Thực tế này đòi hỏi phải thay đổi
trọng tâm chính sách dân số nhằm giải quyết vướng mắc và nắm bắt cơ hội
phát triển trong tình hình mới.
Theo
ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa
gia đình (DS - KHHGĐ), Bộ Y tế, thời gian qua, thành tựu giảm sinh của
nước ta duy trì vững chắc là do trong một thời gian dài, người dân được
tuyên truyền, nhận thấy lợi ích thực tế của mô hình gia đình nhỏ.
Hệ
thống dịch vụ KHHGĐ cũng cơ bản phủ kín nhu cầu của nhân dân và đang
được thị trường hóa. Bên cạnh đó, từ năm 2015 trở đi, đại đa số phụ nữ
bước vào độ tuổi sinh đẻ là thế hệ mới (sinh năm 1985 trở lại đây). Đó
là thế hệ được giáo dục nói chung và giáo dục về DS - KHHGĐ nói riêng
khá tốt. Ngoài ra, sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, quá trình đô
thị hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam cũng tạo điều
kiện thuận lợi và hỗ trợ mạnh mẽ xu hướng giảm sinh.
Tuy nhiên, theo ông Lê Cảnh Nhạc, so
với thời điểm hoạch định chính sách DS - KHHGĐ (năm 1961), dân số nước
ta đã xuất hiện những đặc điểm và xu hướng mới, khác biệt chưa từng thấy
và chắc chắn sẽ tác động lớn đến sự phát triển bền vững của Việt Nam ở
cả mặt tích cực và tiêu cực.
Cụ
thể, theo dự báo, dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhưng chậm lại và
đạt 100 triệu dân vào năm 2025. Dân số đông là một thị trường lớn, hấp
dẫn đầu tư nhưng cũng là thách thức về an ninh lương thực, năng lượng...
Bên cạnh đó, từ năm 2006, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu dân số
“vàng”, với khoảng 2/3 dân số trong độ tuổi lao động. Cơ cấu vàng mang
lại nhiều dư lợi về lao động nhưng cũng là thách thức về tạo việc làm có
năng suất, thu nhập cao.
Không
chỉ vậy, Việt Nam cũng đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm
2012, khi tỷ lệ những người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% tổng dân số và sẽ
trở thành nước có “dân số già” vào khoảng năm 2032, khi tỷ lệ này chạm
“ngưỡng” 20%. Điều đáng chú ý, quá trình già hóa của nước ta diễn ra chỉ
trong khoảng 20 năm (2012 - 2032) đã đạt đến ngưỡng “dân số già”, hay
nói cách khác “già trước khi giàu”. Những đặc điểm này làm trầm trọng
thêm những thách thức về an sinh xã hội cho người cao tuổi trong quá
trình phát triển.
Tình
trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng tăng và ở mức nghiêm
trọng cũng là một thách thức đặt ra đối với dân số Việt Nam, dẫn đến sự
phát triển không bền vững về mặt xã hội. Theo Tổng điều tra dân số và
nhà ở năm 2009, tỷ số này là 110,6 bé trai/100 bé gái. Năm 2014 đã tăng
lên 112,2; riêng đồng bằng sông Hồng lên tới 118 bé trai/100 bé gái. Bên
cạnh đó, chất lượng dân số đã tăng lên nhưng chưa cao. Năm 1992, chỉ số
phát triển con người của Việt Nam là 0,486, xếp thứ 120/174 nước, đến
năm 2014, chỉ số này mới tăng lên 0,666, xếp thứ 116/188 nước được so
sánh.
Thực
tế trên cho thấy, trước những vấn đề dân số mới phát sinh, cần ban hành
chính sách dân số mới để giải quyết vướng mắc phát sinh, đồng thời nắm
bắt cơ hội, góp phần tạo sự phát triển bền vững cho đất nước.
6 nội dung của chính sách mới
Ngày
4/1/2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Kết luận số
119-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS - KHHGĐ. Trong
đó, Ban Bí thư đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về dân số, cần “chuyển trọng tâm
chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”.
Việc chuyển trọng tâm này nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số,
với các nội dung cụ thể như: Duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất
cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với
già hóa dân số, điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng
dân số.
“Thời
gian tới, chính sách dân số sẽ chuyển trọng tâm từ DS - KHHGĐ sang dân
số và phát triển. Cũng xuất phát từ chủ trương trên, Bộ Y tế đã đề xuất
đổi tên Tổng cục DS - KHHGĐ thành Tổng cục Dân số”, ông Lê Cảnh Nhạc cho
biết.
Như
vậy, nếu trước đây, chính sách dân số chỉ tập trung vào một nội dung là
KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới với 6 nội
dung, sẽ có phạm vi rộng lớn hơn. Tuy nhiên, việc chuyển trọng tâm này
không có nghĩa là từ bỏ KHHGĐ mà sẽ thực hiện nhiệm vụ này theo phương
thức mới.
Ông
Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội,
Trường Đại học Kinh tế quốc dân, khuyến nghị, để thực hiện chủ trương
trên, các cấp ủy, chính quyền các cấp cũng cần đưa các mục tiêu, chỉ
tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết, chiến lược, chương trình
phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tập trung triển khai đồng bộ
các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh
thần; duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý…
Việt Hà/Báo tin tức