Học giả Ibnu Hadi cho rằng bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thực sự là “sự bổ sung hoàn hảo” cho các hành động, chính sách của các cơ quan hành pháp Việt Nam.
Học giả Ibnu Hadi, giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế thuộc Đại học President đồng thời nguyên là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam, cho rằng bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại sự kiện do Cộng đồng Chính sách Đối ngoại Indonesia (FPCI) tổ chức vào ngày 5/8 là “rất ấn tượng, toàn diện, có tầm nhìn xa," đề cập đến tất cả các khía cạnh của không chỉ mối quan hệ Indonesia-Việt Nam, mà còn về ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác và các vấn đề toàn cầu.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, nguyên đại sứ cho rằng phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Đối thoại chính sách “Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Indonesia gắn kết bền chặt, cùng nhau phấn đấu vì một châu Á-Thái Bình Dương năng động, bao trùm, hòa bình, hợp tác và phát triển," thực sự là “sự bổ sung hoàn hảo” cho các hành động, chính sách của các cơ quan hành pháp Việt Nam.
Ông Ibnu cũng hoàn toàn nhất trí về phát biểu của người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam về việc người dân là gốc trong mọi chính sách phát triển của Việt Nam và cương lĩnh phát triển của Việt Nam luôn xác định mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh," trong đó “dân giàu” được đặt trước “nước mạnh;” người dân phải được thụ hưởng mọi thành quả phát triển thì thành quả đó mới thực sự ý nghĩa.
Chia sẻ ý kiến “người dân là gốc rễ trong mọi quyết định” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Ibnu cho rằng điều này hoàn toàn đúng đắn bởi ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, cả chính phủ với tư cách là cơ quan hành pháp lẫn quốc hội với tư cách cơ quan lập pháp đều do người dân bầu ra. Do vậy, người dân phải là cốt lõi trong mọi hành động của chính phủ và quốc hội.
Ông Ibnu giải thích rằng về mặt logic, công việc của chính phủ cũng như của quốc hội đều phải đảm bảo rằng mọi quyết định của mình đều vì lợi ích của người dân.
Khi đưa ra một điều luật mới, quốc hội cần phải nghĩ rằng điều luật này là vì lợi ích tốt nhất của người dân. Khi đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến kinh tế, phát triển xã hội, chính phủ cũng phải nghĩ tới người dân và phải đảm bảo rằng quyết định đó có lợi, vì lợi ích của người dân.
Cũng theo ông Ibnu, về cơ bản, Indonesia và Việt Nam đều nhận thấy rằng kinh tế là yếu tố số một, kinh tế tốt thì nước mới mạnh. Chính sách hay cách thức điều hành kinh tế của mỗi nước có thể khác nhau nhưng tư tưởng và mục tiêu thì giống nhau.
Ông Ibnu đánh giá rằng Việt Nam hiện nay thực sự có một nền kinh tế rất mở với rất nhiều hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Ngoài ra, Việt Nam cũng rất năng nổ trong việc xây dựng và mở rộng nền kinh tế. Điều này có thể thấy rõ qua chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, với sự tháp tùng của nhiều doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Vietjet, Vinfast...
Cuối cùng, ông Ibnu bày tỏ hy vọng qua chuyến thăm này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có các hoạt động mở rộng, hợp tác tốt với Indonesia.
Việc khai trương đường bay thẳng Jakarta-thành phố Hồ Chí Minh của Vietjet Air là một trong những ví dụ và điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế cũng như tăng cường giao lưu nhân dân, không chỉ giữa các doanh nhân mà còn cả giữa giới học thuật, và du khách./.
Theo TTXVN