Thứ Sáu, 22/11/2024
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam
Thứ Hai, 20/12/2021 16:17'(GMT+7)

Chương trình Thương hiệu quốc gia góp phần gia tăng chỉ số quyền lực mềm Việt Nam

NHẤN MẠNH VAI  TRÒ CỦA CHƯƠNG TRÌNH THQG

Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Tổ chức Brand Finance đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Chương trình THQG Việt Nam, cụ thể là quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm gia tăng giá trị và thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2020 – 2030. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng kịp thời của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cũng được Brand Finance công bố trong báo cáo Nation Brands 2020, theo đó, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhất thế giới từ mức 247 tỷ USD năm 2019 lên 319 tỷ USD năm 2020, tương ứng tăng 29% so với năm 2019. Thứ hạng của Việt Nam cũng cải thiện từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất của Brand Finance.

Đóng góp vào sự gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực thông qua việc tư vấn phát triển kinh doanh, thiết lập hệ thống thông tin và kiến thức cập nhật về thương hiệu. Công tác tuyên truyền, quảng bá cũng được chú trọng nhằm tăng cường sự nhận biết của công chúng, người tiêu dùng và khách hàng quốc tế về chương trình THQG và sản phẩm đạt THQG qua nhiều kênh truyền thông trong nước và quốc tế. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tập trung nguồn lực vào việc xây dựng và quảng bá các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam tại thị trường nước ngoài; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dựa trên uy tín chất lượng, quy trình sản xuất thân thiện môi trường và tính chuyên nghiệp; từ đó góp phần nâng tầm vị thế của các thương hiệu Việt trên thị trường thế giới. 

Với sự hỗ trợ của Chương trình THQG, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Những nỗ lực của Chương trình THQG Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng chung của kinh tế Việt Nam, danh tiếng, hình ảnh quốc gia Việt Nam và đóng góp vào quyền lực mềm của Việt Nam.

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TRONG VIỆC XÂY DỰNG, BAỎ VỆ, PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU

Hiện nay, đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, phần lớn chưa có điều kiện đầu tư nhiều cho xây dựng thương hiệu. Vì vậy, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp để tăng giá trị gia tăng, thúc đẩy xuất khẩu, cũng như tăng cường khả năng nhận biết hàng hóa, dịch vụ trên thị trường là điều vô cùng cần thiết trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước. Chương trình THQG Việt Nam được thực hiện với mục tiêu đó. Đây là Chương trình duy nhất của Chính phủ được tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, Thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Chương trình thể hiện sự bảo trợ của Nhà nước cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín kinh doanh, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.

Với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình THQG Việt Nam, trong khuôn khổ các hoạt động thuộc Chương trình, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: (1) tổ chức hoạt động truyền thông hưởng ứng ngày Thương hiệu Việt Nam 20 tháng 4; tổ chức Tuần lễ THQG Việt Nam; tổ chức xét chọn, tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia hai năm một lần; tổ chức các hoạt động quảng bá, truyền thông về Chương trình và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG tại các sự kiện ngoại giao, kinh tế, thương mại, xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch và trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước…, (2) và triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cụ thể như: hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu thị trường và đối tác kinh doanh, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn  thiết kế về sản phẩm, đào tạo nghiệp vụ marketing cũng như xây dựng và phát triển thương hiệu…, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tuấn Anh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất