Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.
Mục tiêu của chương trình là tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội; thực hiện
có trọng tâm, trọng điểm để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí với những kết quả cụ thể; tập trung xây
dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tăng
trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an
sinh xã hội.
Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện trên tất cả các lĩnh
vực quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó tập
trung vào một số lĩnh vực cụ thể.
Về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước,
trong năm 2018, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa-ngân sách nhà nước;
bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán
được Quốc hội thông qua. Triệt để tiết kiệm phù hợp với khả năng cân
đối nguồn lực ngay từ các khâu xác định nhiệm vụ, lập, phân bổ, giao dự
toán ngân sách năm 2018 cho các bộ, cơ quan, đơn vị.
Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có
tính chất lương, các khoản đóng góp cho người lao động theo quy định)
để tạo nguồn cải cách tiền lương, đẩy mạnh khoán chi hành chính. Giảm
tần suất và thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo,
công tác phí; phấn đấu tiết kiệm 12% so với dự toán được cấp có thẩm
quyền phê duyệt đối với các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa
đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Hạn
chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; phấn đấu tiết
kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê
duyệt; không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục
tiêu quốc gia.
Tiếp tục thực hiện cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công,
khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan
trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan
trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội của địa phương.
Tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng kinh phí của đề tài nghiên cứu
khoa học, không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có
nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi, chưa xác định được nguồn kinh
phí thực hiện. Từng bước chuyển việc bố trí kinh phí hoạt động thường
xuyên sang thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên
cứu; thực hiện khoán kinh phí theo kết quả đầu ra.
Sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ giáo dục
và đào tạo. Đầu tư ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục công lập
cần có trọng điểm, tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập và tiếp tục
kiên cố hóa trường học, nhất là đối với các cơ sở giáo dục ở các vùng có
điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng
núi, biên giới và hải đảo. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển
trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học. Triển khai có hiệu quả chế
độ học phí mới nhằm bảo đảm sự chia sẻ hợp lý giữa nhà nước, người học
và các thành phần xã hội.
Tăng cường huy động các nguồn đầu tư của xã hội cho y tế gắn với lộ
trình điều chỉnh giá, phí dịch vụ y tế; có chính sách giám sát, nâng cao
hiệu quả trong việc mua sắm trang thiết bị và thuốc, vật tư y tế; gắn
việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh với lộ trình bảo hiểm y
tế toàn dân, lộ trình cải cách tiền lương; đồng thời tăng cường kiểm
soát chi phí khám, chữa bệnh.
Thực hiện minh bạch giá dịch vụ y tế, phân định rõ phần chi từ ngân sách
nhà nước và phần chi của người sử dụng dịch vụ y tế; rà soát các chương
trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định để ưu tiên bố trí
nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả, cắt giảm
các chương trình, dự án có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả.
Phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập
Cũng về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà
nước, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp
công lập; tăng quyền tự chủ và thúc đẩy xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp
công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội
nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đảm bảo mục tiêu
đến năm 2021 phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân
10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công
lập so với giai đoạn 2011-2015.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP
ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự
nghiệp công lập và các văn bản quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự
nghiệp công lập trong các lĩnh vực cụ thể; khẩn trương hoàn thiện, ban
hành các văn bản hướng dẫn cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
trong từng lĩnh vực.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của
Nhà nước đối với giá các dịch vụ sự nghiệp công quan trọng như y tế,
giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp theo lộ trình tính đúng, tính đủ
các yếu tố chi phí, tránh tác động mạnh đến mặt bằng giá cả và lạm phát.
Ngân sách nhà nước giảm cấp chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp
công lập đối với các khoản chi đã được kết cấu vào giá dịch vụ, dành
nguồn hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách trong sử dụng dịch
vụ công, tạo nguồn cải cách tiền lương và tăng chi đầu tư, mua sắm để
nâng cao chất lượng sự nghiệp công. Đổi mới cơ chế hỗ trợ kinh phí cho
các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở kết quả đầu ra.
Tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để tinh gọn
đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu giảm
khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện cơ chế tài chính như
doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện; cổ
phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, trừ các bệnh
viện, trường học; sáp nhập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động
kém hiệu quả.
Dừng việc giao bổ sung biên chế
Trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động, quản lý chặt chẽ
số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp. Dừng việc giao bổ sung
biên chế. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số đã
được cấp có thẩm quyền giao; có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt
điểm số biên chế vượt quá số biên chế được giao. Các cơ quan, đơn vị
chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm phù hợp.
Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015;
giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước
so với số giao năm 2015. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số
cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công
chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế, đã giải quyết chế độ
nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
Thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng chuyên nghiệp,
hiện đại, giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó; điều
chỉnh dứt điểm các vấn đề còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các
cơ quan trong hệ thống tổ chức nhà nước; gắn với tinh giản biên chế
nhằm nâng cao hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức viên chức. Tiến hành
sáp nhập, giải thể đơn vị, bộ máy hoạt động không hiệu quả.
Đổi mới căn bản cách thức quản lý và thái độ làm việc của công chức nhà
nước, phục vụ đi đôi với quản lý; minh bạch hóa quản lý nhà nước, tăng
cường kỷ luật công vụ, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà
nước. Xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, có hành vi vi phạm
pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ.
Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính để góp
phần hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước
giai đoạn 2016-2020, nâng cao hiệu quả của hoạt động công vụ./.
(TTXVN)