 2015 nông nghiệp vẫn giữ vị trí chủ lực với 51,7% trong cơ cấu kinh tế. Xã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bố trí lại cơ cấu mùa vụ tăng dần tỷ trọng chăn nuôi – thủy sản, giảm dần tỷ trọng trồng trọt, khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình luân canh lúa – màu và chuyên màu. Xã hình thành “vành đai xanh” với diện tích sản xuất hàng năm 60 ha kết hợp cải tạo diện tích vườn cây ăn trái 178 ha sản xuất theo quy trình VietGAP cung cấp rau màu, hoa quả cho thành phố Vĩnh Long và thị trấn Long Hồ. Từ nguồn kinh phí các chương trình mục tiêu như chương trình giống, chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, từ nay đến năm 2015, xã Long Mỹ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất mới có hiệu quả như các mô hình: trồng khoai mỡ luân canh trên đất lúa, chuyên canh củ cải, nuôi ba ba, nuôi dế thương phẩm…, phấn đấu nâng giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt bình quân 92 triệu đồng/ha/năm. Để giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản, xã Long Mỹ củng cố 12 tổ hợp tác sản xuất, xây dựng mối liên kết 2 nhà: nhà nông – nhà doanh nghiệp trong sản xuất và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với phát triển nông nghiệp theo hướng đa canh, thâm canh, xã Long Mỹ tập trung phát triển dịch vụ thương mại và tiểu thủ công nghiệp để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động. Xã huy động nguồn vốn đầu tư 2,2 tỷ đồng nâng cấp chợ xã Long Mỹ, tạo mặt bằng cho nhân dân mua bán, trao đổi nông sản. Với trên 3.000 lao động trong độ tuổi, Đảng ủy xã Long Mỹ tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu ngành nghề thông qua các hoạt động: tổ chức các lớp đào tạo nghề: đan đát, dệt thảm, chằm lá, se kim châm cứu, gia công mộc…, củng cố các tổ ngành nghề: xây dựng, bơm cát…, qua đó tạo việc làm tại chỗ thu hút 500 lao động, hình thành mạng lưới vệ tinh gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp đồng thời cung cấp trên 350 lao động có tay nghề cho các khu, cụm công nghiệp tập trung ở thành phố Vĩnh Long và huyện Long Hồ. Đến nay, xã Long Mỹ đã giảm tỷ lệ lao động nông ngư nghiệp còn 31,7%, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,8%, là xã đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long đạt tiêu chí về cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2013 đạt tiêu chí về hạ tầng kinh tế xã hội, năm 2011, xã Long Mỹ đẩy mạnh huy động nhiều nguồn lực đầu tư 26,5 tỷ đồng ưu tiên bố trí cho các dự án, công trình có tính thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đẩy nhanh tốc độ xây dựng 6 công trình giao thông liên xã, 5 công trình thủy lợi, 3 công trình điện, hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, tạo sự đổi thay bộ mặt nông thôn và đảm bảo chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo hướng bền vững.

* Kiên Giang phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Kiên Giang hiện có 118 xã đang triển khai xây dựng xã nông thôn mới (NTM), trong đó xã Định Hòa, huyện Gò Quao được Trung ương chọn làm xã điểm thực hiện thí điểm mô hình NTM của cả nước. Theo đó, giai đoạn 2011- 2015, tỉnh phấn đấu xây dựng 35/117 xã đạt tiêu chí xã NTM và huyện Tân Hiệp đạt huyện NTM; năm 2020 có 70% số xã trong tỉnh đạt tiêu chí xã NTM.

Tỉnh khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí, hoàn thành lập bản đồ quy hoạch vào cuối năm nay , xác định rõ mức độ đạt từng tiêu chí NTM của từng xã và thực lực huy động đóng góp của nhân dân trong triển khai thực hiện. Đối với xã điểm Định Hòa đến thời điểm này đạt 11/19 tiêu chí, dự kiến đầu năm 2012 hoàn thành thêm 6 tiêu chí. Đối với 2 tiêu chí còn lại là “nâng cao thu nhập” và “cơ cấu lao động”, Định Hòa đang gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện vì đây là xã nghèo thuộc chương trình 135, có đông đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, xuất phát điểm thấp…

Kiên Giang hiện đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, mời gọi các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia xây dựng NTM, nhất là kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng kết nghĩa với các xã xây dựng NTM sớm triển khai thực hiện hỗ trợ. Ngoài ra, tỉnh lồng ghép các chương trình, huy động sức mạnh từ bên ngoài trên cơ sở thông qua Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị để tìm nguồn vốn xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, hệ thống nước sạch… ở xã NTM Định Hòa; phát huy những lợi thế để xây dựng NTM, nhất là về sản xuất lúa, khai thác, nuôi trồng thủy sản và du lịch. Vốn xây dựng nông thôn mới được lồng ghép từ nhiều nguồn như: chương trình mục tiêu quốc gia, trung ương hỗ trợ đầu tư có mục tiêu, ngân sách tỉnh, xổ số kiến thiết, tín dụng, doanh nghiệp và huy động từ nội lực nhân dân đầu tư giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, cấp nước, trạm y tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

* Hậu Giang lồng ghép các chương trình, tạo nguồn đầu tư xây dựng nông thôn mới

Hiện Ban Điều phối Chương trình NTM tỉnh Hậu Giang đang kiểm tra, rà soát và làm việc cụ thể với từng địa phương, từng ngành để từng bước tháo gỡ khó khăn, lồng ghép các chương trình bằng nguồn vốn từ Trung ương, địa phương, vốn xã hội hóa và nhân dân đóng góp để có nguồn mạnh đầu tư cho các xã điểm, phấn đấu đạt đủ các tiêu chí theo yêu cầu.

Theo Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới tỉnh Hậu Giang: đến nay, trong tổng số 11 xã điểm nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh được triển khai trong giai đoạn 2011-2015, mới chỉ có 3 xã đạt được 10/19 tiêu chí (TC) về NTM. Đó là xã Tân Tiến đạt 15/19 TC, xã Vị Tân và xã Vị Thanh đạt 10 TC. 8 xã còn lại chỉ đạt được từ 4 đến 8 TC, trong đó thấp nhất là xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ chỉ đạt được 4 TC.

Nếu so với thời điểm hiện trạng đầu năm 2011, chỉ có xã Tân Tiến là thực hiện tăng thêm được 4 TC, xã Vị Thanh tăng thêm 2 TC, các xã còn lại chỉ đạt thêm 1 tiêu chí về quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Mặc dù lãnh đạo tỉnh và các sở ngành, địa phương của tỉnh Hậu Giang đã rất cố gắng triển khai xây dựng 11 xã điểm NTM và 43 xã còn lại của tỉnh đến năm 2015 nhưng do xuất phát điểm của các xã trên còn quá thấp, địa phương còn khó khăn về nguồn vốn, nhân lực điều hành, quản lý nên tiến độ triển khai xây dựng xã NTM ở Hậu Giang còn khá ì ạch, rất chậm so với tiến độ. Hiện nay, nhiều xã đang vướng phải các tiêu chí quan trọng đòi hỏi cần phải tập trung cao về nguồn vốn, nhân lực thì mới có thể hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Đó là các tiêu chí về: Giao thông (TC thứ 2), Thủy lợi (TC thứ 3), Điện (TC thứ 4), Trường học đạt chuẩn ( TC thứ 5), Cơ sở vật chất văn hóa ( TC thứ 6), Nhà ở dân cư (TC thứ 9), Hộ nghèo ( TC thứ 11), Cơ cấu lao động (TC thứ 12), Giáo dục (TC thứ 14), Y tế ( TC thứ 15)…/.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất