Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 10/10/2024 12:25'(GMT+7)

Cơ cấu lại đội ngũ công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí việc làm

Chú thích ảnh
Bộ Nội vụ đã sửa đổi yêu cầu về trình độ đào tạo đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bộ Nội vụ hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và hướng dẫn xác định cơ cấu ngạch công chức, làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương thống nhất áp dụng và thực hiện việc xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý.

Tính đến thời điểm này, 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành phê duyệt Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức theo quy định tại Nghị định số 62. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nội vụ và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực rà soát, hoàn thiện thể chế về xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong hệ thống chính trị theo quy định của Đảng và của pháp luật, gắn việc phê duyệt vị trí việc làm với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và thực hiện tinh giản biên chế công chức; từng bước đổi mới công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức theo vị trí việc làm gắn với kết quả sản phẩm đầu ra và thực hiện trả lương theo vị trí việc làm phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

Trong tuyển dụng công chức, theo Bộ Nội vụ, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức) đã cụ thể hóa các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 về tuyển dụng công chức. Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế tuyển dụng công chức, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Trong đó, tập trung sửa đổi quy định về tuyển dụng theo hướng rút ngắn quy trình, thủ tục, hoàn thiện về phương thức tổ chức thi để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tuyển dụng vào làm việc trong cơ quan nhà nước.

Bên cạnh việc tuyển dụng công chức theo quy định tại Nghị định số 138 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 116), thời gian qua các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện việc tuyển dụng công chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Đánh giá của Bộ Nội vụ cho thấy, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện việc tuyển dụng công chức đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, khách quan; bảo đảm tính cạnh tranh theo quy định; tuyển chọn đúng người, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm; thực hiện đầy đủ các chính sách ưu tiên trong tuyển dụng đối với người có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức thi, công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Chất lượng đội ngũ công chức được tuyển dụng ngày càng nâng cao, nhất là đội ngũ trẻ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã tuyển dụng 3.664 công chức (bộ, ngành Trung ương là 488 công chức, địa phương là 3.176 công chức). Trong 6 tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã tuyển dụng 1.688 công chức, trong đó bộ, ngành tuyển dụng 169 công chức; địa phương tuyển dụng 1.519 công chức. Qua đó, góp phần quan trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao theo vị trí việc làm../.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất