Thứ Hai, 30/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 8/11/2011 10:26'(GMT+7)

Chung sức xây dựng nông thôn mới: Trồng lúa đặc sản theo tiêu chuẩn Global GAP

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Từ đầu năm đến nay, HTX Mỹ Thành đã hợp đồng bán cho Công ty ADC hàng ngàn tấn lúa Global GAP với giá cao hơn thị trường 20% trong đó có 150 tấn lúa cẩm Cai Lậy – một giống lúa đặc sản mới, độc quyền HTX mới đưa vào sản xuất đại trà từ vụ hè thu sớm 2011. Lúa cẩm Cai Lậy có giá kỷ lục cao 9.920 đồng/kg. Với giá như trên, mỗi ha lúa Global GAP, nông dân lãi 30 – 35 triệu đồng sau mỗi vụ sản xuất.

Với trên 80% dân số sống nhờ vào ruộng, vườn thì trồng lúa chính là "xương sống" của kinh tế Mỹ Thành Nam . Toàn xã có trên 1.400 ha đất, mỗi năm canh tác 3 vụ lúa năng suất cao. Trước đây, trong chiến tranh, đa phần đất sản xuất đều bị bỏ hóa hoặc chỉ trồng được 1 đến 2 vụ/ năm. Nay nhận thức không có con đường làm giàu nào khác hơn dựa vào nội lực, nông dân Mỹ Thành Nam được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ nông nghiệp...tập trung làm thủy lợi nội đồng, qui hoạch lại ruộng đồng, ứng dụng tiến bộ nông nghiệp nhằm tăng mùa, chuyển vụ, tiến tới trồng lúa đặc sản theo tiêu chuẩn GAP...

“Vạn sự khởi đầu nan”, nông dân Mỹ Thành Nam kiên trì vượt khó, đổi mới cung cách làm ăn, ổn định sản xuất tiến tới làm giàu trên theo hướng “ly nông bất ly hương” với sự chung sức, chung lòng của mọi tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, các bên đối tác. Lấy việc trồng lúa theo tiêu chuẩn Global GAP là một ví dụ. Bà con phải thực hiện cùng lúc mấy trăm tiêu chí cụ thể trong quá trình sản xuất từ làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Các tiêu chí đều được kiểm tra hết sức nghiêm ngặt và thực thi trong một quá trình dài trước khi được cấp chứng nhận. Thế nhưng mọi người đều khẳng định không có Công ty ADC bao tiêu, hỗ trợ thì nông dân khó lòng đeo đuổi mục tiêu cho đến thành công rực rỡ. Hiện nay, từ lúa chất lượng cao, xã viên HTX Mỹ Thành đang chuyển hướng sang trồng lúa Cẩm Cai Lậy đặc sản Global GAP. Hợp đồng với Công ty ADC đã được ký kết bao tiêu hết năm 2012. Đây chính là minh chứng thực tiễn nhất cho lợi ích từ mối liên kết “4 nhà” và tiêu thụ nông sản hàng hóa theo hợp đồng – hướng đi mà nhà nước đang hết sức khuyến khích trong sản xuất nông nghiệp. Trồng lúa theo tiêu chí GAP, cơ giới hóa gần như toàn bộ các khâu, bảo đảm lợi nhuận không chỉ 30 – 50 triệu đồng mà hàng trăm triệu đồng/ha sau một năm miệt mài làm việc của xã viên.

Ngày mùa, đến miệt Cả Gáo qua Kênh Mười, Ngã Năm - những địa bàn nổi tiếng hứng chịu bom đạn quân thù thời chiến tranh của xã, những chiếc máy gặt đập liên hợp làm việc hết công suất. Máy chạy đến đâu lúa thu hoạch xong được tự động đóng thành bao. Khoa học kỹ thuật thâm nhập tận những vùng nông thôn xa xôi, giúp nâng chất lượng hạt gạo hàng hóa, hạn chế thất thoát và thiệt hại do thiên tai, mang lại cho nông dân nhiều lợi ích.

Tỉnh Tiền Giang có trên 80.000 ha đất canh tác, được xác định là vùng trọng điểm lúa của cả nước. Trong các chương trình kinh tế trọng điểm của địa phương, lúa gạo nằm ở vị trí đầu bảng. Từ thực tiễn Mỹ Thành Nam với nhiều bài học kinh nghiệm quí, nông nghiệp, nông thôn, nông dân Tiền Giang sẽ nhanh chóng khởi sắc và cây lúa phát huy được vai trò đối với nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao trong tương lai./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất