Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 8/8/2023 9:1'(GMT+7)

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội tạo bước đột phá cho quan hệ Việt Nam - Iran

Đại sứ Lương Quốc Huy phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Iran.

Đại sứ Lương Quốc Huy phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Iran.

Đại sứ đánh giá thế nào về ý nghĩa chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Iran, đặc biệt vào thời điểm Việt Nam và Iran kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam có chuyến thăm chính thức Iran từ 8-10/8/2023. Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hai nước đang long trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (4/8/1973 - 4/8/2023), là dịp điểm lại những thành tựu trong 50 năm qua, trao đổi các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, định hướng phát triển cho những năm tiếp theo, tạo bước đột phá cho quan hệ song phương. Chuyến thăm nhằm đáp lại chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Ardeshir Larijani năm 2018, tiếp nối truyền thống tiếp xúc, giao lưu, trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước, hai quốc hội, thể hiện sự coi trọng của hai nước trong phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Qua chuyến thăm lần này, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ thể hiện coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Iran.

Xin Đại sứ cho biết các hoạt động cũng như nội dung làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm Iran. Việt Nam và Iran dự kiến sẽ ký những thỏa thuận nào nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ?

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Qalibaf; tham dự và phát biểu tại Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Iran; phát biểu chính sách tại Viện Nghiên cứu Chính trị và Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Iran; dự khai mạc Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Iran kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước; tiếp một số quan chức cấp cao của Iran, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Iran - Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Iran - Việt Nam…; tham quan một số cơ sở sản xuất, kinh tế, khoa học công nghệ tại Tehran và Isfahan.

Trong chuyến thăm Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hai Quốc hội Việt Nam và Iran dự kiến ký kết thỏa thuận hợp tác song phương nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp. Bên cạnh đó, nhiều thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan trong các lĩnh vực tư pháp, kinh tế, thương mại, nông nghiệp, thể thao và một số thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng được ký kết trong dịp này.

Thưa Đại sứ, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Iran ngày càng được củng cố và phát triển. Đại sứ đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Iran trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, kể cả về ngoại giao nghị viện trong thời gian tới. Hai nước cần thúc đẩy các cơ chế hợp tác cụ thể nào để có thể đẩy mạnh quan hệ kinh tế và thương mại song phương?

Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Iran luôn được lãnh đạo và nhân dân hai nước quan tâm, vun đắp, gìn giữ và phát triển. Cùng với vai trò quan trọng và vị thế ngày càng gia tăng của Iran tại khu vực Tây Á và của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á, tiềm năng hợp tác giữa hai nước thời gian tới là rất lớn. Chuyến thăm Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này sẽ tạo động lực mạnh mẽ để đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, khai thác tốt hơn những tiềm năng sẵn có trên các mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ  thuật… Có thể nói, ngoại giao nghị viện là một điểm sáng nổi bật của quan hệ song phương Việt Nam - Iran. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn Quốc hội trong những năm qua. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nông Đức Mạnh đã thăm Iran vào năm 1999, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thăm Iran vào năm 2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thăm Iran năm 2022, trong khi Chủ tịch Quốc hội Iran Larijani thăm Việt Nam vào năm 2018.

Để có thể đẩy mạnh quan hệ kinh tế và thương mại song phương, hai nước cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn kiện đã ký kết, thúc đẩy các cơ chế hợp tác sẵn có, hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa; tạo điều kiện cho hàng hóa hai nước thâm nhập thị trường của nhau; phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, diễn đàn doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp; thúc đẩy sớm tổ chức Cuộc họp lần thứ 10 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Iran, đàm phán tiến tới ký kết Thỏa thuận Thương mại Ưu đãi (PTA) giữa hai nước; tìm ra phương thức thanh toán phù hợp, như cơ chế hàng đổi hàng để đảm bảo giao thương được thuận lợi.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Nguyễn Trường (TTXVN)

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất