Dù chưa chính thức nhận lời mời của VPF nhưng qua cách trả lời phỏng vấn với giới truyền thông hôm qua, không có gì ngạc nhiên nếu ông thầy người Nhật này nhận nhiệm vụ trên dải đất hình chữ S trong những ngày tới đây.
Mới chỉ theo dõi 2 trận đấu giao hữu, nhưng ông Tanabe đã tỏ ra rất lạc quan với tiềm năng của bóng đá Việt Nam: "Đất nước này rất năng động, người dân lại yêu thích bóng đá nên tôi sẽ đến đây để chung tay góp phần vào sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Tôi muốn thử sức mình trong môi trường mới, nhiều thử thách hơn. Tôi không hề mạo hiểm mà tôi đặt cược cho tương lai của mình khi làm việc ở đây vì sự cuồng nhiệt của người dân Việt Nam khi xem bóng đá. Những cầu thủ trẻ ở PVF làm tôi thấy bất ngờ và trình độ họ thậm chí còn cao hơn các cầu thủ U16 Thái Lan mà tôi đã xem năm ngoái".
Ông Tanabe đã có kinh nghiệm hơn 20 năm làm ở giải nhà nghề Nhật Bản và có công biến giải đấu này thành một trong những giải đấu đẳng cấp hàng đầu châu lục. Ông chia sẻ những kinh nghiệm của mình để điều hành một nền bóng đá thành công: "Người điều hành phải có tâm huyết, dám hy sinh lợi ích của mình cho bóng đá thì mới mong nền bóng đá đó phát triển".
Ông Tanabe dẫn chứng nền bóng đá Nhật Bản đi từ con số 0 nhưng giờ thì đều đặn dự World Cup là nhờ những con người như thế. Và ông dẫn chứng thêm trường hợp của Trung Quốc, quốc gia có đông dân số nhất thế giới nhưng lại không có một ĐTQG mạnh.
Ngoài ra, để có một CLB bền vững thì phải có 4 đến 5 nhà tài trợ cùng chung tay hợp lực với đội bóng đó. Thực chất, đây là vấn đề không mới với các nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn có ít CLB có hơn 2 nhà tài trợ như Thanh Hoá hiện tại. Lý do là bởi theo ông Tanabe, một đội bóng có nhiều nhà tài trợ thì kinh phí sẽ được san sẻ hơn rất nhiều so với đội bóng của một doanh nghiệp, vì nếu doanh nghiệp này đuối sức thì vẫn có những công ty khác đủ sức gánh nổi CLB. Đội bóng phải mang tên địa phương để là niềm tự hào của địa phương đó. Các cầu thủ phải chiến đấu trung thực để khán giả đến sân đông hơn. Nhà tài trợ vì thế cũng không tiếc tay đầu tư.
Ông Tanabe chia sẻ rất nóng lòng làm việc ở môi trường bóng đá Việt Nam. Dù hợp đồng chưa ký kết nhưng chuyên gia người Nhật tự tin "phấn đấu trong 3 năm ở Việt Nam sẽ nói được tiếng Việt. Tôi không quan trọng tiền nong mà tôi muốn nhìn thấy bóng đá Việt Nam sẽ phát triển trong 5 năm tới".
Theo Thể thao & Văn hóa