Từ ngày 7 - 9/10, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New
York đã diễn ra phiên khai mạc kỳ họp Ủy ban Kinh tế-Tài chính (Ủy ban
2) của Đại hội đồng LHQ khoá 79.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch
Ủy ban 2 Muhammad Abdul Muhith nhấn mạnh Ủy ban 2 cần tập trung triển
khai các mục tiêu hành động của Thỏa thuận cho Tương lai, trong đó có
ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững và cải tổ cấu
trúc tài chính quốc tế.
Tại phiên thảo luận chung sau khai mạc kỳ họp,
các nước chia sẻ nhận định về những khó khăn, thách thức đan xen đối với
việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, kêu
gọi cần chung tay để xử lý các thách thức về kinh tế, tài chính, khí
hậu, xóa đói giảm nghèo…
Phát biểu tại phiên thảo luận chung, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng
Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, bày tỏ lo ngại khi dự kiến có
khoảng 80% các Mục tiêu phát triển bền vững đứng trước nguy cơ không thể
đạt được đúng hạn do tác động của căng thẳng chính trị, khủng hoảng
nhân đạo, thách thức về khí hậu và gia tăng bất bình đẳng. Mặc dù vậy,
cộng đồng quốc tế đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong thực hiện Chương
trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh Phát
triển bền vững năm 2023 và việc thông qua Hiệp ước cho Tương lai mới
đây.
Trong bối cảnh đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đề xuất một số lĩnh vực
hành động trọng tâm để đạt được phát triển bền vững.
Trước tiên, cần cải
tổ cấu trúc tài chính quốc tế, trong đó có các thể chế tài chính quốc
tế và ngân hàng phát triển đa phương để đảm bảo sự tham gia đóng góp của
các nước đang phát triển vào quản trị kinh tế toàn cầu. Các nước nên
tiếp tục tăng cường tính bền vững của nền kinh tế thông qua các chính
sách kinh tế hiệu quả và hỗ trợ của các đối tác quốc tế để đảm bảo tài
chính cho phát triển, tận dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ,
đổi mới, trí tuệ nhân tạo, trong đó có thực hiện hiệu quả Thỏa thuận số
toàn cầu.
Thứ hai, cần đẩy mạnh hành động khí hậu thông qua thực hiện các cam
kết và tăng cường tài chính cho khí hậu; chuyển đổi sang năng lượng tái
tạo là con đường tất yếu để giảm phát thải khí nhà kính và kiến tạo một
tương lai bền vững hơn. Việt Nam hoan nghênh sự hỗ trợ của LHQ và các
đối tác quốc tế trong thực hiện Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng
công bằng và kêu gọi tăng cường thêm hỗ trợ cho các nước đang phát
triển.
Thứ ba, cần tập trung vào xóa đói giảm nghèo
và đảm bảo an ninh lương thực cho tất cả mọi người thông qua thúc đẩy
nông nghiệp bền vững, đa dạng hóa cây trồng và đảm bảo chuỗi cung ứng
lương thực, cũng như tăng cường đầu tư cho giáo dục, tạo việc làm.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng bày tỏ sự đoàn kết với các nước kém phát
triển nhất, các nước đang phát triển không có biển và các quốc đảo nhỏ,
đồng thời kêu gọi tăng cường thực hiện Chương trình hành động dành cho
các nước này.
Việt Nam hiện đứng thứ 55 trên tổng số 166 nước về tiến độ thực hiện
các Mục tiêu phát triển bền vững, song vẫn cần nhiều việc phải làm để
tái cơ cấu nền kinh tế, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và
thiên tai.
Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ nhấn
mạnh sự cần thiết của tăng cường quan hệ đối tác trong cung cấp tài
chính cho phát triển, chuyển giao công nghệ. Việt Nam sẵn sàng hợp tác
với tất cả các đối tác liên quan tiến tới một tương lai bền vững và
không ai bị bỏ lại phía sau./.
TTXVN