MỘT NGÀY CHUYỂN BỐN BỆNH VIỆN
Đang cắt lúa mướn trên đồng, anh Ngô Văn Tâm (SN 1972) chết điếng khi nhìn thấy một hình hài đen thui lồm cồm bò lên từ con mương. Nhìn thấy ba, Hiệp cố gọi: “Ba ơi, cứu con!”. Anh Tâm chạy đến đỡ con với một cảm giác thật nặng nề. Bao nhiêu câu hỏi đổ dồn trong đầu anh cùng một lúc: “Có phải con gái tôi đây không? Giờ này đáng ra Hiệp phải ở trường, vì sao toàn thân bị đốt cháy thế này?”...
Hiệp được đưa về nhà ngay sau đó. Căn nhà lá xiêu vẹo bỗng chốc đông đúc vì hàng xóm kéo đến. Chị Võ Thị Cúc (SN 1972) vừa đi làm mướn về, nhìn thấy con, nấc lên nghẹn ngào.
Dù toàn thân bị phỏng nhưng Hiệp vẫn tỉnh táo kể cho mọi người nghe chuyện vừa xảy ra trong sự bàng hoàng của người thân và hàng xóm. Thỉnh thoảng Hiệp lại căm giận la lớn: “Hãy bắt ông ta!”.
Khoảng 13 giờ ngày 22-3-2010, Hiệp từ nhà đến trường bằng chân không. Ngại vô trường không có dép, Hiệp đã đến nhà cô ruột (cạnh trường) để mượn. Sau đó, Hiệp trở lại trường. Nhưng Hiệp không vào lớp mà quay về nhà, vì chợt nhớ phải trông đứa em ba tuổi để ba mẹ đi làm. Trời xui đất khiến thế nào, Hiệp chọn đường ruộng để về cho gần. Đi được một đoạn, Hiệp gặp ông N.V.H (tức B.H, SN 1952, hàng xóm của nhà Hiệp) đang đốt rạ trên đồng. Nhìn thấy Hiệp, ông H. ngoắc lại và tính giở trò đồi bại. Hiệp vùng vẫy thoát thân, miệng la lớn: “Xin ông để con về”, nhưng ông H. không buông tha. Hiệp tìm mọi cách chống cự. Do thực hiện ý định không thành, tức giận, ông H. bế Hiệp quăng vào đống rơm đang cháy rồi ung dung về nhà. Chịu một sức nóng khủng khiếp nhưng không hiểu bằng sức mạnh nào Hiệp đã vụt thoát ra khỏi đám lửa rồi chạy tìm người giúp đỡ. Ngờ đâu người đầu tiên Hiệp nhìn thấy lại chính là ba mình.
Tiếng còi xe cứu thương hụ lên phá tan bầu không khí yên tĩnh của một làng quê nghèo. Dù không bất tỉnh nhưng hơi thở của Hiệp mỗi lúc một yếu dần. Nằm trong xe, Hiệp cứ luôn miệng: “Hãy bắt ông ta!”. Hiệp được đưa đến Bệnh viện Trường Xuân (thị trấn Trường Xuân, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp). Nhưng do vết phỏng quá nặng nên Hiệp lại được chuyển sang Bệnh viện huyện Tháp Mười, rồi chuyển lên bệnh viện tỉnh Đồng Tháp. Nhưng sau đó, chiếc xe cứu thương lại chở Hiệp băng trong đêm để đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM.
Gần 22 giờ cùng ngày, các bác sĩ BV Nhi đồng 1 tiếp nhận Hiệp trong sự xót xa. Đã một tuần trôi qua, Hiệp vẫn còn nằm trong phòng cấp cứu khoa phỏng để được theo dõi.
Mọi việc chăm sóc cho Hiệp đều do người chị dâu của chị Cúc đứng ra lo liệu, vì chị Cúc không dám nhìn con trong tình cảnh thế này. Ở ngoài hành lang, thương con, chị Cúc cứ khóc miết. Anh Tâm thì thỉnh thoảng đón xe đò lên thăm con, nhưng rồi cũng phải trở về để đi làm thuê. Gia đình đã quá nghèo, lại phải nuôi năm đứa con (Hiệp là con thứ hai) ăn học nên dù đau đớn đến mức nào anh Tâm cũng phải cắn răng chịu đựng. Mấy ngày nay, con gái lớn phải xin nghỉ học để thay mẹ chăm sóc đứa em út.
Từ ngày Hiệp nhập viện đến giờ, chị Cúc càng gầy gò, hốc hác hơn vì phải chạy vạy để mượn tiền lo thuốc thang, viện phí cho con. Hành lý mang theo chỉ là mấy bộ đồ cũ. Những người ở bệnh viện thương tình cho chị túi xách và một ít đồ đạc.
Hiệp là một đứa con ngoan. Biết gia cảnh khó khăn nên tranh thủ những ngày nghỉ, Hiệp thường cùng mẹ đi làm thuê hoặc phụ mẹ trông em. Giờ Hiệp nằm đó, phải chịu đau đớn đến tột cùng khiến những người chứng kiến chỉ biết thở dài. Biết dùng từ gì để diễn tả nỗi đau mà Hiệp và người thân của em đang phải gánh chịu?
TỘI ÁC CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ
Ngay khi nghe Hiệp kể vụ việc, người thân đã tìm gặp ông H. để hỏi rõ sự tình. Ông H. chối phăng, cho rằng Hiệp đã “vu oan giá họa” cho ông. Ông H. khẳng định chắc nịch, trong lúc đốt rạ trên đồng, ông không hề nhìn thấy ai. Còn Hiệp bị thế nào, ông làm sao mà biết được. Công an xã Vĩnh Bửu đã chuyển vụ việc lên CA huyện Tân Hưng để điều tra làm rõ.
Theo lời Hiệp, trong lúc giãy giụa Hiệp đã đánh rơi một chiếc dép xuống cống nước cạnh đó, toàn bộ cặp sách tập vở bị cháy. Người thân của Hiệp cho biết, CA huyện đang giữ một số tang vật của vụ án.
Trong lúc Hiệp đang trong tình trạng rất nguy kịch thì người thân ở quê báo lên, con trai ông H. đã lớn tiếng: “Sẽ bán chục mẫu đất để lo lót cho xong vụ này”.
Tiếp xúc với chúng tôi ngày 27-3-2010, chị Cúc nói trong nước mắt: “Bác sĩ nói không biết Hiệp sẽ chết sống lúc nào. Vì thế, trong lúc con còn tỉnh táo, gia đình có gọi điện báo cho CA huyện lên lấy lời khai”. Chiều 28-3, CA huyện Tân Hưng, Long An đã cử cán bộ đến BV để lấy lời khai của bé Hiệp.
Toàn thân Hiệp cháy đen, một số bộ phận trên cơ thể biến dạng. Những đứa bé cấp cứu chung phòng gọi Hiệp là “ông kẹ”, là “ma”, hoảng sợ cứ khóc thét lên. Nhiều người lớn vào phòng cấp cứu thăm bệnh cũng không dám nhìn Hiệp vì sợ ám ảnh. Vậy mà Hiệp cứ luôn miệng năn nỉ các y tá, bác sĩ: “Ráng làm nhè nhẹ cho con. Con ráng chịu đau để chờ CA giải quyết ông H.”. Hôm chúng tôi có mặt tại bệnh viện, nhiều người trong khoa phỏng đã kéo đến bày tỏ sự bức xúc.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi hiểu vì sao Hiệp có đủ sức mạnh để thoát khỏi đống rơm đang cháy, vì sao có thể chạy và bơi qua mương để kêu cứu, vì sao cố gượng để kể rành rọt các chi tiết của vụ việc. Có lẽ hơn ai hết, Hiệp không muốn chết oan, và hơn ai hết, Hiệp muốn đưa thủ phạm ra trước vành móng ngựa.
Theo MỸ THANH- CATPHCM