Thứ Hai, 25/11/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 3/7/2016 14:57'(GMT+7)

Chuột cắn nát hơn 500 ha lúa ở Kiên Giang

Nhiều nông dân huyện Giang Thành phải dùng nắp vung đập để xua đuổi chuột cắn lúa trên ruộng.

Nhiều nông dân huyện Giang Thành phải dùng nắp vung đập để xua đuổi chuột cắn lúa trên ruộng.

Nhiều nơi lúa chết sạch, không còn chút hy vọng nào để thu hoạch. Đi dọc các xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Điều, Tân Khánh Hòa, nhìn những trà lúa đang trổ chưa đều đã bị chuột cắn phá, có nơi hơn 90%. Nông dân thấy chuột phá hại cũng đã dùng nhiều cách, nhưng cũng không hiệu quả.

Bà Phạm Hòa Bình, ngụ ấp Tân Khánh, xã Tân Khánh Hòa, dẫn chúng tôi ra cánh đồng có diện tích 2 ha của gia đình mà ngao ngán. Theo bà Bình, 2ha lúa trong vụ Hè Thu 2016 này xem như mất trắng hoàn toàn do chuột cắn phá. Bà cùng chồng là ông Đỗ Thanh Long đã dùng nhiều biện pháp xua đuổi chuột nhưng không ăn thua. Đến giờ, lúa sắp đến ngày thu hoạch thì cũng không còn bông nào để thu.

Cũng vì vậy, ông Long phải đi tận tỉnh Bình Dương làm thuê để có tiền trả nợ tiền phân bón, thuốc trừ sâu. Bà Bình cho biết, ngoài việc dùng bả, đào hang bắt, vợ chồng bà phải dùng nắp vung đánh động để xua đuổi nhưng cũng không đuổi được. Với vốn đầu tư cho vụ Hè Thu này gần 30 triệu đồng coi như mất trắng.

Còn ông Danh Thị, ở phía đối diện bên con sông nhà bà Bình cũng cùng chung nỗi bức xúc vì chuột. Theo ông Thị, ở đây thấy chuột cắn phá nhiều quá, nhiều người đã dùng đủ mọi cách để xua đuổi, bắt nhưng không xuể, nên tối đến đem nhang ra ruộng khấn vái “ông tí” để nông dân làm ăn rồi cuối vụ thu hoạch sẽ “tạ ơn”. Với 2 ha gieo sạ của gia đình ông Thị, các “ông tí” đã gặm gần như không còn gì để thu hoạch.

Với ông Nguyễn Văn Mỹ, cũng là người hàng xóm với ông Thị cho biết, mấy năm trước cũng có chuột cắn phá nhưng không nhiều như năm nay. Gia đình ông không dám sử dụng xung điện hay bẫy điện để diệt chuột vì rất nguy hiểm đến tính mạng. Cũng vì vậy giờ 2 ha lúa cũng đã bị chuột cắn phá hơn một nửa.

Vụ Hè Thu năm nay, gia đình ông Danh Cư, ngụ ấp Tràm Trổi, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành sản xuất 3 ha, nhưng mới được 15 ngày tuổi chuột bắt đầu cắn phá, mặc dù gia đình cũng dùng mọi cách để bắt nhưng đến nay thì đã hư hại hoàn toàn, nên phải cày phá bỏ để sạ lại, thiệt hại gần 30 triệu đồng. Ông Danh Cư, thuật lại: “Tối xuống, gia đình tôi đem đèn ra để xua đuổi, nhưng chuột bò như bầy gà con không thể nào bắt hết được. Theo đó, gia đình tôi thuê người ta đến bắt bằng cách xiệc điện. Ngay đêm đầu bắt bán được 4 triệu đồng tiền chuột, đêm thứ hai được 2 triệu đồng và vài đêm sau nữa tổng cộng bắt chuột bán được hơn 10 triệu đồng. Riêng tôi và các con bắt được gần 300 kg chuột”.

Do chuột hoành hành quá nhiều, có người đã bỏ mặc, nhưng có người cũng tiếc của mà làm liều bằng cách dùng sung điện để bẫy.

Ông Danh Sal, Trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Giang Thành cho biết, diện tích gieo sạ lúa Hè Thu sớm trên địa bàn huyện năm 2016 là 15.800 ha, còn diện tích gieo sạ Hè Thu chính vụ là 20.970 ha. Toàn huyện có 3.323 ha lúa bị các loại dịch hại tấn công, trong đó đáng kể nhất là chuột cắn phá gây hại là 520 ha.

Theo ông Danh Sal, sở dĩ năm nay số diện tích thiệt hại do chuột cắn phá nhiều là do người dân không tuân thủ theo lịch thời vụ. Người sạ trước, sạ sau nên khi diện tích trước gieo sạ thu hoạch xong thì chuột sẽ cắn phá diện tích những người gieo sạ sau. Vì vậy, bà con nên tuân thủ đúng lịch thời vụ của ngành khuyến cáo. Trước khi xuống giống, bà con cần diệt trước, như đào thủ công, đặt gập hay thuốc hóa học (bả chuột) và thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện chuột phá hại thì có biện pháp phòng trừ ngay từ đầu vụ.

Nhiều bà con huyện vùng biên giới Giang Thành đang rất khó khăn khi dịch chuột hoành hành, mà chưa có cách diệt triệt để. Rất mong các ngành chuyên môn có biện pháp hữu hiệu giúp cho người dân không trắng tay.

Lê Sen (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất