Thứ Hai, 16/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 4/10/2013 13:6'(GMT+7)

Chuyên gia Nga đánh giá cao vị thế của Việt Nam

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Phóng viên TTXVN tại Moskva ngày 3/10 dẫn bài viết của nhà báo Nga Pavel Vinogradov đăng trên tạp chí "Thế giới đa cực" (Nga), trong đó đánh giá cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Bài báo nêu rõ phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc là diễn đàn quan trọng, với sự tham gia của lãnh đạo 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các bài tham luận đã cho thấy thế giới và nhân loại quan tâm sâu sắc thế nào đến những vấn đề nóng hổi hiện nay, nhất là vấn đề chiến tranh và hòa bình, an ninh quốc tế, đấu tranh chống đói nghèo và tương lai phát triển sau năm 2015.

Một trong những phát biểu gây được sự quan tâm lớn của dư luận và các nhà phân tích quốc tế là tham luận của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, trong đó ông nêu rất rõ ràng rằng vấn đề phức tạp hiện nay là nhân loại cần một thế giới hòa bình, không chiến tranh và đói nghèo.
 
Trong khuôn khổ một bài phát biểu tương đối ngắn, Thủ tướng Việt Nam đã đưa ra bức tranh toàn cảnh các vấn đề và nhiệm vụ nhân loại cần giải quyết để đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do Liên hợp quốc thông qua cách đây 13 năm. Bằng cách đặt câu hỏi tu từ "thế giới cần làm gì sau năm 2015?", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giới thiệu kinh nghiệm phát triển của Việt Nam, từ một quốc gia lạc hậu và bị chiến tranh tàn phá, đã nhanh chóng củng cố vị thế và có mặt trong hàng ngũ các nước có tốc độ phát triển kinh tế năng động nhất thế giới.

Có thể nói các thành tựu của Việt Nam sẽ có ý nghĩa hơn nữa nếu trên thế giới nói chung và tại khu vực Đông Nam Á nói riêng, lòng tin lẫn nhau được củng cố và trở thành chuẩn mực của đời sống quốc tế thường nhật. Vấn đề này đã được Thủ tướng Việt Nam đề cập bằng thuật ngữ củng cố "niềm tin chiến lược."

Chủ đề Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra cũng là một vấn đề thảo luận trọng tâm của khóa họp lần thứ 68 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Kế hoạch phát triển thế giới sau năm 2015 đòi hỏi không chỉ sự thảo luận chung, mà còn sự hoàn thiện ở cấp hiệp thương liên chính phủ. Nhiều chuyên gia nhất trí cho rằng một số vấn đề nêu ra tại kỳ họp năm nay cần tiếp tục thảo luận tại kỳ họp lần thứ 69 vào năm tới.

Bài báo nhấn mạnh uy tín của Việt Nam với tư cách nhân tố lớn trong nền chính trị thế giới là điều ít ai còn nghi ngờ. Thế giới đã tiếp nhận tiếng nói của Việt Nam ngang hàng với các quốc gia có ảnh hưởng khác trên thế giới. Vị thế này có được là nhờ Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội và vươn lên vị trí danh dự trong số các quốc gia đang phát triển.

Điều đáng ghi nhận là Việt Nam mới chỉ gia nhập Liên hợp quốc được vừa tròn 36 năm, sau khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc chiến chống xâm lược, song đã có những đóng góp đáng kể trong việc củng cố vị thế và mở rộng vai trò trung tâm của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này. Là một trong 8 quốc gia tình nguyện áp dụng chương trình thử nghiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành tấm gương thực hiện sáng kiến "chung tay hành động" và đạt được kết quả tích cực nhất trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.

Với vai trò đối tác tin cậy trong hội nhập quốc tế và gìn giữ trật tự thế giới, Việt Nam đã đảm nhiệm tốt nhiệm vụ ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc niệm kỳ 2008-2009, phối hợp hành động hiệu quả với các quốc gia thuộc phong trào không liên kết và các quốc gia đang phát triển nhằm bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc như bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không áp dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực...

Sự hợp tác của Việt nam với Liên hợp quốc cũng trở thành tấm gương tiêu biểu phối hợp hành động trong phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, nhân văn... Con đường 36 năm Việt Nam đã đi qua là những kinh nghiệm độc đáo và quý báu cho nhiều quốc gia học tập.

Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong việc cải tổ Liên hợp quốc, cải tổ Hội đồng bảo an và các cấu trúc quốc tế khác trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc nhằm củng cố quyền đại diện, dân chủ và phân chia quyền đai diện theo khu vực địa lý một cách công bằng. Các quốc gia đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Việt Nam đã hoàn thành đến 90% các nghĩa vụ đảm nhận, trong đó có những nhiệm vụ đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu như giảm nghèo, phát triển giáo dục và y tế và là một trong 37 quốc gia được Liên hợp quốc biểu dương về những thành tựu chống đói nghèo, phát triển nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực.

Thêm một bằng chứng nữa chứng tỏ uy tín cao của Việt nam trên trường quốc tế là việc Việt Nam được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đề nghị là ứng cử viên đại diện uy nhất tại Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Đây là một cơ quan hỗ trợ cho hoạt động của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Việc Việt Nam thực hiện tốt vai trò này sẽ góp phần củng cố vị thế và tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của Việt Nam tại khu vực châu Á-Thái bình dương nói riêng và trên trường quốc tế nói chung./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất