Thứ Sáu, 22/11/2024
Dân số và phát triển
Thứ Bảy, 1/12/2018 10:32'(GMT+7)

Chuyện buồn vui của CTV Dân số

Ông Phan Phụng Trung-Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hòa Vang chia sẽ Công tác Dân số ở địa phương với đoàn báo chí Tổng cục DS-KHHGĐ.

Ông Phan Phụng Trung-Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hòa Vang chia sẽ Công tác Dân số ở địa phương với đoàn báo chí Tổng cục DS-KHHGĐ.

Những con người thầm lặng

Hòa Vang là một huyện có tỉ lệ sinh con thứ 3 cao nhất Đà Nẵng nên công tác tuyên truyền vận động luôn được quan tâm, chú trọng. Trải qua gần 20 năm làm CTV dân số tại xã Hòa Tiến, chị Đặng Thị Diễm Kiều vẫn luôn nhiệt huyết và hăng hái với công việc này. Với tiêu chí “mưa dầm thấm lâu” chị cùng các CTV từng giờ, từng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” không bỏ sót một trường hợp nào. Những ngày đầu làm công tác dân số chị gặp không ít khó khăn khi mà tư tưởng con đàn cháu đống để vui nhà vui cửa đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân. Những cặp vợ chồng sinh con một bề thì đều mong muốn có đủ nếp đủ tẻ để phần nào bớt áp lực từ gia đình có con trai nối dõi tông đường thờ phụng cha mẹ. Không ngại khó, chị tìm nhiều cách, vận dụng các kỹ năng kiến thức được tập huấn từ vận động tuyên truyền đến mềm mỏng tâm sự, chia sẻ cho các cặp vợ chồng. Chị Kiều còn vui vẻ: “Nguồn thu nhập chính của tôi từ công việc bán cá ở chợ, ngày nào cũng gặp mặt người dân trong xã, hễ có chính sách gì mới tôi đều vừa bán vừa tuyên truyền luôn”. 

Với thâm niên làm công tác dân số cũng nghót ngét 10 năm hầu như gia đình nào cũng quá quen thuộc với công việc của chị Ngô Thị Nga (chuyên trách dân số - KHHGĐ xã Hòa Tiến). Những câu chuyện dở khóc dở cười của chị khi đi làm công tác dân số nơi đây luôn khiến chị trăn trở. Hòa Vang vốn là huyện chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng lại không áp dụng các biện pháp tránh thai dẫn đến sinh nhiều và sinh sát nhau. “Có những nhà đi lần một chưa thông thì lần 2 lần 3 tiếp tục động viên, tư vấn đến khi nào gia đình họ nhận thức được việc hạn chế sinh con thứ 3 để việc nuôi dạy và chăm sóc tốt hơn, kinh tế sẽ ổn định hơn thì tôi mới yên lòng”. Đặc biệt hơn, xã Hòa Tiến còn cho ra đời mô hình sân khấu hóa trong công tác dân số khiến người dân ai nấy đều hứng thú. Bỏ qua hình thức tuyên truyền bằng văn bản nhàm chán, những câu chuyện cuộc sống gia đình gắn liền với các nghị định, chính sách được lồng ghép vào các bài dân ca, bài vè đậm chất dân gian được thể hiện qua các giọng ca không chuyên nhưng đầy mượt mà của các anh, chị CTV dân số khiến các buổi họp thôn thêm sinh động.

CTV dân số xã Hòa Tiến tập văn nghệ dưới hình thức lồng ghép các chính sách vào bài hát dân gian.

Công việc thì nhiều nhưng phụ cấp mỗi CTV không đáng bao nhiêu, vậy mà không một ai nản lòng. Từ những ngày phụ cấp chỉ 40.000 đồng/ tháng đến thời điểm này phụ cấp được 360.000/đồng nhưng các anh chị CTV dân số vẫn đam mê với công việc này. Chị Ngô Thi Nga chia sẻ: “Chúng tôi làm vì mong muốn đóng góp chút công sức vào việc xây dựng an sinh xã hội nước nhà. Đa số các CTV dân số đều tự nguyện làm, những buổi tập dợt văn nghệ ngày đêm đều là tinh thần tự nguyện của các chị em. khó khăn đến mấy nhưng khi đam mê, thấy được những gia đình họ ý thức được KHHGĐ chúng tôi lại càng yêu thêm công việc này hơn”.

Cán bộ cần mẫn dân thêm hạnh phúc

Công tác dân số là công việc không đơn giản, không chỉ ngày một ngày hai mà có thể tác động vào ý thức của  người dân. Trong những buổi sinh hoạt thôn, sinh hoạt hội phụ nữ cán bộ dân số luôn đẩy mạnh tuyên truyền, chia sẻ, gần gũi với các chị em cũng nhờ thế mà có vài trường hợp đã biết cách phòng tránh thai an toàn và đúng cách. Điển hình gia đình chị Đặng Thị Thanh Tích (thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, Hòa Vang), bản thân chị bị tật ở chân từ nhỏ, vốn sức khỏe yếu nhưng lại sinh mổ 3 người con. Khi có đủ nếp đủ tẻ chị cũng đã tìm đến các biện pháp tránh thai như đặt vòng, uống thuốc nhưng đều thất bại. Tham gia các buổi tư vấn ở thôn, ở xã chị quyết định triệt sản nhưng bất ngờ hơn với sự động viên nhiệt tình của cán bộ CTV dân số và hơn hết là sự yêu thương đối với vợ mà chồng chị Tích đã thay chị thực hiện nhiệm vụ cao cả này. “Từ ngày anh nhà được các anh chị cán bộ dân số tư vấn đến nay cũng đã được 8 năm. Chuyện vợ chồng chúng tôi đều bình thường, nếu như chồng tôi không hy sinh thay tôi triệt sản thì bây giờ nhà tôi cũng có cả chục đứa con, lúc ấy có khi không đủ ăn chứ chưa nói đến chuyện cho con cái có điều kiện đi học”, chị Tích tâm sự.

Gia đình chị Đặng Thị Thanh Tích đã nhận thức được việc KHHGĐ để ổn định cuộc sống.

Anh Nguyễn Ngọc Lân (chuyên trách dân số xã Hòa Phong) là người xuyên suốt công việc này hơn chục năm nay và nắm sát sao tình hình của từng nhà, anh vui mừng: “Trong năm 2018 này, xã đã có 4 ca triệt sản tự nguyện thành công, người dân dần ý thức được ích lợi của việc KHHGĐ để nâng cao chất lượng đời sống”.

Theo thống kê, toàn huyện có 332 CTV dân số, tương ứng 110 hộ/ 1 CTV. Cùng với đội ngũ CTV từng xã, trong năm qua huyện đã tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm phát động các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3 ước tính đến cuối tháng 10 năm 2018 ở các xã đã giảm 0,69% so với kế hoạch thành phố và huyện giao. Đặc biệt, tỷ lệ giới tính giữa bé trai và bé gái không có sự chênh lệch và không có tình trạng can thiệp lựa chọn giới tính. Ông Phan Phụng Trung (Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hòa Vang) cho biết: “Huyện luôn đề cao, đẩy mạnh công tác truyền thông đến người dân thông qua các mô hình CLB được hình thành ở thôn, ở xã với lực lượng chuyên trách nòng cốt là các anh chị CTV hướng đến các đối tượng thanh niên trong giai đoạn tiền hôn nhân để các bạn nắm bắt kiến thức sức khỏe sinh sản phù hợp và đúng cách”.

Có thể thấy, những CTV dân số đang nỗ lực hằng ngày trong công tác DS - KHHGĐ dù rằng công việc đó rất gian nan, vất vả và thù lao thì hầu như không đáng kể. Song vì trách nhiệm và tình yêu công việc giúp họ vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ, vun đắp thêm hạnh phúc, ấm no cho mỗi gia đình ở địa phương.

Diệu Huyền

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất