Thứ Bảy, 12/10/2024
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam
Thứ Ba, 14/12/2021 10:2'(GMT+7)

Hiệu quả từ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam

Năm 2019, Thương hiệu quốc gia (THQG)Việt Nam được định giá 247 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2018 là 235 tỷ USD và xếp hạng thứ 42 trong Top 100 Thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Năm 2020, Brand Finance đánh giá cao công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, đồng thời nhấn mạnh đây là thời điểm tốt để các nước như Việt Nam tăng cường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng 29% so với năm 2019, lên 319 tỷ USD, tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 Thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Theo báo cáo mới công bố gần đây về định giá thương hiệu của Brand Finance, năm 2021, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tới kinh tế toàn cầu, nhiều nước đã không duy trì được thứ hạng của THQG như năm 2020 nhưng Việt Nam đã duy trì vị trí thứ 33/100 top giá trị THQG mạnh trên thế giới. Kết quả này đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn trong xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia của nước nhà.

Về giá trị THQG Việt Nam, năm 2021 tiếp tục tăng 21,6% so với năm 2020, từ 319 tỷ lên 388 tỷ USD. Kết quả này đi ngược với xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19.

Cũng trong Báo cáo năm 2021, Tổ chức Brand Finance đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Chương trình THQG Việt Nam, cụ thể là với việc ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg và Quyết định số 1320/QĐ-TTg của của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra được các cơ chế, chính sách thiết thực, góp phần giúp gia tăng giá trị và thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2020 – 2030. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng kịp thời của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Với sự hỗ trợ của Chương trình THQG, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam đã góp mặt trong danh sách Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam (VIETNAM 50 2021 RANKING). Tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG là 28% năm 2018, năm 2021 là 34%. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021.

Bên cạnh gia tăng về số lượng, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp THQG Việt Nam trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo đánh giá của Brand Finance cũng tăng đáng kể, từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021.

Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam đều được Brand Finance định giá và chiếm tỷ trọng cao trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Cụ thể: có 06/10 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG (gồm Viettel, Vinamilk, Agribank, Vietcombank, Mobifone, Vietinbank) thuộc nhóm 3 ngành hàng dẫn đầu (Viễn Thông, Ngân hàng, Thực phẩm), chiếm tới 68% tổng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Số liệu trên cũng cho thấy các doanh nghiệp THQG Việt Nam đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu là đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp mà tiêu biểu là giá trị thương hiệu, góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Tuấn Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất