Thứ Sáu, 4/1/2013 22:40'(GMT+7)
Chuyến tàu mang hơi ấm đất liền ra đảo Trường Sa
Những ngày này, các tàu HQ 996, HQ 561, HQ 571 đang vượt trùng khơi đến với các đảo của quần đảo Trường Sa mang những mặt hàng thiết yếu và mang hơi ấm, tình cảm từ đất liền đến với những cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Chở mùa Xuân ra Trường Sa
Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Đại tá Nguyễn Đức Vượng cho biết: Mỗi dịp Tết đến Xuân về, quân, dân cả nước đều hướng về Trường Sa thân yêu với tất cả sự quan tâm, yêu mến. Đó là nguồn động viên to lớn giúp cán bộ, chiến sỹ Trường Sa vượt qua khó khăn, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Đức Vượng cũng cho biết: Trường Sa là điểm cực Đông của Tổ quốc nên thường đón Xuân sớm. Hơn một tháng nữa mới đến ngày Tết Nguyên đán của dân tộc, nhưng những chuyến tàu ra đảo lần này sẽ mang mùa Xuân đến sớm với quân và dân Trường Sa. Tất cả lương thực thực phẩm đã được chuẩn bị chu đáo và đầy đủ để chuyển đến Trường Sa. Đặc biệt, năm nay mức chi cho cán bộ, chiến sỹ ăn Tết trên đảo cao hơn năm trước. Các mặt hàng mang ra Trường Sa lần này đủ hương vị khắp mọi miền Tổ quốc, từ gạo nếp, miến dong, tiêu… của miền Bắc; hành tỏi, măng khô, rau xanh… của miền Trung; bia Tiger, mai nhựa… của miền Nam. Tất cả góp thêm vào đời sống vật chất để quân, dân Trường Sa đón Tết Nguyên đán vui tươi, hạnh phúc.
Đặc biệt, một “đặc sản tinh thần” không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến Xuân về của lính đảo Trường Sa là những cánh thư từ hậu phương. Hiện nay, tuy thông tin liên lạc bằng điện thoại di động rất thuận tiện giữa đất liền với đảo xa, nhưng thành thông lệ, những cánh thư từ hậu phương vẫn là niềm mong chờ, nguồn động viên vô bờ bến của lính đảo Trường Sa. Vì thế trên những con tàu ra đảo lần này vẫn đầy ắp những phong thư của người thân cán bộ, chiến sỹ Trường Sa.
Chúc sức khỏe các cán bộ, chiến sỹ ra Trường Sa công tác lần này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Trần Sơn Hải nhấn mạnh: Chuyến đi lần này của đoàn thêm một lần nữa thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải Quân và nhân dân cả nước đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc nói chung, đối với sự trưởng thành lớn mạnh của quân, dân huyện Trường Sa nói riêng. Những tình cảm này còn thực sự là nguồn cổ vũ động viên lớn lao để quân, dân huyện Trường Sa vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết một lòng, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.
Phút chia tay đầy lưu luyến
Bất kỳ chuyến tàu ra Trường Sa trong đợt Tết này, trước giờ nhổ neo rời bến, trên quân cảng Cam Ranh đều đông người. Họ là cán bộ, chỉ huy đơn vị, người thân, bạn bè đến chia tay, động viên các chiến sỹ ra đảo thay phiên thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Gương mặt lính đảo và người thân trong giây phút chia tay đều bùi ngùi, xúc động. Những lời chúc thắm tình, cái bắt tay thân mật, ôm hôn ngọt ngào yêu thương. Tất cả hòa lẫn vào tiếng máy, tiếng gió, tiếng sóng biển nghe âm vang.
Tận mắt chứng kiến phút giây bùi ngùi, lưu luyến ấy, chúng tôi vô cùng cảm động. Ngồi bên mép đường quân cảng Cam Ranh, chị Trần Thị Loan (quê ở tỉnh Ninh Bình) ôm cậu con trai Bùi Minh Đức mới 5 tuổi vào lòng, hai mắt cứ rưng rưng giọt lê. Hai mẹ con chị chia tay chồng, cha là Trung úy Bùi Hữu Nam (quê ở Nghệ An) chuẩn bị ra đảo Nam Yết công tác trong dịp Tết này. Còn anh Nam cố nấn ná bên vợ và con trai thêm vài giây phút cuối trước lúc lên tàu ra đảo. Đã hai lần tiễn chồng đi đảo, vậy mà nước mắt chị Loan vẫn trào ra.
Chị Ngô Thị Kim Mỹ (quê ở Khánh Hòa), vợ của Thiếu tá Đoàn Bá Sáng (quê ở Hải Dương) – ra đảo Nam Yết làm Trợ lý Phòng không, trông bản lĩnh hơn. Đứng nép bên chồng, chị Mỹ tâm sự: Anh ấy đi xa, chị và các con ở nhà sẽ rất nhớ và vất vả hơn bởi thiếu đi bàn tay chăm sóc của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Nhưng vì nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chị gánh vác công việc gia đình, nuôi dạy con cái ăn học và chờ ngày hết nhiệm kỳ công tác, anh lại về sum họp với gia đình. Nghe chị Mỹ nói vậy, anh Kháng ôm cô con gái út 6 tuổi vào lòng, rồi âu yếm dặn dò vợ: Em ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe và bảo ban các con phấn đấu học tập tốt, ngoan ngoãn.
Cũng ra đảo Trường Sa lớn làm nhiệm vụ lần này, tân binh trẻ Nguyễn Khắc Điệp (20 tuổi, quê ở Bình Thuận) tâm sự: Là một công dân Việt Nam, lại là thanh niên trai tráng nên em muốn đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình vào việc giữ gìn biển, đảo của quê hương.
Nhìn những cơn sóng dữ đập, xé vào thành tàu tung bọt trắng xóa, mang theo vị đậm đà mặn mòi đặc trưng của biển cả, dù không nói ra, nhưng dường như tất cả những người ra Trường Sa lần này đều có một ước mong duy nhất: sóng yên biển lặng, tàu sẽ cập bến đúng lịch trình để mang đến cho bộ đội ở đảo nhiều món quà với tất cả tấm lòng./.
(TTXVN)