Thứ Ba, 26/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 2/1/2013 20:55'(GMT+7)

Cử tri góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Việc triển khai đợt lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm thể hiện rõ việc phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân…trong việc sửa đổi Hiến pháp. Đây là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý quan trọng, rộng lớn trong nhân dân và cả hệ thống chính trị.

Phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của cử tri về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nhiều cử tri Đắk Lắk đã thống nhất cao về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, bao gồm lời nói đầu, chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, bộ máy Nhà nước, hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp, kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới.

Theo luật sư Tạ Quang Tòng, Trưởng Văn phòng Luật THT thành phố Buôn Ma Thuột cho rằng, Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả các quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp. Cụ thể, Hiến pháp của Việt Nam qua các thời kỳ như Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và sửa đổi bổ sung năm 2001 đều được lấy ý kiến của nhân dân. Do vậy, lần này, theo luật sư Tạ Quang Tòng cũng cần quy định rõ Hiến pháp là của toàn dân và dân có quyền phúc quyết Hiến pháp, sửa đổi hay không sửa đổi Hiếp pháp.

Trong chương II về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cử tri đề nghị Hiến pháp cũng cẫn ghi rõ mọi công dân đủ 18 tuổi đều được đi bầu cử trực tiếp, người đủ 21 tuổi được ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp.

Trong Hiến pháp cũng cần ghi rõ hơn nữa việc nâng cao trách nhiệm dân chủ đại diện như đòi hỏi các cơ quan, công chức Nhà nước phải làm tốt trách nhiệm đại diện của dân, nâng cao hiệu quả các cuộc tiếp xúc cử tri, công khai, dân chủ trong việc trưng cầu ý dân, mở rộng việc đối thoại trực tiếp giữa cơ quan Nhà nước với người dân để tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Cử tri Nguyễn Bá Anh (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk) cũng kiến nghị, cần làm rõ hơn việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa để bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như cần quy định thật cụ thể về quyền đảm bảo nơi ở, đất ở, đất sản xuất của công dân.

Trong Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, Điều 53 (sửa đổi, bổ sung Điều 15, Điều 43) kiến nghị bổ sung là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng, xã hội văn minh và bảo vệ môi trường...

Cử tri Nguyễn Văn Tý, cán bộ hưu trí ở tổ 32, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang nhận xét ngày 2/1 là ngày toàn dân bắt đầu tham gia đóng góp ý kiến cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo ông, đây là sự kiện cực kỳ quan trọng, sẽ tạo ra một khí thế mới, đồng thời phát huy được tinh thần dân chủ và huy động được trí tuệ của nhân dân trong xây dựng Hiến pháp.

Cũng theo cử tri Tý, việc sửa đổi Hiến pháp không chỉ là sự kiện chính trị quan trọng mà còn tạo lòng tin và tạo động lực trong nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.

Theo cử tri Hoàng Văn Đương, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, sau khi bản dự thảo dự thảo sửa đổi Hiến pháp được đăng tải trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng để lấy ý kiến đóng góp, ông cũng như đồng bào các dân tộc trong xã rất mừng, bởi được trực tiếp tham gia đóng ý kiến, giúp cho bản dự thảo hoàn chỉnh hơn…

Ông Đương cũng rất đồng tình với thời gian 3 tháng để lấy kiến các tầng lớp nhân dân góp ý cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, qua đó, sẽ phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tuy nhiên, ông Đương mong rằng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên nghiên cứu để làm sao cho Hiến pháp ngắn gọn, dễ hiểu, làm cho mọi người dân có thể nắm và thực hiện theo Hiến pháp./.

(TTXVN)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất