Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 8/3/2014 21:14'(GMT+7)

Chương trình giáo dục phải lấy sự học, người học làm gốc

Đây là 7 nguyên tắc của quá trình rèn luyện năng lực được Giáo sư Nguyễn Đức Chính, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Hội nghị do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức sáng 8/3, nhằm củng cố và hoàn thiện các luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách, pháp luật của Quốc hội về vấn đề này.

Nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo liên quan đến các quan điểm và phương thức dạy học phân hóa đối với giáo dục phổ thông, phương án tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015; chương trình chuẩn với khối kiến thức chuyên sâu của từng môn học; việc đa dạng hóa sách giáo khoa và tài liệu dạy học… đã được đề cập tại Hội nghị.

Khẳng định định hướng đổi mới chương trình và sách giáo khoa đã tập trung vào những nội dung là yếu tố cấu thành chất lượng giáo dục, đó là nội dung chương trình, phương pháp giáo dục, hình thức tổ chức giáo dục, đánh giá chất lượng giáo dục đảm bảo yêu cầu xây dựng chương trình và sách giáo khoa chuẩn hóa, hiện đại hóa, Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, tính chỉnh thể, định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học đã được quán triệt trong định hướng này. Song Đề án thiếu các phương án cụ thể như phương án phân ban ở trung học phổ thông cần được đổi mới cơ bản, định hướng cụ thể hơn trong thực hiện kế thừa và phát triển chương trình và biên soạn sách giáo khoa mới, xác định rõ phương án một hay nhiều sách giáo khoa.

Đây cũng là ý kiến của Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết-nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, bởi Đề án nêu lên hàng loạt công việc phải làm nhưng đều do một chủ thể thực hiện, không thấy sự tham gia của xã hội ngoài việc trưng cầu ý kiến các chuyên gia, các cơ sở giáo dục đào tạo. Theo Đề án, không rõ trong tương lai sẽ có một hay nhiều bộ sách giáo khoa? Nếu có nhiều bộ sách giáo khoa như yêu cầu của xã hội thì ngoài sách do Bộ Giáo dục đào tạo trực tiếp tổ chức biên soạn, những bộ sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân biên soạn sẽ được trình cho ai duyệt, thẩm định và dạy thử nghiệm vào lúc nào - Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề.

Một trong những nội dung còn gây nhiều băn khoăn trong các chuyên gia, đó là việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Dự thảo Đề án đề cập chỉ những trường đã có đủ điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục mới triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; các trường chưa đủ điều kiện phải chuẩn bị các điều kiện để được triển khai, áp dụng. Khẳng định đây là điều khó chấp nhận, Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta có một cuộc đổi mới giáo dục được tuyên bố rõ chỉ là áp dụng cho những nơi đã có đủ điều kiện, định hướng như vậy sẽ có một số cơ sở nằm ngoài công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8. Định hướng này cũng mâu thuẫn với quan điểm quản lý việc xây dựng và thực hiện chương trình đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với địa phương và đối tượng học sinh, nội dung giáo dục phải phù hợp với thời lượng dạy và học.

Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Thị Tâm Đan nhấn mạnh: Giáo viên và cơ sở vật chất là hai yếu tố cấu thành chất lượng. Để thực hiện được Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, cần thực hiện hai Đề án đổi mới công tác đào tạo giáo viên, chương trình đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên và Đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất nhà trường phục vụ triển khai sách giáo khoa mới. Đổi mới công tác đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm và chương trình đào tại lại, bồi dưỡng giáo viên phục vụ ngay cho việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới nên giao cho các trường sư phạm thực hiện theo vùng kinh tế xã - hội.

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Việc Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông xác định 8 lĩnh vực giáo dục là không hợp lý, chỉ nên gom thành 5 lĩnh vực gồm Đức – Trí – Công – Thể - Mỹ; số lượng các môn học có vẻ ít hơn trước nhưng trên thực tế không thay đổi vì một số môn được ghép vào nhau thành một môn, trong đó có những sự lắp ghép không hợp lý.

Nhìn nhận 10 năm để làm một sự thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là quá dài và khó có thể chấp nhận, Phó Giáo sư Tiến sỹ Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh đề nghị đẩy nhanh tiến độ của công cuộc đổi mới nhưng phải tiến hành một cách thận trọng. Nhà giáo này đề xuất bỏ bớt những khâu rườm rà cứng nhắc, không mang lại hiệu quả thiết thực mà chỉ kéo dài thời gian chờ đợi, không nhất thiết phải tuần tự, không phải chờ đợi sau khi ra được các văn bản mới bắt tay vào biên soạn. Không nên thay sách giáo khoa mới theo kiểu cuốn chiếu, bởi bằng cách đó phải đúng 5 năm chiếu mới cuốn xong, nảy ra rất nhiều vấn đề cần điều chỉnh, thêm bớt, nên thay sách đồng loạt ngay lập tức từ lớp 1 đến lớp 12.

Phó Giáo sư Văn Như Cương đưa ra một đề xuất táo bạo cho việc biên soạn sách giáo khoa, đó là tổ chức “trại viết sách giáo khoa”, các nhóm tác giả cùng một cuốn sách có thể trao đổi với nhau và với nhóm tác giá các cuốn khác cùng môn ở lớp dưới, lớp trên hoặc với tác giả các môn lân cận. Như vậy, sau khi chương trình các bộ môn từ lớp 1 đến lớp 12 (thử nghiệm) đã được thẩm định lần 1, chỉ cần nhiều nhất là 6 tháng để biên soạn sách giáo khoa.

Nên xây dựng một đề án tổng thể về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, trên cơ sở đó xây dựng những đề án cụ thể là ý kiến của nhiều đại biểu. Tại Hội nghị, các chuyên gia cũng đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất